Suốt cuộc đời "say chữ"
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932. Ông học trung học tại Hà Nội, sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, về hưu năm 1979. Với ông, dịch thuật vừa là đam mê lớn, vừa là nghề để ông nuôi sống cả gia đình.
Ông bắt đầu công việc dịch thuật từ những năm 1960, với một số tác phẩm dịch nổi tiếng như tập truyện ngắn Cây tường vi, Cái tẩu (Yuri Nagibin)... Dịch giả Dương Tường đã dịch khoảng 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp... trong đó phải kể tới những Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Kafka bên bờ biển, Cái trống thiếc, Phố những cửa hiệu u tối, Đi tìm thời gian đã mất, Alexis Zorba con người hoan lạc, Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline)...
Dịch giả Dương Tường cả đời chọn làm phu chữ. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN. |
Ở tuổi 80, dịch giả Dương Tường vẫn miệt mài làm việc và cho ra đời bản dịch danh tác Lolita của Vladimir Nabokov. Ông còn là một nhà thơ với các tập thơ như 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn, Dương Tường thơ... Năm 2020 khi mắt gần như lòa, ông cho ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) có tên Kiều in Dương Tường’s version. Ông còn in tạp luận Chỉ tại con chích chòe và tập truyện ký Thuyền trưởng (dưới bút danh Nguyễn Trinh).
Nhà phê bình Ngô Thảo nhận định Dương Tường là người đến những ngày cuối cùng trước khi phải nhập viện, khi mắt gần như lòa vẫn lọ mọ dịch thơ. Bản dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh ra mắt năm 2020 của ông ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. Ông gõ phím từng chữ một cho bản dịch truyện Kiều.
Tác phẩm dịch Chết chịu của Dương Tường ra mắt năm 2019, ông tuyên bố "rửa tay gác kiếm", tuy nhiên một năm sau lại ra mắt bản dịch Kiều. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH. |
“Niềm vui lớn nhất của ông Dương Tường là chữ nghĩa. Ông quá say chữ, quá yêu tiếng Việt cho nên đôi khi ông ấy cũng khổ, vì đối với nhiều vấn đề mang tính chất thời sự, xã hội ông lại ngây thơ. Chúng ta đánh giá cao Dương Tường như một người yêu tiếng Việt, biết sử dụng tiếng Việt làm giàu trí tuệ của Việt Nam”, nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ với Tiền Phong.
Cùng với Bên phía nhà Swann (Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào dịch), Dương Tường kiên trì với tác phẩm Dưới bóng những cô gái đương hoa của Marcel Proust. |
Đương nhiên trong ngôn ngữ, dịch thuật cũng “dăm bảy đường” như cách Ngô Thảo nói. Vì thế đôi khi có những bản dịch bị “dọn vườn” cũng là chuyện bình thường, bởi có thể do cách hiểu và tiếp cận ngôn ngữ khác nhau.
Tuy thế không thể phủ nhận giá trị những bản dịch của ông Dương Tường. “Cho tới ngày nay những bản dịch của ông vẫn đáng tin cậy”, nhà văn Ngô Thảo nói. Dương Tường là dịch giả có tầm của văn học Việt Nam, tiếp nối cả thế hệ dịch giả lẫy lừng trước đó. Ông luôn thử thách mình bằng cách chọn những tác phẩm đồ sộ, tác phẩm đầy thách thức.
Alexis Zorba con người hoan lạc là một trong những bản dịch thành công của dịch giả Dương Tường. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH. |
Nhà văn Ngô Thảo cũng thẳng thẳn nói trong văn chương Dương Tường “mắc tội” hơi cầu kỳ, thuộc trường phái phu chữ: “Trong khoa học cần những người như thế, sống đúng vì chữ nghĩa. Dù dịch thuật là lao động kiếm sống nhưng ông thuộc trường phái phu chữ cùng với những ông như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… Ông Dương Tường là hậu duệ cuối cùng của trường phái ấy”.
Còn nhớ năm 2019 trong cuộc tọa đàm về bản dịch Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hóm hỉnh bảo Dương Tường “ăn nằm” với nguyên tác để đẻ ra bản dịch. Có đêm đang nằm ông cũng bật dậy khi chợt nghĩ được một chữ "đắt". Thường thường ông dành cả một năm hoặc hơn nữa để dịch một tác phẩm, bởi còn phải dành thời gian đọc ít nhất hai lần tác phẩm đó, tìm hiểu tiểu sử, phong cách.
Một người “ngây thơ” với thời cuộc
Dương Tường trong mắt bạn bè văn giới là người chỉ biết lao động với con chữ, chả biết chức tước là gì. “Hình như chúng ta ngày một ít thấy những người như thế. Chúng ta tiếc Dương Tường chính là tiếc một trí tuệ mẫn tiệp, một người am hiểu văn hóa và ngoại ngữ”, nhà văn Ngô Thảo nêu.
Nhà văn Phạm Toàn - Châu Diên khi còn sống vẫn nhận xét dịch giả Dương Tường như một “cậu bé con”. Dương Tường cũng xác nhận điều này vì được bà xã chăm sóc quá cẩn thận.
Dịch giả Dương Tường và nhà văn Phạm Toàn - Châu Diên. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN. |
Dịch giả Dương Tường từng nói ông "mê đủ thứ": văn, thơ, nhạc, họa, điện ảnh, bóng đá... Ông dành phần lớn thời gian cho công việc dịch, nhưng đau đáu nhiều hơn cả với thi ca. Những năm cuối đời, ông khẳng định luôn kiên trì với hai con đường mình đã chọn: cách mạng và văn chương.
Chúng ta tiếc Dương Tường chính là tiếc một trí tuệ mẫn tiệp, một người am hiểu văn hóa và ngoại ngữ” - nhà văn Ngô Thảo.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường được nhớ đến ở sự thẳng thắn, khiêm nhường và có trách nhiệm. Khi nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội cho bản dịch gây tranh cãi - tiểu thuyết Lolita (Vladimir Nabokov), ông phát biểu: "Nếu bản dịch kém thì do trình độ tôi còn yếu, chứ không phải do dịch bừa, dịch ẩu”. Một chi tiết trong bản dịch Lolita bị "ném đá", một số người quy chụp chất lượng cả bản dịch, nhưng giới trong nghề thẩm định và vẫn bỏ phiếu cho dịch giả Dương Tường.
Phong cách của dịch giả Dương Tường bao năm vẫn vậy, ông thích diện áo phông, quần bò và giày mềm. Năm 2020, ông trải qua ca mổ bắt vít định vị do rạn xương sống sau một cú ngã. Sau đó, dịch giả Dương Tường hầu như sinh hoạt trên gác hai căn hộ ở phố Phan Huy Chú. Dù mắt mờ dần đi, ông không từ bỏ con đường dịch thuật.
Với những cống hiến cho văn học, ông đã được tôn vinh tại các giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Tháng 1/2009, dịch giả, nhà thơ Dương Tường nhận Huy chương Văn học Nghệ thuật của Chính phủ Pháp do Đại sứ Hervé Bolot trao tặng. Huy chương này là phần thưởng cho sự dấn thân của nhà thơ Dương Tường đối với việc quảng bá đa dạng văn hoá và quyết tâm làm thế giới biết đến Việt Nam, đặc biệt là tại các nước Pháp ngữ.
Ông dịch nhiều tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Ông trở thành một nhà bảo vệ đa dạng văn hoá nhiệt tâm và một tác nhân thúc đẩy các cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa.
Nhiều nhân vật nổi tiếng của Việt Nam đã được nhận Huy chương Văn học Nghệ thuật như đạo diễn Lê Mạnh Thích, nhà tạo mẫu Minh Hạnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sư Vĩnh Bảo...