Nhà báo Quang Đạm - 'cây từ điển sống' chưa một lần cáu gắt

Nhà báo Quang Đạm. Ảnh Báo Công Luận
Nhà báo Quang Đạm. Ảnh Báo Công Luận
TPO - Nhiều nhà báo lão thành đánh giá cây bút kỳ cựu Quang Đạm là “nhà báo học giả”, “cây từ điển sống”, “nhà đại tự học”…

Sáng 19/12, Hội Nhà báo Việt Nam cùng báo Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Quang Đạm, nhà báo, nhà trí thức cách mạng”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều nhà báo kỳ cựu cùng người thân trong gia đình nhà báo Quang Đạm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, nhà báo Quang Đạm (tên thật là Tạ Quang Đệ) là một trong những cây đại thụ đầu tiên của báo Nhân Dân, được coi là “từ điển sống” nhờ học vấn uyên bác, tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học truyền thống, ông đến với báo chí qua sự dìu dắt của Tổng Bí thư Trường Chinh. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bước vào nghề báo chưa lâu, ông đã có những bài báo sắc sảo đăng trên báo Sự Thật, tranh luận với một số học giả có tên tuổi về vấn đề tư pháp – một vấn đề gai góc lúc bấy giờ.

“Cả cuộc đời làm báo, ông tận tụy với công việc, hết lòng vì độc giả, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trải qua hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông nổi lên như một cây bút hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi nghỉ hưu (1979), cây bút của ông ngày càng phóng khoáng, toàn diện, sâu sắc hơn”, ông Lợi chia sẻ.    

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại, hồi nhỏ Tạ Quang Đệ là câu học sinh con nhà nòi nhưng sức khỏe không tốt, đau ốm liên miên, phải bỏ học dở chừng. Song với nghị lực phi thường, ông đã vượt qua mọi trở ngại để sống và làm việc cho đến khi qua đời ở tuổi 87.

Nhà báo Quang Đạm là em Giáo sư Tạ Quang Bửu, thuộc dòng dõi một gia đình đã qua nhiều thế hệ cha dạy con thành đạt. Ông bước vào nghề bằng báo liếp, những bài viết nghiệp dư dán lên tấm liếp tre cho các cán bộ trong cơ quan cùng đọc. Bài của Quang Đạm xuất sắc hơn cả.

Công lớn của Quang Đạm không chỉ ở chỗ chung tay xây dựng tòa báo từ thời còn trong trứng nước, mà đậm nét hơn nhiều là từ sau ngày giải phóng Thủ đô, báo Nhân Dân ra hằng ngày. Với tư cách Uỷ viên Ban Biên tập, từng trải, tháo vát, có bài bản từ những ngày là một “sói con” trong Hội hướng đạo sinh mà Tạ Quang Bửu là “sói cả”, Quang Đạm được giao đề xuất, xây dựng các quy chế làm việc của tòa soạn.

Báo Nhân dân là cơ quan đi đầu trong việc hiện thực hóa ý kiến của Bác Hồ: Nhà báo muốn tác nghiệp tốt phải có ba đại học, là đại học báo chí, đại học chuyên ngành và đại học ngoại ngữ.

Từng làm việc trực tiếp dưới quyền ông, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân càng hiểu rõ hơn về “nhà báo học giả”, “cây từ điển sống”, “nhà đại tự học”…mà nhiều nhà báo lão thành đã đánh giá về Quang Đạm.

“Không chỉ chúng tôi ở Ban Khoa giáo mà nhiều người ở báo Nhân Dân đều có nhận xét, trong đời chưa lần nào gặp bác Quang Đạm cáu gắt, to tiếng, mắng mỏ ai. Những người mắc khuyết điểm đều được bác ôn tồn, góp ý thân ái và gợi mở cách sửa chữa”, ông Vinh chia sẻ.

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh thì bày tỏ: “Cả cuộc đời nhà báo, học giả Quang Đạm qua những bài viết của ông và những bài viết về ông mà tôi đã đọc là cả một cuộc đời của người trí thức chân chính, một học giả hiểu nhiều, biết rộng, một nhà báo uyên bác, một người cha luôn quan tâm, dạy dỗ các con mình theo truyền thống gia đình phụ giáo tử đăng khoa”.

MỚI - NÓNG