Nhà văn Thanh Châu và ký ức quê ngoại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lẩn thẩn nổi hứng dọn dẹp. Một tấm ảnh cũ rơi ra. Nép bên hai cụ Kim Lân và Thanh Châu! Tự dưng nhớ thêm nhiều chuyện về nhà văn Thanh Châu và làng Bồng Thượng - quê ngoại nhà văn.

Tên làng có tự thời Lê sơ. Hồi Tổng tuyển cử năm 1946 có cái tên mới, xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Vuột làng mà đi. Những là mải mốt úp mặt cắm cúi với mưu sinh này khác, tôi đâm lơi lỏng bao sự kiện dính dáng đến chuyện làng.

Nhà văn Thanh Châu và ký ức quê ngoại ảnh 1

Tác giả bài viết bên hai trưởng lão, Thanh Châu (giữa) và Kim Lân

Năm xa ấy, ngồi hầu chuyện cụ Tô Hoài. Cụ nhắc, cái vùng cậu là quê ngoại Thanh Châu đấy…

Cứ ngờ ngợ mang máng. Mãi lần gặp cụ Thanh Châu ở nhà cụ Kim Lân xóm Hà Hồi (Hà Nội) thì mới tường thêm nhiều chuyện làng.

Tôi có bản chụp tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy. Tờ báo đã xuộm vàng, nhưng vẫn rõ ngày 2/3/1940. Báo đăng phóng sự Nhớ quê của Thanh Châu. Cụ Thanh Châu thuật lại lần về quê ngày 30 Tết ấy. Khi đó cậu bé Thanh Châu - Ngô Hoan mới 8 tuổi.

Tên Hoan. Nhưng cậu nghịch ngợm quá lắm. Người nhà quen gọi là thằng Hoang. Lên núi Hùng Lĩnh chăn bò với bọn trẻ, bãi sông làng Bồng Thượng là nơi tha hồ thỏa thích những trò tinh nghịch của cậu và lũ trẻ làng.

Thường cứ sáng 30 Tết là cả nhà Thanh Châu lại về Bồng Thượng bằng đò dọc. Từ thị xã, có 2 lối về Bồng Thượng. Đi bằng xe kéo ngược đường Một thì xa và kích rích. Đường thủy ngược sông Mã khoảng 30 cây số đường sông.

Hành lý lỉnh kỉnh. Nhiều người nhà đi cùng. Tiện nhất là thuê hẳn một chuyến đò dọc.

Cậu bé Ngô Hoan 8 tuổi thu nhận tất tật những hình ảnh trên sông, bên sông như thổ lộ trong bài viết để rồi giữ lấy tưởng không bao giờ mờ nhạt…

Những cồn cát chạy dài bên sông. Những đàn chim ngốc mỏ đen mỏ đỏ phơi mình hong nắng tháng Chạp. Những bãi dâu mườn mượt đôi bờ. Qua những làng có bến nước bắc bằng bậc đá xanh, đám đàn bà con gái ra đãi đậu giặt giũ. Những cây nêu mới cắm vượt lên rặng tre làng.

Nếu thuận gió thì nửa ngày đến được bến làng Bồng Thượng. Nhưng lần ấy tối mịt lâu rồi thuyền mới vào bến.

Tôi nhớ mình có đem bài báo ấy hỏi cụ Thanh Châu thì cụ nhớ đận về Tết ấy là năm 1920. Lật lại những dòng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, tôi như nổi gai ốc về những địa danh mà cụ Thanh Châu tả về khung cảnh đêm 30 Tết ở cái làng Bồng Thượng xa xăm năm 1920 ấy.

Nhà văn Thanh Châu và ký ức quê ngoại ảnh 2

Phủ Trịnh, điểm nhấn tâm linh làng Bồng Thượng

“…Đến đầu xóm nào, chúng tôi cũng gặp vài người tuần tráng trong tay là cái gậy dài xúm xít quanh một đống lửa.

Đây là tuần canh Ngõ Thẳng.

Đây là tuần canh Ngõ Chửa (giữa). Ngõ Đình. Ngõ Hát.

Anh em đốt đình liệu cho làng đấy hả? Mẹ tôi hỏi”.

Đốt đình liệu. Đó là cái tục làng Bồng Thượng và nhiều làng khác nữa. Đêm 30 Tết người ta phải đốt đuốc từ chặp tối đến giao thừa từ đầu làng đến cuối làng và các ngõ xóm. Để làm gì? Vì đêm 30 trời tối quá, phải có ánh đuốc vong người đã khuất mới thấy đường tìm về cổng nhà mình mà sum họp với người thân.

