Nhà thầu xây dựng ngắc ngoải

Nhà thầu xây dựng ngắc ngoải
TP - Chủ đầu tư các công trình xây dựng không thu xếp được vốn cho nhà thầu khiến họ không có tiền thi công, trả lương công nhân...

> Hà Nội ‘thúc’ tiến độ dự án cầu Nhật Tân

Công nhân có thể phải nghỉ việc hàng loạt

Từ đầu năm, không thu hồi được các khoản nợ của chủ đầu tư khiến một Cty xây dựng tên tuổi đứng ngồi không yên vì cạn vốn và gánh thêm khoản lãi vay ngân hàng.

Ông N.T, Tổng giám đốc Cty nói: “Hầu hết công trình chúng tôi đang nhận thi công phải giãn tiến độ trong đó nhiều công trình đã dừng hẳn thi công để giảm áp lực vốn. Công trình dừng có nghĩa là hàng trăm công nhân phải nghỉ việc. Nếu chủ đầu tư vẫn không giải ngân thì sắp tới cả khối hành chính cũng sẽ bị cho thôi việc tạm thời vì Cty không còn tiền trả lương nhân viên”.

Theo ông T, tình trạng công trình cũ xây dựng dở dang, trong khi không nhận được thêm dự án mới vì áp lực cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài khiến các nhà thầu trong nước chỉ còn biết chờ chết.

“Điều tôi băn khoăn nhất vẫn là việc cho công nhân nghỉ việc, bởi có những công nhân làm với chúng tôi cả chục năm trời, gia đình sống dựa vào đồng lương của họ”, ông T nói.

Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đang rơi vào tình trạng khó khăn, do khoản nợ đọng của các công trình mà Tổng Cty thi công lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của LILAMA nhỏ, doanh thu hằng năm khoảng 15.000 tỷ đồng, vốn hoạt động chủ yếu vay ngân hàng nên ảnh hưởng nhiều đến tình hình thi công các gói thầu.

Các công trình xi măng nợ 284 tỷ đồng, công trình thủy điện 210 tỷ đồng và các công trình khác 68 tỷ đồng.

Trong tổng số 11 gói thầu mà Tổng Cty đang thi công, 16,51% công trình, gói thầu bị giãn tiến độ; 5,28% công trình, gói thầu bị đình hoãn thi công.

Cty CP Xây dựng 47 cũng đang rơi vào tình cảnh nợ đọng của chủ đầu tư khi đảm nhận thi công nhiều công trình thủy lợi địa phương.

Tổng khoản nợ 514 tỷ đến nay của chủ đầu tư khiến Cty rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải trả lãi ngân hàng, thi công và trả lương công nhân.

Lãnh đạo Cty nói: “Khoản nợ đọng của Cty do các công trình có sử dụng nguồn vốn tín dụng thương mại, nhất là các công trình thủy điện như Srêpốk 4A, Sông Bung4A… gặp khó khăn trong việc huy động vốn thanh toán.

Công trình Đồng Nai 4 thanh toán chậm do thiếu vốn, việc tạm giữ khối lượng thanh toán chờ quyết toán và bảo hành công trình khá lớn”.

Theo vị lãnh đạo này, bên cạnh những khó khăn vì chủ đầu tư nợ đọng, doanh nghiệp còn chịu áp lực khi các công trình lớn, khối lượng chủ yếu là bê tông cần nhiều công nhân xây lát nhưng không đủ nguồn tuyển dụng do công nhân bỏ việc nhiều vì Cty nợ lương công nhân.

Đặc biệt, công tác đấu thầu tìm kiếm việc trong quý I-2012 ít, do các đơn vị khác cùng ngành thiếu việc làm nên giảm giá nhiều khi cùng tham gia đấu thầu. Cty đang thực hiện 19 gói thầu công trình nhưng số công trình hoãn và giãn tiến độ chiếm hơn một nửa.

Tổng Cty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 45 công trình, nhưng do nợ đọng của chủ đầu tư nên số lượng công trình giãn tiến độ là 30 và hoãn là 5, gây thiệt hại cho Tổng Cty hàng trăm tỷ đồng.

“Khi chủ đầu tư không có tiền giải ngân cho nhà thầu thì vô hình trung đẩy nhà thầu vào thế bí giữa một bên là lãi ngân hàng, một bên là lương công nhân. Nếu tình trạng này kéo dài thì số lượng công trình bị đình hoãn sẽ tăng và có hàng nghìn công nhân bị mất việc”, đại diện Tổng Cty nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.