Thuốc chữa bệnh từ thiên nhiên
Gặp PGS.TS Nguyễn Hữu Tùng – tân Phó Giáo sư năm 2019 của Trường Đại học Phenikaa ngay tại phòng làm việc khi anh đang say sưa trao đổi với các cộng sự về công bố mới trong hướng nghiên cứu chăm sóc sức khỏe mà anh đang theo đuổi. Với giọng nói ấm áp, truyền cảm, tôi bị cuốn hút ngay bởi câu chuyện của anh về ý tưởng và tham vọng biến những loài cây thảo dược thành thuốc chữa bệnh cho con người.
Là người đam mê nghiên cứu khoa học, vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp hệ kỹ sư tài năng ngành Kỹ thuật hóa học/Hóa dược, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2005, anh có cơ hội và tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu về tổng hợp hóa dược và hoạt chất sinh học từ thiên nhiên tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ đó giúp anh hình thành định hướng nghiên cứu về phát triển thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên.
Anh kể, suốt những năm tháng sau này khi làm nghiên cứu sinh tại Khoa Dược, Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) hay làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Quốc tế Nagasaki (Nhật Bản), anh vẫn kiên định theo đuổi hướng nghiên cứu thành phần hoạt chất của các cây thuốc với mong muốn những kết quả nghiên cứu của mình sẽ được áp dụng vào thực tế, góp phần tạo ra các sản phẩm mới bảo vệ sức khỏe cho nhiều người.
Khi được hỏi lý do chọn hướng nghiên cứu này, PGS.TS Tùng chia sẻ: Ở Việt Nam, tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú với hơn 20.000 loài thực vật, động vật, sinh vật biển,….với nhiều loài đặc hữu giàu tiềm năng nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên cơ sở khoa học về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của nhiều bài thuốc cũng như dược liệu còn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Trong khi đó, nước ta vẫn phải nhập khẩu thuốc từ nước ngoài với giá thành cao, nhiều gia đình nghèo không có điều kiện chữa bệnh. Chính điều này càng thôi thúc chàng trai trẻ kiên định với định hướng nghiên cứu đã lựa chọn, mặc dù, biết rằng hướng nghiên cứu đó không hề dễ dàng.
Kiên định con đường đã chọn
Trở về Việt Nam năm 2015, sau những năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, ngoài những kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu tích lũy được, anh đứng trước nhiều khó khăn, thử thách về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cũng như nguồn lực tài chính hỗ trợ thực hiện các ý tưởng nghiên cứu. Nhưng với bản lĩnh của một nhà khoa học, anh và cộng sự vẫn tiếp tục từng bước thực hiện các dự án nghiên cứu, kiên định con đường nghiên cứu đã chọn.
Đầu năm 2019, anh quyết định chuyển công tác về Trường Đại học Phenikaa – ngôi trường tư thục còn mới mẻ nhưng có sự đầu tư bài bản cho nghiên cứu khoa học, có sự gắn kết chặt chẽ giữa Trường đại học - Viện nghiên cứu - Tập đoàn công nghiệp. Đây là một mô hình ưu việt giúp cho quá trình đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu xã hội, các kết quả nghiên cứu nhanh chóng được áp dụng vào thực tiễn của cuộc sống.
Chia sẻ về quyết định của mình, anh thẳng thắn: “Tại Trường Đại học Phenikaa, nhà khoa học không chỉ được trang bị tốt về cơ sở vật chất, chế độ tiền lương, Trường còn xây dựng một cơ chế “mở” nhằm hình thành nên một môi trường tự do học thuật, giúp các giảng viên - nhà khoa học phát huy cao nhất năng lực của mình trong nghiên cứu, phát triển, sáng tạo khoa học công nghệ. Trường giao quyền tự chủ cao cho trưởng nhóm nghiên cứu toàn quyền quyết định từ nội dung, định hướng nghiên cứu, nhân sự cho đến đề xuất xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời, cùng chia sẻ trách nhiệm, cam kết sử dụng và đảm bảo khai thác, vận hành hiệu quả các trang thiết bị nghiên cứu được đầu tư".
Sau những nỗ lực không ngừng, đến nay, anh đã công bố hơn 100 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus cũng như đăng ký sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, các bài báo của PGS.TS Tùng có chỉ số ảnh hưởng về nghiên cứu quốc tế H-index 24 (theo Google Scholar) và số lượt trích dẫn hơn 1.700. Đây là con số khiến không ít nhà khoa học mơ ước và nể phục.
Hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Tùng đang là trưởng nhóm nghiên cứu “Hóa dược và Hoạt chất sinh học”, một trong 9 nhóm nghiên cứu mạnh được Trường Đại học Phenikaa phê duyệt trong năm 2019. Tuy mới được thành lập từ tháng 5/2019, nhóm nghiên cứu của anh đã đạt được một số kết quả bước đầu. Nhóm đã tập hợp được 6 thành viên đều là các tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài có cùng chí hướng, đam mê làm nghiên cứu; đồng thời, nhóm cũng đã công bố được 08 bài báo khoa học.
Là nhà khoa học, đồng thời là một giảng viên, PGS.TS Tùng cho rằng, để cuốn hút sinh viên vào bài giảng, ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung bài, người thầy nên kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp hiện đại (seminar, làm việc nhóm) nhằm tăng cường sự chủ động, tích cực của sinh viên. Đồng thời, đưa các ví dụ thực tế, hoặc những kết quả trong nghiên cứu của mình là các kiến thức mới, không có trong sách vở, giáo trình để truyền đạt cho sinh viên và học viên.
Những kết quả nghiên cứu trên đã tạo động lực rất lớn cho PGS.TS Tùng tiếp tục hướng nghiên cứu của mình.“Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu đã chọn với những kế hoạch và đề tài nghiên cứu đang được triển khai, những kết quả nghiên cứu thu được sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.