Hàng trăm doanh nghiệp “núp bóng”
Khi gửi câu hỏi chất vấn tại Quốc hội gần đây, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) nêu cử tri phản ánh, tại nhiều nơi như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh... có hiện tượng người nước ngoài thuê người Việt Nam mua bất động sản mà quy định luật pháp Việt Nam không cho phép, thường là những không gian đắc địa (về kinh tế và an ninh).
“Tôi cũng tin rằng đó là sự thật đang diễn ra tiềm tàng nguy cơ hậu họa. Chính phủ có giải pháp nào kịp thời trên tinh thần “phòng hơn chống” để sớm chấn chỉnh hiện tượng này trước khi trở thành mối hậu họa liên quan đến ngoại giao và an ninh quốc gia”, ông Dương Trung Quốc nêu vấn đề.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, theo báo cáo của cơ quan chức năng, thời gian qua phát hiện người nước ngoài thuê người Việt Nam đầu tư dự án bất động sản dưới nhiều hình thức “núp bóng”. Theo đó, các hình thức núp bóng đa dạng như thông qua một số cá nhân người Việt để lập doanh nghiệp (DN) đầu tư kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên nước ngoài góp 49% vốn điều lệ trở xuống, bên Việt Nam góp 51% vốn điều lệ trở lên.
“Thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm DN người Việt đứng tên cho DN, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh ở các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh…”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
Nhà đầu tư nước ngoài thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách Luật Đầu tư và Luật Đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam. Việc đầu tư “núp bóng” thông qua việc kết hôn với người Việt, lập DN do vợ hoặc chồng người Việt đứng tên nhưng mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm.
“Thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm DN mà người Việt đứng tên cho DN, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh ở các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh… Đối với các dự án vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh một số dự án trên cơ sở mức độ vi phạm”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Báo cáo giám sát chuyên đề năm 2019 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” vừa được Ủy ban Đối ngoại gửi đến Quốc hội cũng chỉ ra vướng mắc, hạn chế trong việc đầu tư nước ngoài. Tiêu biểu như sự chồng chéo, thiếu hụt của hệ thống pháp luật. Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau. Tuy nhiên các luật này chưa phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật nêu trên.
“Việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp ngày một gia tăng với quy mô lớn trong khi Luật Đầu tư quy định vấn đề này đơn giản về thủ tục; không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước quản lý việc góp vốn tại DN. Thực trạng này dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”, Báo cáo giám sát chuyên đề 2019 chỉ rõ.
Chế tài pháp luật phải nghiêm
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ quan chức năng cần gấp rút bổ sung kẽ hở của luật pháp đề ngăn chặn nhà đầu tư “núp bóng”. Ông Doanh nhấn mạnh, có tình trạng một số nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đút lót. Nếu không có quy định rõ ràng, công khai minh bạch, có thể xảy ra tình trạng, quan chức ở chỗ này chỗ kia thiếu cân nhắc ký thông qua dự án để thực hiện rất nguy hiểm.
“Chính quyền địa phương trước khi cấp phép các dự án lớn, ở vị trí quan trọng cần xác minh nguồn gốc tiền đầu tư của DN ở đâu? Nếu tiền đầu tư từ ngoại hối cần xác minh rõ. Trường hợp từ người không có nhiều tiền, qua đêm trở thành tỷ phú thì không thể nào chấp nhận được”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), đầu tư núp bóng trở thành vấn đề được lường trước. Có trường hợp DN nước ngoài thông qua tư nhân, dưới các hình thức để đầu tư ở vị trí nhạy cảm về an ninh quốc gia như ven sông, ven biển, vùng đệm biên giới. Có thể nhà đầu tư lấy danh nghĩa trồng rừng khu vực đầu nguồn, khu vực cần phòng chống thiên tai bão lũ. Điều này cực kỳ nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Vì vậy, chúng ta phải có cơ chế chính sách rõ ràng.
“Cần có quy định nghiêm khắc, nếu DN liên doanh với nước ngoài phải công khai liên kết đầu tư ở đâu, đầu tư như thế nào. Trường hợp, DN liên doanh không công bố rõ ràng về hoạt động đầu tư, cơ quan chức năng phát hiện ra sẽ phạt nặng”, ông Thịnh kiến nghị.
Theo ông Thịnh, người dân biết hết các DN đội lốt cụ thể như ai đứng sau, nguồn tiền từ đâu để đầu tư. Tuy nhiên, chế tài của Việt Nam chưa đủ nghiêm khắc. Cơ quan kiểm tra giám sát và người có trách nhiệm thực thi hời hợt, chưa đến nơi đến chốn. Vì vậy mới có tình trạng ông xe ôm, bà buôn thúng bán mẹt đứng ra mua khu đất gần sân bay, gần khu vực quân sự để đội lốt cho người nước ngoài.