Ngõ Chửa, ngõ Đình, ngõ Hát…

Cụ Thanh Châu đương nhắc đến địa danh nơi Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm từng đặt hành cung đồ sộ nguy nga ngay tại quê nhà Bồng Thượng in hệt ở kinh thành Thăng Long nơi Phủ Chúa để điều hành quốc sự. Vì ngài hay về quê. Hành cung Phủ Trịnh làng Bồng Thượng đã bị phá sạch bách, đã bằng địa, cái năm xa khởi đầu trào Tây Sơn.

Đọc thêm sách của Trần Quốc Vượng mới thấy giật mình hãi sợ. Vài viên tì tướng từng theo Nguyễn Huệ buôn trầu vốn tiềm tàng cái máu lục lâm thảo khấu. Mắt chưa tường cảnh vàng son cung vua phủ Chúa cùng lụa là gấm vóc. Lấy cớ phò Lê diệt Trịnh, họ từng làm cỏ dinh thự người Hoa Cù Lao Phố ở Đồng Nai. Rồi Hội An ở Quảng Nam, Lam Kinh và hành cung chúa Trịnh ở Bồng Thượng này.

Rồi một đoạn khác không trong phóng sự Nhớ quê trên Tiểu thuyết thứ bảy.

“…Cái tôi ưa thích nhất là cái ngai thờ của ông tôi khoác một chiếc áo trào thêu rồng phượng đủ cả cân đai bối tử uy nghiêm như người thật giữa bàn thờ. Ôi cái áo trào của ông tôi, cái vật bất khả xâm phạm của một gia đình đã lâu không còn hiển hách nữa!

Tôi đã nhiều dịp nhìn thấy nhưng không dám lại gần bởi vì không ai cho trẻ đến gần vật ấy bao giờ! Những hôm giời nắng ráo, người ta đem nó ra giữa sân phơi chốc lát cho khỏi ẩm, mốc. Đó là những dịp cả nhà bàn nhắc lại cái thời vinh hạnh của người từng được triều đình ban cho cái áo cùng cái hốt ngà cái mũ cánh chuồn đôi hia. Những người đàn bà vừa bổ cau chẻ dưa vừa nghe những người có tuổi trong họ kể lại bằng một vẻ kính phục!”.

Nhà văn Thanh Châu đang nhắc đến người ông ngoại từng là tri phủ và Án sát Thanh Hóa Hà Tĩnh. (vị quan nhà Nguyễn văn hay chữ tốt này có để lại một bài thơ viết năm Thành Thái 1893, hiện còn lưu trong “Hợp tuyển thơ văn cận đại”).

Liên quan gia thế bên ngoại của nhà văn Thanh Châu, tôi nhớ đến chủ cái cơ ngơi đồ sộ ở góc xóm Nam của Bồng Thượng. Tường rào dinh cơ ấy được xây bằng thứ vật liệu khá ấn tượng. Những chiếc tiểu sành. Thứ tiểu mới nung chưa dùng vào việc sang cát. Dinh cơ ấy như gây nỗi khiếp hãi của bọn trẻ chúng tôi mỗi khi đi học qua.

Môn đăng hộ đối. Chủ nhân cơ ngơi làng Bồng Thượng ấy đã thành thông gia với một cụ lớn họ Ngô đất Nghệ An của triều Nguyễn thời Thành Thái.

Cậu bé Ngô Hoan sau này lấy tên là Thanh Châu khi bắt đầu viết cho tờ Tiểu thuyết thứ bảy năm 1934. Cái tên có hơi hướng xứ Châu Ái, Châu Hoan.

Thời gian học ở Hà thành và viết cho các báo, Thanh Châu vẫn thường xuyên đi về quê ngoại Bồng Thượng.

Rồi Thanh Châu gặp ông Đặng Văn Hỷ (sau là Chánh án Tòa tối cao), mới đầu là tâm giao thơ phú sau là giác ngộ cách mạng. Đặng Văn Hỷ - nhân vật lớn của Chiến khu cách mạng Ngọc Trạo khoái những phóng sự của Thanh Châu lắm. Bảo nó có hơi hướng cần lao. Vì thế sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn Thanh Châu được ông Hỷ giao chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến làng Bồng Thượng.

Thanh Châu kết giao thân thiết với lớp đảng viên đầu tiên của Bồng Thượng. Rồi Thanh Châu được rút lên huyện Vĩnh Lộc làm công tác thanh niên. Sải chân của người cán bộ Đoàn ấy dài rộng hơn với kháng chiến. Thanh Châu vào Vệ quốc Đoàn làm ở tờ Vệ Quốc quân. Sau 1954 về làm tờ báo Văn rồi Văn Nghệ.

***

Thời vận cuối những năm 50, rồi 60 thế kỷ trước, tự dưng xầm xì rồi ầm cả lên rằng Thanh Châu có dính đến nhân văn?! Bạn bè khuyên hay là lấy cái tên khác? Lắm điều sở đắc rụng rơi cùng buồn chán khiến Thanh Châu bẵng đi rất lâu với cái duyên bút mực.

Lần hiếm hoi ấy theo họa sĩ Việt Tuấn con trai cụ Kim Lân, tôi được hầu chuyện hai cụ Kim Lân và Thanh Châu ở cái “phòng khách” nhõn hơn 5 m2 ở ngõ Hà Hồi. Các cụ cười buồn nhắc đến thời cụ Kim Lân viết Con chó xấu xí. Cụ Thanh Châu nói mình chả viết gì cả. Có vẻ như cụ Kim Lân là chỗ tri kỷ tâm giao của cụ Thanh Châu.

Nhớ một kỳ họp Quốc hội, lúc giải lao tôi đánh bạo hỏi cụ Đỗ Mười một sự kiện. Số là Tết năm 1994, TBT Đỗ Mười đã đến thăm nhà văn Thanh Châu tận nhà riêng ở phố Trần Quốc Toản…

Xin lỗi, có phải lãnh đạo Hội Nhà văn giới thiệu nên đồng chí Tổng Bí thư mới đến nhà riêng nhà văn cao niên Thanh Châu thăm và chúc Tết?

Ông Đỗ Mười cau trán.

Chẳng phải đâu! Tớ hồi trước đọc thường xuyên Tiểu thuyết thứ bảy nên biết Thanh Châu. Khi nhắc đến mấy nhà văn tuổi cao, tớ nhớ ngay đến Thanh Châu…

Lần được ngồi với cụ lâu nhất có lẽ là ở TPHCM. Thời gian đó cụ rời con phố Trần Quốc Toản Hà thành theo con vào ở hẳn trong đó. Cũng là tiện việc chăm cụ bà đau yếu và chữa trị cái chân của cụ bị đâm xe. Buồn nỗi, khi tôi tìm đến nhà cụ ở đường Cách mạng tháng Tám thì cụ bà mới mất vài tháng.

Cụ cứ nhắc tiếc mấy lần chúng tôi, trong đó có nghệ sĩ Tiến Thọ và nhà thơ Huy Trụ (đều quê ở Bồng Thượng) có rủ cụ về lại Bồng Thượng nhưng lần lữa mãi chưa đi được. Cụ nói thể nào lần sau ra Bắc cũng phải về cố hương. Rồi cười vui vẻ thao thao đọc cho nghe đoạn thơ tự trào:

Mình như là mít chín/ Tụt nõ lúc nào hay/ Sao cứ nhìn hoa hậu/ Như thể vẫn còn cay/ Em ơi đừng chúc thọ/ Anh vẫn đạp hằng ngày!

Mừng cụ đã ngoại cửu thập mà còn khỏe. Nhưng cái đoạn về lại Bồng Thượng, nghe ra cứ thăm thẳm thế nào…

Lần ấy dư dả thời gian nên tôi cố tò mò thêm về giai thoại T.T.Kh của Hai sắc hoa Tigôn. Rồi gạ thêm cụ nói thêm về cái lời nhắc tha thiết của Vũ Bằng về nhà văn Thanh Châu. Mà Vũ Bằng cứ nhấn nhá mãi trong Thương nhớ mười haiBốn mươi năm nói láo.

Cụ còn cho biết nhà riêng nhà văn Vũ Bằng ở chân cầu Khánh Hội. Và nhiệt thành bảo cả người nhà cụ dẫn tôi đi.

…Nhớ thêm Đại hội nhà văn lần thứ VII (2005), Ban Tổ chức giới thiệu nhà văn cao niên nhất Đại hội là ông Vũ Khiêu, 90 tuổi. Thì mười lăm phút sau, cụ Thanh Châu khi ấy tuổi 94 xuất hiện. Cụ tới mới bay từ TPHCM ra. Giờ trưa, nhờ cụ Kim Lân tốt mời nên một nhóm nhỏ chúng tôi có gầy một cuộc nhậu be bé tiết canh lòng lợn. Nhưng trên đường đi, người nhà cụ Thanh Châu nhắn cụ về có việc…

Đó là lần cuối nhà văn Thanh Châu ra với đất Hà Thành!

MỚI - NÓNG