Nhạc sĩ áo lính tài hoa
Nhạc sĩ Ánh Dương (tên khai sinh là Lê Văn Dương) rời cõi tạm sáng 8/11, hưởng thọ 88 tuổi. Đồng nghiệp, thế hệ đi sau nhớ tới ông qua hình ảnh nhạc sĩ áo lính sôi nổi, nhiệt tình và khiêm tốn.
Cũng chính bởi sự khiêm tốn ấy những năm cuối đời, ông sống khép kín dù vẫn dành nhiều thời gian cho nghệ thuật. Nhạc sĩ Ánh Dương chọn vui thú điền viên với những sáng tác nhỏ cho riêng mình hoặc "viết theo đơn đặt hàng" - như cách ông thường nói vui.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Thụy Kha xúc động khi đàn anh mà ông trân quý ra đi. Nhạc sĩ Thụy Kha không bất ngờ khi người anh thân thiết chọn sống thầm lặng những năm cuối đời.
"Nhạc sĩ Ánh Dương là như vậy. Anh ấy từng nói đồng nghiệp cùng thời đã ngừng sáng tác rồi như vậy là thời đại của mình cũng qua, nên dành chỗ cho lớp trẻ phát triển. Đó là đức tính rất hay, rất quý", ông nói với Tiền Phong. Sâu sắc và chân tình là những điều nhạc sĩ Thụy Kha ấn tượng mạnh nhất về nhạc sĩ Ánh Dương,
Nhạc sĩ Ánh Dương sống giản dị, khiêm nhường. Ảnh: Tư liệu. |
Nhạc sĩ An Hiếu cho biết cố nhạc sĩ Ánh Dương là thần tượng của anh. “Bố tôi - nhạc sĩ An Thuyên công tác cùng nhạc sĩ Ánh Dương một thời gian dài. Thế hệ chúng tôi biết nhiều tới chú Ánh Dương qua các tác phẩm âm nhạc và những câu chuyện mà bậc cha chú kể lại”, anh kể.
Với nhạc sĩ An Hiếu, tác giả ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng mang dáng dấp nhạc sĩ - chiến sĩ điển hình thời kỳ cách mạng. Anh nhớ lại: “Dù ít có dịp gặp gỡ, tôi thường trao đổi với nhạc sĩ qua điện thoại. Chú vui vẻ nói chuyện về nghệ thuật. Nhạc sĩ Ánh Dương rất sôi nổi và rất dễ gần".
Trong mắt nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, nhạc sĩ Ánh Dương là người yêu ghét rõ ràng, thẳng thắn đưa ra những lời phê bình. Đó đều là những lời phê bình để mọi người trở nên tốt hơn. Vì thế, ông càng được mọi người kính trọng.
Bài ca đi cùng năm tháng
Ít ai biết nhạc sĩ Ánh Dương từng theo học hệ trung cấp tại Nhà hát Tuồng Việt Nam trước khi chuyển sang Nhạc viện Hà Nội. Năm 18 tuổi, nhạc sĩ Ánh Dương bắt đầu hoạt động cách mạng và bén duyên với nghệ thuật, hoạt động chuyên nghiệp tại Đoàn Văn công Đại đoàn 325 (Quân khu IV). Ông đảm nhận nhiều vai trò, vừa biểu diễn vừa sáng tác.
Là nhạc sĩ quân đội, phong cách âm nhạc - cũng như con người ông - rất ngay ngắn, khúc chiết. Tuy nhiên không vì thế mà kém đi phần lãng mạn. Đó là cảm nhận riêng nhạc sĩ An Hiếu về cố nhạc sĩ Lê Ánh Dương.
Mùa hè năm 1967, nhạc sĩ Lê Ánh Dương sáng tác Chào em cô gái Lam Hồng ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Đầu năm 1968, trong Đại hội thi đua Quyết thắng toàn Quân khu 4, Đoàn văn công dàn dựng thành tiết mục tam ca để chào mừng Đại hội. Ca khúc lan ra toàn Quân khu và được khán giả cả nước yêu thích thông qua chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Về ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng, nhạc sĩ An Hiếu khẳng định đây là một trong những nhạc phẩm tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ca khúc mang đến âm hưởng dân ca Nghệ - Tĩnh, được thể hiện với tiết tấu mới mẻ. “Chào em cô gái Lam Hồng không chỉ khắc họa hình ảnh những cô dân công, anh chiến sĩ. Bài hát còn phản ánh tinh thần lạc quan, niềm tin về ngày mai chiến thắng, hướng về miền Nam ruột thịt”, nhạc sĩ An Hiếu nói.
Nhạc sĩ Thụy Kha nhận định Chào em cô gái Lam Hồng vừa đơn giản vừa thu hút. Bài hát sáng tác trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh tại khu IV, được đệm bằng một chiếc phong cầm lại có sức lan tỏa rất lớn.
Chào em cô gái Lam Hồng có sức lan tỏa rất lớn. Ảnh: Tư liệu. |
"Nhạc sĩ Ánh Dương là người theo học nhạc viện nghiêm chỉnh. Cái hay của anh trong Chào em cô gái Lam Hồng là phá vỡ cấu trúc thông thường để đưa vào sáng tác của mình những dồn dập của đời sống kháng chiến", nhạc sĩ Thụy Kha nhận định. Tiết tấu của Chào em cô gái Lam Hồng tái hiện những nẻo đường trùng điệp - nơi "rộn ràng những chuyến xe qua".
Không chỉ có Chào em cô gái Lam Hồng ghi dấu ấn trong lòng khán giả bao thế hệ, nhạc sĩ Ánh Dương viết nhiều ca khúc trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm của ông có chỗ đứng và công chúng riêng. Những nhạc phẩm khác của ông cũng được nhiều người biết tới vang lên trên các chiến trường khu IV như Tiếng trống tòng quân, Tạm biệt em, hợp xướng Vinh quang quân khu chúng ta...
Một người khiêm tốn, không màng danh lợi như nhạc sĩ Ánh Dương chưa có được một đêm nhạc riêng, cũng không có ấn phẩm in các tác phẩm, ngoài đĩa CD tài liệu nói về bài hát Chào em cô gái Lam Hồng do Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh thực hiện. Nhạc sĩ Ánh Dương coi đó là niềm vui nho nhỏ trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật.