Nhà văn Y Ban: Mang tết ấm đến với trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Đau thương tận cùng, nước mắt ngập tràn nhưng không bi lụy. Bởi đầy ắp tình người và ngát hương thơm thảo”, tác giả “Đàn bà xấu thì không có quà” giới thiệu về cuốn sách mới nhất của mình: “Sài Gòn làn sóng thứ tư”.

Nghe nói toàn bộ số tiền bán sách “Sài Gòn làn sóng thứ tư” sẽ được chị tặng cho trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19?

Nhà văn Y Ban: Đúng rồi. Trước mắt tôi in 500 cuốn thôi, để thăm dò. Nhiều độc giả đang đọc sách đã đưa lại phản hồi tốt. “Sài Gòn làn sóng thứ tư” được ghi dưới dạng nhật ký ghi với góc nhìn của tôi. Tôi ghi trong đúng một tháng thôi, bởi không còn năng lượng để viết nữa. Tôi muốn bán được sách nhanh để trẻ mồ côi có chút ấm áp trong những ngày tết.

Tại sao chị chọn hình thức ghi nhật ký để làm cuốn sách này?

Nhà văn Y Ban: Vì tôi không ở trong tâm dịch, nên tôi ghi nhật ký từng ngày một, tư liệu chủ yếu dựa theo báo chí chính thống, có khi có kèm cảm xúc của tôi, cũng có lúc tôi chẳng bình luận, chẳng bày tỏ cảm xúc gì, chỉ để đó, những con số, những sự việc… đủ nói lên tất cả. Có những người vừa mua sách đã đọc hết 1/4 cuốn. Họ nhận xét: Ghi lại lịch sử thì phải như thế! Nhưng tôi không ghi tất cả mọi thứ ở trong đầu, cũng không đưa những tư liệu ngoài luồng.

Nhà văn Y Ban: Mang tết ấm đến với trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 ảnh 1

Sách hơn 200 trang, giá: 120.000 đồng. Đây là món quà của Y Ban dành tặng trẻ thơ mồ côi do bão dịch (Ảnh: FBNV)

Hành trình ghi nhật ký của chị diễn ra thế nào?

Nhà văn Y Ban: Tôi viết từ ngày 30 tháng 7, kết thúc ngày 1 tháng 9. Ngày nào tôi cũng viết, có ngày tôi viết hơn 10 ngàn từ, sau đó tôi ngồi đọc và phân tích. Trong suốt một tháng tôi gần như stress, trọng lượng cơ thể gần cán mốc 70 kg, tôi cứ ăn vô thức rồi nghĩ, rồi viết. Mắt cứ sưng húp vì vừa viết vừa khóc, khóc đến lộn cả mi mắt lên. Năng lượng gần như kiệt quệ. Cứ ăn uống xong xuôi, có lúc 12 giờ trưa tôi đã ngồi vào bàn, có lúc muộn hơn thì 1,2 giờ chiều tôi ngồi viết đến 6 giờ. Viết xong người cứ tê bì.

Đã có cuốn sách nào vắt kiệt sức của Y Ban như thế chưa?

Nhà văn Y Ban: Chưa. Không bao giờ tôi bị vắt kiệt cỡ này. Tôi dành mười mấy ngàn từ viết về những ngôi nhà tuổi thơ của tôi ở cái thời vừa hạnh phúc, vừa đói khát. Mọi người tưởng lạc đề nhưng không, tôi viết những dòng này để dành tặng những đứa bé không có tuổi thơ có cả cha, cả mẹ như tôi (dù tuổi thơ của tôi cũng khổ lắm, chiến tranh mà). Viết về những vấn đề đau thương, năng lượng xấu xâm nhập nhưng khi trở về với ký ức tuổi thơ, tôi như được thăng hoa, như được nạp năng lượng.

Nhà văn Y Ban: Mang tết ấm đến với trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 ảnh 2

Nhà văn Y Ban (Ảnh: FBNV)

Có lẽ chị là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết sách để bán lấy tiền tặng trẻ thơ trong bão dịch cũng nên!

Nhà văn Y Ban: Lực tôi yếu lắm. Tôi chỉ là bà nhà văn cũng vừa đủ ăn. Mà tôi muốn ghi lại khoảnh khắc ấy. Tôi chọn Sài Gòn để viết bởi vì người ta nói Sài Gòn hoa lệ, Sài Gòn Anh Hai, Chị Hai… nhưng khi cơn CoVID băng qua đã làm Sài Gòn bộc lộ nhiều mặt, cả hay lẫn dở.

Với cuốn sách này, bạn đọc có được thưởng thức văn chương Y Ban không?

Nhà văn Y Ban: Ở đây văn chương rất ít, chỉ có suy nghĩ của tôi. Tôi cũng có đưa vài bài thơ vào sách, như thơ viết cho ngày 17 tháng 2, hoặc thơ viết về thời COVID. Chỉ có phần viết về ngôi nhà tuổi thơ đậm tính văn chương hơn cả. Tôi nhắc mình phải viết cuốn này vì tôi đã qua tuổi làm mẹ rồi, bây giờ đến tuổi làm bà, nhìn những đứa trẻ mồ côi do bão dịch, tôi đau lắm. Một hôm đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gọi điện cho tôi, bảo: Y Ban ơi, tại sao chị không viết? Chị không viết là có tội đấy? Thế là đúng 30 tháng 7 tôi đặt bút viết một cuốn sách đẫm nước mắt nhưng không bi lụy.

MỚI - NÓNG