Đây là một trong những nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 4/1.
“Hôm qua, ngồi ở Sân vận động Mỹ Đình, tôi nói Giám đốc sân Mỹ Đình Nguyễn Trọng Hổ làm đề án đi (đề án hợp tác công tư - PV), khai thác cả sân vận động lớn mà không khai thác được, cứ trông chờ vào tiền Nhà nước, một trận bóng đá mất nhiều tiền thì mình phải khai thác hợp tác công tư, đó là vấn đề nghiên cứu kỹ ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề: "Cạnh công viên Thống nhất, nhiều năm rồi có đến 400 người dọn dẹp mà tình trạng vẫn xập xệ. Tại sao không đấu thầu cho doanh nghiệp quản lý? Nhà nước chẳng mất gì cả, nếu doanh nghiệp làm tốt thì để cho họ làm, không thu hồi".
Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ lĩnh vực giao thông, mà hợp tác công tư cần nhân rộng ra ở quản lý công viên, trụ sở, sân vận động, quản lý nhà khách. Bộ KH&ĐT và các cấp, ngành cần nghĩ rộng ra.
Toàn cảnh hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2033 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 4/1. |
Trong thành tựu phát triển kinh tế năm 2022, Thủ tướng ghi nhận đóng góp của Bộ KH&ĐT trong việc tham mưu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&ĐT đã nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Năm 2022 là năm có số lượng đăng ký doanh nghiệp cao nhất từ trước đến nay với trên 148.500 doanh nghiệp, tăng 27,1%; có trên 208.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 30,3% và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được đẩy mạnh; đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến, cao gấp 3 lần năm 2021 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ KH&ĐT cần nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô, theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu chiến lược với Chính phủ.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt toàn bộ các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Tiếp tục cắt giảm thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp
Báo cáo trước Thủ tướng về phương hướng nhiệm vụ của ngành trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật.
“Bộ KH&ĐT sẽ chủ động trong xây dựng nội dung và chủ trì tổ chức các cuộc họp Tổ điều phối kinh tế vĩ mô nhằm kịp thời phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước; đánh giá các tác động cũng như triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất, kiến nghị các kịch bản ứng phó, các giải pháp kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng”, ông Phương cho hay.