Nhà quay phim của trận mạc

Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Quốc, ảnh chụp 2019 Ảnh: Trần Nguyên Anh
Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Quốc, ảnh chụp 2019 Ảnh: Trần Nguyên Anh
TP - Đoàn Quốc tên thật là Đỗ Phương Toàn, sinh năm 1943 trong một gia đình chống Pháp tại Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bố đi đánh Pháp và anh em trong nhà cũng đều theo kháng chiến, anh trai hoạt động nội thành Sài Gòn và hy sinh tại quận 5 năm 1968. Năm 1961, đang học phổ thông, đi biểu tình chống Ngô Đình Diệm, bị đàn áp, tránh bị lộ chàng trai trẻ  vào chiến khu và được cử đi học quay phim.

Một thời trận mạc

Trước trận đánh Bầu Bàng khoảng 2 tháng, ngày 2/9/1965, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập hai Sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Sư đoàn 9 được chỉ đạo thực hiện trận đánh cấp sư đoàn đầu tiên trên chiến trường miền Nam vào tháng 11/1965.
Nhà quay phim Đoàn Quốc nóng lòng ra mặt trận xin được theo lính trinh sát Sư đoàn 9. Ông chia sẻ: “Chỉ có theo chân trinh sát thì mình  mới gặp địch, quay được trận chiến giữa ta với địch. Đi phía sau đoàn quân thì không quay được!”.

Đi chiến dịch cùng Đoàn Quốc có một người phụ quay là anh Sáu Dũng chuyên mang vác phim. Sư đoàn 9 cử thêm 2 chiến sĩ bảo vệ và một đại đội phó trực tiếp giúp đoàn làm phim.
 “Chúng tôi theo trinh sát đến gần trận địa địch. Tôi có thể quan sát bằng mắt thường sư đoàn Mỹ đóng trong rừng cao su với rất nhiều xe tăng, thiết giáp. Đến tờ mờ giờ sáng, tôi bắt đầu quay  hình ảnh đội quân tiên phong đánh thẳng vào sư đoàn Mỹ.

Trận chiến đấu vô cùng khốc liệt vì địch có rất nhiều xe tăng, thiết giáp. Chúng ta phải áp sát tiêu diệt xe tăng địch bằng bộc phá. Đạn bắn gãy nát cả rừng cao su”, nhà quay phim Đoàn Quốc kể. “Hai bên thiệt hại rất nặng nề. Tôi có người bạn tên Thông. Người yêu cậu ta biết tôi đi chiến dịch nên gửi cho Thông một lá thư, tôi cất thư trong túi chưa kịp đưa thì Thông đã hy sinh. Chính tay tôi khiêng Thông ra ngoài”, ông nhớ lại.

Nhà quay phim của trận mạc ảnh 1 Nhà quay phim trẻ Đoàn Quốc tại chiến trường những năm 1960 (tư liệu).

Sau đó vài ngày, Sư đoàn 9 tiếp tục đánh trận Cẩm Xe, cách Bầu Bàng không xa. Sư đoàn ta đánh thẳng vào đoàn thiết giáp của Mỹ đang hành quân. Tôi nhớ mãi hai anh bộ đội rất trẻ xung phong ôm bộc phá lên đánh 2 xe tăng địch. Tôi muốn quay hình ảnh hai chiến sĩ trẻ ấy, nhưng khi đó trời chưa sáng. Cả hai đều hy sinh sau khi tiêu diệt được hai xe tăng Mỹ.
Trận thứ ba trong chiến dịch Bầu Bàng là trận Hố Đá. Đoàn Quốc đã chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt chưa từng có.

 “Địch đóng bên kia sông. Một trung đội ta sang đánh, nghe tiếng súng nổ rất quyết liệt, rồi không thấy ai trở về. Đến lượt chúng tôi vượt sông sang. Khi tới nơi, tôi thấy địa hình không có đường lui, cả quân ta và quân Mỹ chẳng còn cách nào khác là đánh nhau cho đến khi trời tối”, ông kể.

