Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1, nhiều ý kiến quanh định mức dự toán

TPO - Dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 đã thi công từ nhiều tháng nay, nhưng ngày 28/9 Bộ Công thương mới có văn bản xin ý kiến chuyên ngành về định mức dự toán do Bộ ban hành từ năm 2013. Trong khi đó, Tổng thầu cho rằng, họ đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, và thông tin cho rằng dự án thi công khi chưa có định mức dự toán là không chính xác.

Đang rà soát lại

Bên lề Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức ngày 10/11, một số doanh nghiệp cơ khí nêu thắc mắc, vì sao các gói thầu thiết bị dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 được triển khai trong khi chưa có định mức dự toán được phê duyệt. Đem câu hỏi này trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, ông Hưng cho biết: “Cũng có nhiều lý do, Bộ Công thương đang rà soát lại”.

PV Tiền Phong trao đổi với ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng. Ông Khánh cho biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Bộ Công thương phải có báo cáo đánh giá cụ thể về dự án. Hiện Bộ Công thương mới chỉ gửi sang kết quả, nhưng kết quả này lại chưa có căn cứ. Ông Khánh cũng cho biết, khi có đánh giá về kết quả còn phải áp dụng với quy định hiện hành và lúc đó mới đi đến thống nhất định mức sao cho phù hợp thị trường.

Trước đó, ngày 25/9/2015, Bộ Công thương (trong Báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện cơ chế thiết kế chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025) đã nêu: “Định mức dự toán chuyên ngành thiết kế chế tạo, thiết bị nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1” là chưa hoàn thiện theo Luật Xây dựng.

Tiếp đó, ngày 28/9/2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã ký công văn đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến đối với định mức dự toán chuyên ngành thiết kế chế tạo, thiết bị nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1, do Bộ ban hành từ năm 2013, “để đảm bảo tính cập nhật, độ chính xác của định mức dự toán và phù hợp với quy định của pháp luật”.

Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1, nhiều ý kiến quanh định mức dự toán ảnh 1

Dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 đã thi công nhiều tháng nay

Ảnh: QT

Doanh nghiệp trong nước xin được giao việc

Theo tìm hiểu của PV, ngày 10/4/2015, PVN đã ký hợp đồng EPC dự án SH1 với Lilama. Sau đó, Lilama đã ký với Tập đoàn Doosan Hàn Quốc hợp đồng cung cấp thiết bị chính, chiếm khoảng 20.000 tỷ đồng của dự án. Một đơn vị trong nước là Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) được giao gói thầu chế tạo lên tới 6.000 tấn thiết bị, trị giá khoảng 330 tỉ đồng cùng một số gói thầu khác. Tuy nhiên, theo hồ sơ năng lực chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện của Narime trình Bộ Công thương ngày 7/8/2015 thì bộ phận sản xuất của đơn vị này chỉ có 25 lao động gồm: 10 thợ hàn, 4 thợ gia công cơ khí, 10 thợ lắp đặt, 1 thợ điện; danh mục máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất hiện có 13 máy công cụ thì 8 máy từ thời Liên Xô cũ...

Trước thông tin trên, tại hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam”, đại diện một số DN cơ khí trong nước đã lên tiếng “van xin” để được giao việc. Điển hình, ông Nguyễn Xuân Cường (Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thiết bị điện Đông Anh - EEMC) nói không cần xin hỗ trợ bất cứ điều gì, chỉ muốn được giao việc. Tương tự, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung cho rằng, việc liên kết giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí là rất yếu. Theo ông Cường, khi được nhà nước giao cho làm Tổng thầu EPC, Lilama cần công khai kêu gọi các DN cùng tham gia, có như vậy ngành cơ khí mới phát triển được.

Tổng thầu Lilama nói gì?

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Lilama - cho biết, việc xây dựng đơn giá dự án là thẩm quyền của chủ đầu tư. Theo đó, đối với các dự án lớn, “định mức giá” trước đây là do Thủ tướng phê duyệt, nhưng quy định mới sau này do Bộ Công thương và chủ đầu tư là các tập đoàn nhà nước phê duyệt. “Các thiết bị nhập khẩu thì đơn giá là cố định, đối với các gói thầu trong nước thì đơn giá được thay đổi theo thời giá thị trường.” - ông Tuấn nói.

Với câu hỏi “dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 đã được phê duyệt định mức dự toán, tại sao đến ngày 28/9/2015, Bộ Công thương lại có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về việc này?”, ông Lê Văn Tuấn cho rằng, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương, Lilama chưa nhận được văn bản này.

Liên quan đến việc một số doanh nghiệp có năng lực trong nước (như Cty CP Chế tạo bơm Hải Dương, Tổng Cty Thiết bị điện Đông Anh, Tổng Cty Cơ điện xây dựng) than không được giao việc, ông Tuấn cho biết: Cả dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 mới thu hút được khoảng 3.000 lao động, trong khi Lilama hiện có tới 25.000 lao động. “Chính vì thế, việc đầu tiên là phải ưu tiên cho các đơn vị thành viên Lilama rồi mới tính đến các đơn vị bên ngoài” – ông Tuấn nói.

Ngày 29/12/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1791 phê duyệt thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025. Các DN trong nước sẽ đảm bảo tỷ lệ giá trị công tác tư vấn, thiết kế đạt 40% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1; 60% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 và 80% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Về tỷ lệ chế tạo do các DN trong nước thực hiện không dưới 50% cho nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và sông Hậu 1; không dưới 70% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.