Nhà văn Lê Lựu chấm điểm phim Thời xa vắng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kịch bản phim "Thời xa vắng" được đích thân đạo diễn Hồ Quang Minh chuyển thể và thêm lên đặt xuống trong suốt 16 năm. Trước khi khởi quay, Lê Lựu kể, ông được đạo diễn mời làm cố vấn văn học, vừa sửa lời thoại, vừa “trộn” thêm chất liệu truyện ngắn “Bến sông” giúp chuyện phim đầy đặn và có “chất xi-nê” hơn.

Điểm 7 là cao lắm

Tiểu thuyết “Thời xa vắng” nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Đúng một năm sau, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã thành công mua tác quyền để chuyển thể thành phim.

Khi “Thời xa vắng” phiên bản điện ảnh sắp ra rạp, tôi gặp Lê Lựu, ông kể: “Tiểu thuyết vừa được giải, Hồ Quang Minh lúc ấy vẫn ở nước ngoài đã liên lạc với tôi đặt vấn đề chuyển thể thành phim. Nhưng mãi mà chưa làm được. Năm 1988 thấy “Tướng về hưu” của Thiệp (Nguyễn Huy Thiệp) được chuyển thành phim oách quá, tôi nghĩ giá truyện của mình cũng làm được thế thì thích. Đến lúc tìm được kinh phí, Hồ Quang Minh lại nhờ tôi làm cố vấn văn học. Minh sống ở nước ngoài nhiều năm nên tôi phải giúp tô đậm cái chất quê kiểng Bắc bộ lên”!

Nhà văn Lê Lựu chấm điểm phim Thời xa vắng ảnh 1

Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền trong phim “Thời xa vắng”

Vì nhiều lý do, mãi 16 năm sau, phim “Thời xa vắng” mới chính thức ra mắt. Đến năm 2005, bộ phim được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều bạc. Về sau gặp lại, nhắc lại chi tiết này, Lê Lựu còn cười oang oang bảo: Tôi là cầu được ước thấy nhé! “Tướng về hưu” được chuyển thể, “Thời xa vắng” cũng được chuyển thể. Sau, “hai đứa nó” lại cùng được giải Bạc (“Tướng về hưu” được Bông sen Bạc - LH phim Việt Nam lần thứ 9, 1990, “Thời xa vắng” được Cánh diều Bạc 2005).

“Thời xa vắng” lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, kể về Giang Minh Sài mới 12 tuổi đã được bố mẹ cưới cho một cô vợ mù chữ hơn tuổi tên là Tuyết. Cả cuộc đời Sài đều sống theo sự mong muốn của người khác: vì gia đình, đoàn thể, cấp trên... chỉ quên mất mong muốn thật sự của bản thân, đến cuối cùng vẫn là “giỏ trúc múc nước”.

Khi tôi hỏi, nếu chấm điểm hài lòng với “Thời xa vắng” trên màn ảnh, ông chọn thang nào, Lê Lựu nghĩ nghĩ rồi bảo chắc là 7 điểm. Xong ông nói thêm: thế là cao lắm!

Tôi cũng tin điểm 7 “cao lắm” của ông, vì tôi từng hỏi một số nhà văn có tác phẩm chuyển thể (thành phim hoặc kịch), người chấm cao nhất cũng chỉ có 6, đa số là bốn, năm hoặc có người từ chối cho điểm vì “nó không còn liên quan gì đến tôi”.

Là nói vậy, chứ trong những câu chuyện nhỏ lẻ sau này, có lần vừa bỏm bẻm nhai trầu, Lê Lựu vừa bảo, ông không ưng cái kịch bản chuyển thể ở chỗ này chỗ kia. Rồi ông liệt kê ra một loạt. “Nhưng mà chả khác được, dù sao thì tiểu thuyết mới là của ông Lê Lựu, còn phim thì là của ông Hồ Quang Minh”, ông chốt lại.

“Thời xa vắng” được đánh giá là một phim thành công. Sau khi thắng giải trong nước, nó còn được vinh danh tại LHP Thượng Hải, LHP Munich, LHP châu Á với tên tiếng Anh là “A time far past” và tên tiếng Pháp là “Le temps révolu”. Vai Tuyết của Hồ Phương Dung cũng được trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Singapore.

Nhà văn Lê Lựu chấm điểm phim Thời xa vắng ảnh 2

Nhà văn Lê Lựu

Sau này, Lê Lựu còn có một tác phẩm cũng lấy bối cảnh nông thôn miền Bắc những năm 50-60 được chuyển thể thành phim là “Sóng ở đáy sông”, được coi là “hiện tượng truyền hình”, góp phần đưa Xuân Bắc trở thành một diễn viên quốc dân như ngày nay.

“Tôi yêu Sài ở cái trí của thằng đàn ông, cái sự kiên nhẫn chịu đựng và rèn luyện trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Nhưng ghét ở cái chỗ là “nó” hèn. Và “nó” cũng giống mình ở cái sự hèn ấy. Nhiều khi mình cũng ghét cả mình. Ghét vì mình không đủ sự dũng cảm để vượt lên làm một cái việc gì đó, như là một cuộc cách mạng cho chính mình, để đến nỗi bán đứng mình cho đám đông...”.

Nhà văn Lê Lựu

Dự báo số phận nàng thơ

“Thời xa vắng” đóng máy năm 2003, vẫn trong câu chuyện về phim, ngoài nữ chính là Hồ Phương Dung (vai Tuyết, người vợ hơn tuổi của Giang Minh Sài, là vợ của Hồ Quang Minh ngoài đời) còn có sự góp mặt của Nguyễn Thị Huyền vai Hương - ánh trăng sáng, nàng thơ, bến đậu tinh thần duy nhất của Sài. Khi đó, Lê Lựu phấn khởi khoe: nàng thơ cực đẹp, dù thế nào cũng phải đi xem phim để biết người đẹp thực sự là thế nào.

Một năm sau, Nguyễn Thị Huyền đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2004. Gặp lại, vẫn nhớ tôi là người của Tiền Phong, ông bảo: Thế nào, thấy chúng tôi dự báo kinh không?!

Trong nguyên tác, Lê Lựu tả Hương rất kỹ, gần như một vai chính song hành với cuộc đời Sài, từ khi là một đứa bé con cho đến khi cả hai đều trưởng thành, có cuộc sống riêng. Trên phim, đất diễn của Hương không nhiều nếu đem so trong tam giác tình yêu của ba người: Sài - Tuyết - Hương. Lúc ấy tôi võ đoán, chắc vì muốn dành thời lượng cho vợ, Hồ Quang Minh đành tiết chế phần diễn của Nguyễn Thị Huyền. Lê Lựu nói hộ đạo diễn: “Dung làm nghề nghiêm túc lắm. Trước khi đóng phim, vợ chồng nhà ấy đã nhờ tôi thu xếp để Dung về quê sống một thời gian cho thấm nhuần không khí làng quê, tiện học cả nhời ăn tiếng nói của người nhà quê. Cô này sống ở nước ngoài từ trẻ, chưa từng biết nông thôn là gì”.

Chuyện người đóng Sài lúc lớn

Bên cạnh Nguyễn Thị Huyền, Lê Lựu không tiếc lời khen dành cho Ngô Thế Quân, người đóng vai Sài lúc lớn. Ông bảo: Quân chưa bao giờ “thò” mặt lên màn ảnh (chữ dùng của Lê Lựu), nhưng rất vừa với vai Sài, đúng là người mà tôi tưởng tượng.

Nhà văn Lê Lựu chấm điểm phim Thời xa vắng ảnh 3

“Thời xa vắng” được đánh giá là một bộ phim thành công

Không khó để nhận ra Lê Lựu dành nhiều tình yêu cho Sài. Có lúc ông nói, Sài chính là ông, ông là nguyên mẫu của Sài. “Tôi yêu Sài ở cái trí của thằng đàn ông, cái sự kiên nhẫn chịu đựng và rèn luyện trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Nhưng ghét ở cái chỗ là “nó” hèn. Và “nó” cũng giống mình ở cái sự hèn ấy. Nhiều khi mình cũng ghét cả mình. Ghét vì mình không đủ sự dũng cảm để vượt lên làm một cái việc gì đó, như là một cuộc cách mạng cho chính mình, để đến nỗi bán đứng mình cho đám đông...”.

Phim chiếu, tôi đã tìm gặp Ngô Thế Quân, lúc ấy vẫn hành nghề vẽ bìa sách. Quân có khuôn mặt xương, mắt sâu, vẻ ngoài hơi bẽn lẽn và sở hữu chất giọng khàn hiếm có.

Ngô Thế Quân kể rằng anh đến với điện ảnh vì tò mò muốn “thử cho biết” nên cũng không nặng nề gì. Bản thân Quân khi được hỏi: có cảm giác mình diễn tốt không, anh lắc đầu: “Yêu cầu của đạo diễn thế nào mình diễn thế. Khi diễn thì đặt mình vào bối cảnh, nghĩ mình là nhân vật ấy, tưởng tượng ra nhân vật trong từng hoàn cảnh thì tính cách phải như thế nào. Đơn giản vậy thôi, cũng chẳng phân biệt diễn hay không diễn”.

Có lẽ chính vì quan niệm “diễn mà không diễn” đã giúp Ngô Thế Quân đi suốt bộ phim với nội tâm biến đổi liên tục của Sài mà không gây nhàm và đơn điệu. Chính đạo diễn Hồ Quang Minh cũng không giấu được sự ngạc nhiên dành cho cậu diễn viên mới toanh của mình: “Đọc Thời xa vắng tôi ấn tượng ngay với Sài, vẫn nghĩ chọn được người đóng hợp không đơn giản. Cuộc gặp gỡ với Quân là một may mắn, ngay lần đầu gặp nhau tôi biết là mình đã tìm đúng người... Khi thu tiếng, một số anh em trong đoàn sợ giữ nguyên giọng của Quân sẽ khó nghe nhưng tôi vẫn để Quân tự lồng tiếng. Hồi quay “Bố già”, Marlon Brando vốn giọng mũi nhưng đã phải đeo gọng sắt cho trễ quai hàm mới ra thứ giọng khàn nghẹn như thế, đằng này tôi đùa Quân “tự nhiên mà ăn thật”, tại sao không dùng”?

Vì khởi đầu thuận lợi này, cộng với khả năng biểu đạt đầy cảm xúc đã giúp Ngô Thế Quân bén duyên với nhiều đạo diễn nổi tiếng khác mặc dù, nhắc lại là Quân không hề thuộc đội ngũ nam chính mặt sáng dáng minh tinh.

Ngay sau vai Giang Minh Sài, đạo diễn Ngô Quang Hải đã “phục” rất lâu để mời Quân tham gia bộ phim đầu tay của mình là “Chuyện của Pao”. Gần đây nữa, anh vào vai chính trong “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng.

Nhà văn Lê Lựu - tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng: Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994), Thời xa vắng (1986), qua đời ngày 9/11 tại quê nhà Hưng Yên, hưởng thọ 81 tuổi.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá, với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.

MỚI - NÓNG