Nhà khoa học Việt lọt top 1% thế giới

PGS Nguyễn Xuân Hùng đang giảng bài cho ĐH Văn Lang về phương pháp công bố
PGS Nguyễn Xuân Hùng đang giảng bài cho ĐH Văn Lang về phương pháp công bố
TP - PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Viện công nghệ liên ngành CIRTECH, trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu quốc tế.

Những đóng góp của anh trong khoa học đã được ghi nhận khi 5 lần liên tiếp lọt top 1% nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao. Với mỗi nhà khoa học, bản thân họ đều có những “khát khao cháy bỏng và thành quả xứng đáng”. PGS Nguyễn Xuân Hùng cũng thế.

140 công bố ISI

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là cựu sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Anh tốt nghiệp Thạc sĩ về Cơ học môi trường liên tục và lấy bằng Tiến sĩ về Cơ học tính toán tại ĐH Liège (Bỉ). Nghiên cứu của anh tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mô phỏng số trên máy tính, ứng dụng trong lĩnh vực liên ngành Kỹ thuật, Vật liệu, Môi trường,... Gần đây, anh mở rộng nghiên cứu vào phân tích dữ liệu ứng dụng Kỹ thuật kết hợp với công nghệ bồi đắp in 3D. Hiện anh có 140 công bố ISI (hệ thống các tạp chí nổi tiếng thế giới), với hơn 5.900 trích dẫn và chỉ số H=47 theo Web of Science và hơn 8.000 trích dẫn, chỉ số H=54 theo Google scholar. Năm 2018, lần thứ 5 liên tục anh đứng trong danh sách 1% nhà khoa học có ảnh hưởng trích dẫn cao trong 21 danh mục chuyên môn nghiên cứu được chọn lọc. Anh là người đầu tiên nhận giải thưởng Nguyễn Văn Đạo của Hội Cơ học Việt Nam, người trẻ nhất nhận giải thưởng danh giá Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt - Đức, cùng một số giải thưởng nghiên cứu khác.

Điều đó chứng tỏ, dù làm việc trong những điều kiện nghiên cứu còn nhiều hạn chế ở Việt Nam nhưng anh vẫn không ngừng vươn lên theo đuổi những hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới và thực hiện được những công trình chất lượng. Trên nền kiến thức cơ bản tốt về toán ứng dụng và tin học, những môi trường vật lý khác nhau mà trong đó hầu hết các mô hình tính toán của anh và cộng sự đều có thể áp dụng vào giải quyết các vấn đề Kỹ thuật trong thực tế. Mặt khác, việc thực hiện các dự án về giải pháp tính toán mô phỏng thiết kế kết cấu kè chống xói lở ở ĐBSCL, thiết kế quạt không cánh hay những dự án về vật liệu mới kết hợp công nghệ bồi đắp in 3D cùng với các đối tác trong và ngoài nước là cơ hội để anh nâng cao kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn.

Cầu nối Việt Nam với thế giới

Làm thế nào anh vượt qua được những khó khăn? PGS TS Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, mình có thuận lợi là hầu hết các công đoạn tính toán mô phỏng, thiết kế tối ưu giải quyết bài toán trên máy tính qua nền tảng của Cơ học tính toán. Mô phỏng thiết kế tối ưu trên máy tính có thể xem là thực nghiệm ảo hay giải pháp giúp giảm thiểu chi phí rất đáng kể cho thực nghiệm trên các mẫu thực tế. Cách làm này phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Cần nói thêm, cơ học tính toán là một lĩnh vực nghiên cứu rộng, có tính liên ngành và gắn liền xu thế phát triển Cơ học - Kỹ thuật trên thế giới. Do đó, số lượng tạp chí quốc tế liên quan lĩnh vực này cũng đa dạng nên có nhiều sự lựa chọn để gửi đăng các công trình nghiên cứu.

Tháng 7/2015, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng cùng với hai cộng sự TS Trần Đức Khánh (ngành Khoa học Máy tính, ĐH Henri Poincaré - Pháp), và TS Nguyễn Ngọc Đức (ngành Hệ thống Thông tin, ĐH Illinois - Hoa Kỳ) thành lập Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành CIRTECH, Đại học Công nghệ TPHCM. Hiện tại, Viện CIRTECH đang thực hiện các dự án hợp tác chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm với đối tác là các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp uy tín trên thế giới, cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn vào các dự án thực tế.

Một trong những công trình quan trọng CIRTECH đang thực hiện như đã nói ở trên là dự án giải pháp mới thiết kế kết cấu kè chống sạt lở khu vực ĐBSCL do Quỹ VLIR-UOS (Vương quốc Bỉ) tài trợ. Sát cánh cùng với anh là TS Nguyễn Ngọc Đức, cả hai đã thúc đẩy để CIRTECH thành công trong tìm kiếm các dự án hợp tác với các trường đại học và các công ty tại châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản,... như dự án xử lý và phân tích số liệu với các công ty dược (Eli Lilly, Takeda, Elanco, Johnson &Johnson) và Trueson, Hà Lan, DMT Techonology, Hoa Kỳ; dự án Horizon 2020 về cơ chế nứt thủy lực (hydraulic fracturing) trong khai thác dầu khí do EU tài trợ; dự án máy học sâu (deep learning) trong phân tích ảnh do Đại học Y khoa Đài Loan tài trợ.

Một số sản phẩm thương mại hóa của trung tâm còn có thể kể đến máy chưng cất tỏi lên men (Đề tài cấp Quốc gia), phần mềm phân tích dữ liệu trong ngành Dược và Tài chính Chứng khoán; cụ thể như sản phẩm Spin-off từ Viện Công nghệ CIRTECH đặc trưng như: Hệ thống phân tích dữ liệu cho thị trường tài chính (Data Analytics for the Financial Market) YOUTRADE (www.youtrade.vn), sản phẩm ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ Phân tích Dữ liệu lớn (Big Data Analysis) và Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) trong việc xây dựng cố vấn ảo.

Nhà khoa học Việt lọt top 1% thế giới ảnh 1 PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (thứ hai từ trái sang) cùng với lãnh đạo Bộ KHCN (Thứ trưởng Tùng), lãnh đạo Đại Học HUTECH và cộng sự của Viện CIRTech (TS Nguyễn Ngọc Đức) tại Hội nghị TMH sản phẩm Khoa Học CN Toàn Quốc 2016

Bên cạnh đó để cung ứng nguồn nhân lực về Phân tích dữ liệu, Viện CN CIRTECH cũng đi đầu trong việc thành lập Khoa Hệ thống Thông tin Quản lý (MIS) hướng Phân tích Dữ liệu (Data Analytics) vào năm 2016 ở Việt Nam. Hiện tại, Viện còn là cầu nối tiến cử các ứng viên thạc sỹ, tiến sĩ đi du học ở nước ngoài bằng kinh phí của các dự án quốc tế hoặc học bổng từ các đối tác.

Các thành quả trên chắc chắn sẽ còn rất nhiều hứa hẹn cho anh và CIRTECH-HUTECH. Điều đó minh chứng cho khát khao cống hiến dù trong điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế. Và quan trọng nhất là môi trường tự do trong nghiên cứu sẽ giúp phát huy tối đa năng lực bản thân, tạo ra được sản phẩm sáng tạo.

MỚI - NÓNG