Một trận chiến đấu giáp la cà. Quân ta và quân Mỹ đan xen nhau, nổ súng suốt từ sáng sớm đến chiều. Đoàn Quốc kể: “Nó cũng đông, mình cũng đông, đánh đến lúc hầu như cả hai bên chẳng còn mấy người! Tôi thấy lính Mỹ đầy trước mặt, sau lưng. Bộ đội ta xông lên, lớp trước, lớp sau không lùi bước…”.  

Hai người lính sư đoàn cử làm bảo vệ cho đoàn quay phim đều hy sinh. Anh Sáu Dũng, phó quay, cũng hy sinh. Cuối cùng, người đại đội phó được cử đi giúp đoàn làm phim cũng ngã xuống ngay cạnh Đoàn Quốc.

Đoàn Quốc bùi ngùi kể: “Tôi vẫn tiếp tục quay phim cho đến lúc tôi bị bắn gãy tay, bị bắn bể máy quay. Đạn găm vào người, thủng ruột, đạn xuyên qua 2 đùi tôi khiến tôi không đứng vững nữa.  Lúc đó 11 giờ trưa”.

Nửa đêm, pháo sáng đầy trời. Bộ đội ta vào tìm tổ quay phim và phát hiện Đoàn Quốc vẫn còn sống. Họ cáng anh đưa đến trạm quân y tiền phương và mổ ngay trong đêm. Đoàn Quốc nhớ lại: “Tôi không nhớ gì hết, lúc ấy tôi nghĩ mình đã chết. Sáng ra, khi tôi tỉnh dậy thì tôi đang nằm trong trạm quân y tiền phương. Nằm chưa ấm chỗ, máy bay B52 địch ném bom vào trạm quân y, mọi người khiêng tôi tiếp tục đi về tuyến sau”.

Dựng phim dưới bom đạn

Điều trị 2 tháng, về lại cơ quan, Hãng phim bố trí cho Đoàn Quốc về bộ phận dựng phim. Phim từ mặt trận gửi về chỉ gạch đầu dòng mấy chữ. Sau khi in tráng, Đoàn Quốc phải biên tập, cắt xén, dựng thành một bộ phim hoàn chỉnh. “Nhiều đồng đội hy sinh, chỉ còn lại những thước phim họ gửi về, như nhà quay phim Trung Chánh hy sinh quay năm Mậu Thân, Đoàn Quốc kể, tôi dựng phim của bạn bè mình, như những gì mà họ gửi lại cho cuộc sống này”.

 “Chẳng có kịch bản nào hết, Đoàn Quốc tâm sự, dựa trên diễn biến chiến trường và những đoạn phim có được, chúng tôi dựng thành một bộ phim hoàn chỉnh, như phim Đội nữ pháo binh Long An rất nổi tiếng. Thực ra, trước đó, chỉ là một đống phim lộn xộn, không có cấu trúc gì hết”.
Công việc dựng phim tại chiến khu cũng chẳng khác gì chiến trường. Một lần, nhà dựng phim bị trúng bom, sập hầm, xưởng dựng phim gần sông Vàm Cỏ Đông tan nát.

Địch càn vào Trung ương Cục. Chúng đánh thẳng vào hãng phim, anh em nghệ sĩ cũng đánh địch, chống càn. Anh Minh Trí và anh Dũng “quắn” thường ngày lo việc in tráng phim, nhưng giặc tràn vào hãng phim, bèn xông ra bắn cháy 2 xe tăng địch được nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ!

Nhà quay phim Đoàn Quốc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt phong tặng năm 2019 vừa qua. Ông nói: “Người tôi vẫn còn những mảnh đạn, nhưng 20 năm qua tôi đã đào tạo nhiều khóa sinh viên chuyên ngành quay phim. Tôi không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.