Nhà thơ Phù Hư: Người 'Ngậm thẻ qua sông'

Nhà thơ Phù Hư: Người 'Ngậm thẻ qua sông'
TP - Nói tới Phù Hư thì người ta thường hay nhớ tới “Ngậm thẻ qua sông” vì đây là một bài thơ nổi tiếng của Phù Hư đã từng được in trên tờ “Văn” trứ danh của Sài Gòn trước 75, nhưng cũng rất nổi tiếng với miền Bắc, vì bài thơ này được ngâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam - khi chiến cuộc đang leo thang đến hồi chung cuộc.

> Nhà văn Cung Tích Biền: Ở quê nhà vui hơn đi Mỹ
> Làm nghề không phải để nổi tiếng

“Anh Tư lưu luyến”

Có một thời Phù Hư được biết đến như một tay làm báo mát tay không thua gì Đoàn Thạch Biền với tờ “Áo Trắng”, Phù Hư cũng đã từng cầm trịch một tạp chí giải trí có hạng mang tên “Mỹ thuật thời nay” cũng ăn nên làm ra tiền bạc lủ khủ. Còn nhớ mỗi lần Phù Hư đi nhậu, tới quán nào cũng nghe các em gọi tên gã là “Anh Tư lưu luyến”. Nhưng “anh Tư” chỉ khiến các em “lưu luyến” rồi anh lại biến đến quán khác, nên nhiều em tức mà gọi gã là “Tư Xù” - không phải là xù nợ xù tình mà vì “xù quán”.

ảnh: MPK Phước Khùng
ảnh: MPK Phước Khùng.

 “Tôi chỉ là Cố thi sĩ hay là Phó thi sĩ”.  

Phù Hư

Cuối giêng hai vừa qua, Phù Hư bỗng kêu tôi ra café và thân mời tôi tham dự một đêm thơ nhạc tác giả tác phẩm ở quán Guitar Gỗ của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa - Số 3 Thích Quảng Đức (Phú Nhuận), tác giả không ai khác là ông bạn “phó thi sĩ “ của tôi Phù Hư với tập thơ “Ngậm thẻ qua sông” - sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành chưa ráo mực. Nhưng rồi gã vẫn thường trào lộng với chính mình “Tôi chỉ là Cố thi sĩ hay là Phó thi sĩ”.

Vậy là thôi không còn phải “im hơi ếm tiếng” nữa nhé ông bạn, bây giờ thì ông đã công khai hành quân. “Thì cũng là “lính” cả thôi” - gã cười khùng khục. Tôi lại nhớ “Canh khuya ven núi ục tiếng hú / Tay ghìm súng mắt mỏi đủ thứ / Trông xa thấy thoáng tưởng khai hỏa / Cây đen lù gió lay bay lứ dứ / Đêm rừng lạnh muốn ho xé cổ /Ráng chịu qua giữ mục tiêu quân / Cầu sương điếm cỏ đau lòng khách / Súng thép giá bên mình quanh năm” [Quân bộ khúc].

Phù Hư sinh năm 1951, nhưng sinh đầu năm nên đứng tuổi Canh Dần. Sinh tại Hải Dương nhưng học ở Huế, rồi mưu sinh lập nghiệp ở Sài Gòn nhưng ai cũng lầm tưởng hắn là dân Huế chính hiệu. Nhưng gã sống rất chi li mà không thấy đâu là chút “tằn tiện” nào.

Có nhiều người hỏi tôi rằng Phù Hư làm nghề gì để có thể sống và đi nhậu đều đều như vậy. Tôi cũng không rõ chỉ biết gã vẫn chơi nhưng vẫn chỉn chu làm ăn. Lại nghe, gã đã từng “trúng mánh” khi mua được một mảnh đất trời ơi nào đó ở ven đô, rồi một ngày đẹp trời giá đất bỗng tăng lên vù vù… Chẳng hiểu sao, anh em đồn rằng Phù Hư là một vua địa ốc có nhà đất cho thuê khắp nơi. Gã chỉ hì hì khùng khục trong cổ họng.

Một thời làm “phó thường dân”

Cuộc đời là một cuộc phù hư thấp cao lận đận, không ai có thể biết trước cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu khi thời gian đang mỗi ngày một ngắn lại, nó không cho phép ai lẩn tránh cái định phận đã từng đeo đuổi theo suốt một mùa chinh chiến, nhất là cái định phận ấy lại là của những người lính. Phù Hư là một người như vậy. Khi cầm súng cũng như làm thơ, với anh, như chiến đấu cho một thứ tương lai không bao giờ hiện hữu, vì thế thi ca của anh luôn mong manh bốc khói.

Với thi sĩ, cuộc đời là một “Quân bộ khúc” như một bài thơ của Phù Hư, là một cuộc hành quân triền miên thầm lặng băng qua những vùng “lãnh khí”, nhiều khi nó không là gì hết trong cái cõi đời sát phạt tử sinh phù du trắc ẩn.

Sau 30/4/75, Phù Hư cũng như nhiều người, trở lại làm “phó thường dân”, mưu sinh từng ngày trên những vỉa hè góc phố. Thời đó, có thể nghe những tiếng rao khan đục vang lên trong những cung đường trưa vắng “ai có radio, quạt máy cũ, tivi hư, răng vàng bạc vụn bán hôn”. Nếu nghe tiếng rao này của một gã đàn ông đen sạm dong dỏng cao thì đích thị chính là Phù Hư – thi sĩ – lính Sài Gòn trước 1975.

Phù Hư là ai, tôi cũng không biết, khi tôi vẫn là thằng học sinh mê văn chương ở miền Trung cát đá, chỉ nhớ đã từng đọc được một bài thơ của gã trên Tạp chí “Văn” của Sài Gòn vào khoảng cuối năm 73 với bài thơ “Ngậm thẻ qua sông”. Tôi mường tượng Phù Hư chắc là một Kinh Kha đang thích khách sang Tần, một mình một thẻ một kiếm đang nín thở bơi qua sông Dịch, sau này khi gặp tôi mới hiểu “ngậm thẻ” chỉ là một cách biểu lộ của văn chương, nó nói lên sự “bí mật” im lặng của người lính khi hành quân qua làng mạc hay núi rừng “Đi qua rừng truông lá tủi thân / Quân như ma lẩn bước thì thầm/ Áo quần trận tiệp mùi cây lá / Đường xa đau rát gan bàn chân…” [Quân bộ khúc]

Hồi đó sau một ngày mỏi mê chạy chọt điên cuồng lùng sục khắp nơi để kiếm được dăm ba đồng, anh em lại thấy Phù Hư lững thững đi vào quán 81 Trần Quốc Thảo (nguyên là quán của Hội VH-NT TPHCM, nay đã bị phá bỏ làm cao ốc) gọi mấy thùng bia hơi cùng bạn bè văn nghệ chén chú chén anh đến sập tối mới chịu về. Ít ai biết, nguyên một ngày rát hơi khản cổ mỏi gối trôi qua gã đã không mua được một thứ gì ngoài một cái răng vàng mà nghe đâu ngày mai người ta mới có thể cạy ra và đưa cho gã [?].

Phù Hư có một bộ mã cao gầy chắc đậm như một cậy sậy, gương mặt sắc cạnh, ăn nói như đinh, hài hước thâm thúy lọc lõi như một tay chơi, nói chuyện với Phù Hư có cái vui là không biết gã nói giỡn hay nói thật, vì cách nói của gã mang hơi hướm dân trí thức nhưng lại cực sảng giang hồ, những tay văn chương giả hình hay bị Phù Hư cà khịa nhiều khi tím mặt mà không biết làm gì ngoài chuyện cười xòa cho qua chuyện.

Xét cho cùng nếu bươn chải kiếm sống trong thời buổi nhiễu nhương lúc bấy giờ thì chỉ có Phù Hư là số một, trong túi gã lúc nào cũng có “xiềng”, nhiều khi hứng chí gã bao hết làm cho anh em uống xiểng niểng, tất nhiên là cả một tuần sau anh em thấy gã biến mất, nhưng không - gã lại xuất hiện với nụ cười hư vô đúng như cái tên mà gã có - “Phù Hư” quả là danh bất quá... hư phù, gã lại bia bọt khích bác tưng bừng cho đến khi một ai đó uýnh lộn tưng bừng u đầu sứt trán cho quán xá tưng bừng vui lên thì gã mới thôi.

Vui thì vậy nhưng lúc nào tôi cũng thấy ánh mắt gã lấp lánh tia giễu cợt buồn phiền, vì tôi biết đôi khi cuộc sống này cũng quá buồn đối với một chiến binh đã giã từ vũ khí - vì cuộc chiến tranh mà gã đã băng qua vẫn không bao giờ lành thẹo bởi những tiếng nổ âm u của cái chết vẫn còn đang đi về, nó vẫn là những cơn đau nhức khôn nguôi mà tôi vẫn thường hay nhìn thấy trong ưu tư của những người bạn anh em cùng thời.

“Tôi gác đêm như bóng người rình/ Tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông / Sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt / Tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc / Thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu ..” [Ngậm thẻ qua sông]

Tôi biết nhiều khi gã cũng không muốn chơi với một ai, nhiều khi tôi thấy gã chỉ ngồi một mình, anh em ai tới thì tới không thì thôi, gã cũng không vui mà cũng không buồn. Tôi nghĩ, hắn ngồi đó với vết thương lòng, chỉ vì hắn thực là thi sĩ.

Thơ “phản chiến” rung động lòng người

Nhà thơ Phù Hư: Người 'Ngậm thẻ qua sông' ảnh 2
 

Bài thơ “Ngậm thẻ qua sông” in tại Sài Gòn trước 1975 và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Bài thơ này càng nổi tiếng khi được ngâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam - khi chiến cuộc đang leo thang đến hồi chung cuộc.

Có lẽ, lúc ấy Phù Hư được cả hai phía văn chương dành cho nhiều ưu ái để vừa công nhận một thi tài, vừa vì cái nội dung buồn bã “chán ngán” chiến tranh, mà người ta hay gọi là “phản chiến”.

Gã còn đăng thơ trên những tạp chí văn học miền Nam trước như “Khởi hành”, “Văn”, “Thời tập”, “Đứng dậy”… và sau 75 gã cũng nhúc nhắc đăng thêm vài bài.

Mới đầu năm nay, tập thơ “Ngậm thẻ qua sông” đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Nghe đâu, một nhà xuất bản của người Việt ở Mỹ cũng đang có kế hoạch in lại tập thơ này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG