Lễ tang nhà văn Lê Lựu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tác giả "Thời xa vắng" qua đời tại quê nhà vào ngày 9/11, hưởng thọ 85 tuổi. Lễ tang nhà văn Lê Lựu diễn ra ngày 10/11 tại Khoái Châu, Hưng Yên. 

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng bắt đầu từ 7h đến 21h ngày 10/11 tại quê nhà - huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Lễ truy điệu tổ chức lúc 7h20 sáng 11/11. Nhà văn Lê Lựu được an táng tại nghĩa trang thôn Mạn Trù Châu, tỉnh Hưng Yên.

Lễ tang nhà văn Lê Lựu ảnh 1

Nhà văn Lê Lựu có nhiều tác phẩm xuất sắc về nông thôn. Ảnh: Hội Nhà văn.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1938 (giấy khai sinh của ông ghi 1942) tại Xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhà văn Lê Lựu từng làm phóng viên báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559. Ông theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Lê Lựu từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam.

Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Người cầm súng (truyện ngắn, 1970), Phía mặt trời (truyện ngắn, 1972), Đồng bằng chiến sĩ (truyện ký, 1980), Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986), Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết, 1990), Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết, 1994)... Sau này khi đau ốm ông vẫn nỗ lực viết, ra mắt Thời loạn, Ở quê ngày ấyGã dở hơi.

Năm 2001, ông là một trong số các tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1. Nhà văn Lê Lựu từng đạt các giải thưởng văn học: Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (1967-1968) với truyện ngắn Người cầm súng; Giải A Hội Nhà văn Việt Nam (1984) với tiểu thuyết Thời xa vắng; Giải nhất cuộc thi do Bộ Lao động Thương binh xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Văn hóa tổ chức 1970-1971 với truyện vừa Người về đồng cói.

Đồng nghiệp, bạn bè, thế hệ đi sau nhớ đến ông với hình ảnh dung dị, mộc mạc của một nhà văn xuất thân từ nông thôn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng Lê Lựu là nhà văn của những người cùng khổ, những người nông dân chân lấm tay bùn.

"Anh viết rất giản dị, sâu sắc và là người có sự am hiểu nông thôn đến tận cùng. Lê Lựu không chỉ viết về nông thôn, nông dân mà là viết về chính mình. Đây là điểm đặc sắc trong văn chương của anh”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ với Tiền Phong.

MỚI - NÓNG