Nhà có năm anh em trai

Một cảnh trong “Nhà có năm anh em trai”. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ
Một cảnh trong “Nhà có năm anh em trai”. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ
TP - Lấy cảm hứng từ truyện ngắn 'Không có vua' của Nguyễn Huy Thiệp, 'Nhà có năm anh em trai' bước lên sân khấu, ra mắt từ 12-8.

> Nguyễn Hữu Hồng Minh trong “Ổ thiên đường”

Một cảnh trong “Nhà có năm anh em trai”. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ
Một cảnh trong “Nhà có năm anh em trai”. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ.
 

Nếu Sang sông đích thân Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể, Anh Tú đạo diễn, thì Không có vua với biên kịch Thu Phương trở thành Nhà có năm anh em trai, cũng Anh Tú đạo diễn. Anh cả Sĩ phụ mẹ già bán giò chả, kế đến Tình đi tù về thất nghiệp, Dân xe ôm thật thà và điềm đạm, còn Đức sinh viên, Phúc động kinh gần như giữ nguyên màu sắc trong truyện.

Xuân làm vợ Sĩ, thành ngọn nguồn cho mọi bản chất đố kị, ghen tị bộc lộ. Đêm đêm tiếng động phát ra từ căn phòng hạnh phúc khiến cậu sinh viên đại học 21 tuổi run người. Tình luôn kiếm cớ tán tỉnh, gạ gẫm, nhìn trộm chị dâu thay đồ. Quyến rũ không được, Tình quay sang đổ lỗi rằng chính sự có mặt của cô gái trẻ khiến anh em hiềm khích.

Mối quan hệ mẹ con, anh em, vợ chồng xoay quanh chuyện nhà cửa, tiền bạc, hôn nhân, sĩ diện, niềm tin… Người xem có lẽ vì thế thấy phảng phất gia cảnh mình ở đó, dễ tiếp nhận hơn. Không nên mất công so đọ với nguyên tác của Nguyễn Huy Thiệp, vả chăng vở kịch cũng phần nào thành công khi để lại dư vị cay đắng, lẫn sự bao dung khi người một nhà thứ tha, giải tỏa ẩn ức.

Diễn xuất của dàn diễn viên khá đồng đều, căng thẳng mất đoạn đầu, càng về sau càng nhuần và có cảm xúc hơn. Tùng Linh (Tình), Thu Trang (Xuân) và Phúc (Anh Quân) diễn tốt. Khán giả có lẽ ấn tượng nhất với cậu út Phúc động kinh, trong sáng nhất nhà. Tùng Linh làm ra được chất bất cần, đểu cáng và mất niềm tin- do tự ti về quá khứ tù tội.

Vai bà mẹ mờ nhạt nhất. Không biết đó có phải chủ ý của đạo diễn hay không, nhưng nếu bớt hẳn vai này, mạch kịch chẳng ảnh hưởng lắm: Năm anh em vẫn sống, mâu thuẫn và tự giải quyết mâu thuẫn bằng cái chết oan uổng của Phúc.

Hai đêm diễn đầu Nhà có năm anh em trai được đánh giá là “xem được”. Thoại nhẹ nhõm. Nhưng kết có phần lỏng, chưa đủ sức tải thông điệp của người dàn dựng: Lòng tham lam, đố kị biến anh em ruột thịt trở nên thù hằn, rồi thức tỉnh bằng tình yêu thương. Như câu nói của Phúc trước khi chết: Phúc yêu thương tất cả, nhưng sao mọi người lại làm Phúc đau?

Sân khấu bài trí đơn giản, ít ấn tượng. Phông chính mô phỏng bức tường vừa bẩn và chi chít những biển hiệu viết tay sai chính tả ở đoạn đầu, chỉ đổi phông một lần với gam màu tươi sáng-nhờ sự xuất hiện của nàng dâu mới. Tất nhiên trang phục đời thường không cần cầu kỳ quá, nhưng cũng không nên ít và xuyềnh xoàng quá. Nhu cầu thị giác của khán giả gần như bị bỏ quên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG