Nhà báo Nguyễn Việt Hùng rời cõi tạm: Không thể nào!

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT
TP - Khói trầm bảng lảng trước mặt, kí ức về Hùng cũng chập chờn mờ tỏ…

1. Tôi đốt một nén hương trầm trên bàn làm việc. Lạ thế! Thứ hương trầm mà Việt Hùng rất thích!

Nhớ một ngày chớm Tết, Hùng khuân về mươi hộp trầm và nắc nỏm rằng, đây mới đúng là thứ trầm tụ được linh khí của đất trời. Mới hay đó là thứ trầm Quảng Trị, thứ trầm của xứ Gió lào Cát trắng. Và Hùng chỉ để cho mình hai hộp, còn lại Hùng chia cho anh em trong phòng làm quà ngày Tết.

Khói trầm bảng lảng trước mặt, kí ức về Hùng cũng chập chờn mờ tỏ…

Một buổi sáng chớm đông, tôi bước vào phòng thư kí tòa soạn. Ngồi ở góc chéo trong cùng của căn phòng là một gã trắng trẻo, thư sinh với kính cận dán chặt vào mắt. Hắn không thèm ngước lên. Cái sự khinh khi, ngạo mạn không hề giấu giếm. Cấp phó được tăng cường cho phòng là hắn…Tôi lặng ngồi quan sát, và trực giác mách bảo tôi rằng, phía trước là những ngày không bình yên…

Trực giác không đánh lừa tôi. Những cuộc giao ban nghiệp vụ sau đó luôn phảng phất “mùi thuốc súng”. Sự tinh nhạy cùng trường liên tưởng mau lẹ của Việt Hùng khiến không khí tất cả cuộc họp luôn được kích hoạt và đốt nóng. Bao lần tôi đi tìm lời giải, cớ làm sao với vẻ ngoài nho nhã, lịch thiệp ấy lại ẩn chứa bên trong một nhiệt lượng luôn sẵn sàng bùng nổ. Trong thanh âm của Hùng luôn ở tông cao và có độ gằn khiến người nghe vừa bị chinh phục vừa bị kích động muốn tranh luận cho đến cùng kiệt chân lí. Việt Hùng không ngại va đập và xung đột, để rồi sau những lần tưởng chừng sứt mẻ, vỡ vụn, tan tác ấy là sự hoàn nguyên của lẽ phải. Cứ thế chúng tôi từng ngày, từng ngày xích lại gần nhau thoáng chốc gần 10 năm…

2. Phải yêu nghề và yêu Tòa soạn đến cỡ nào mới đủ sức bám trụ qua những mùa đông hun hút gió. Việt Hùng ngồi đó, phía sau lưng là cửa sổ gió lùa. Chúng tôi đi qua nhau những ngày đầu như những đồng nghiệp vì công việc chung thuần túy, cho đến một ngày tôi nhận ra tóc Việt Hùng bạc trắng. Những kíp trực vật vã, những tuyến bài gai góc, những câu chữ cựa quậy hẳn là nguyên nhân khiến Hùng sớm trở thành gã đầu bạc. Đóng khung trước mặt tôi đây là hình ảnh của Hùng đang gò mình trên từng trang bản thảo. Là một Việt Hùng trong tư thế nửa nằm nửa ngồi cầm tập bản bông soi dưới ánh đèn. Nhiều, rất nhiều đêm và dằng dặc những đêm như thế Việt Hùng cô độc trên tầng 3 khi kíp trực đã rời tòa soạn lúc 0 giờ, để đọc, để soi, để chốt, để chặn, để đảm bảo rằng, số báo ra ngày mai không có bất cứ điều gì sai sót. Và, Việt Hùng có nhiều lần rời tòa soạn lúc 3 giờ sáng cùng tập PDF trên tay. Tôi thấm cái cảm giác cô đơn đó khi hằng đêm ngược những cơn gió thốc trên hun hút đường về. Hùng ơi, những ngày đó có bao giờ Hùng chạnh buồn, chạnh tủi, chạnh rưng rưng thương mình?

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng rời cõi tạm: Không thể nào! ảnh 1 Nhà báo Nguyễn Việt Hùng và anh em đồng nghiệp

3. Một tuần trước khi chuyển công tác Hùng lạ lắm! Không phải phiên trực của mình nhưng Hùng luôn nán lại cùng kíp trực, tỉ mẩn, mân mê hết trang báo này đến trang báo khác. Tâm trạng bần thần đó tố cáo rằng, gần phần tư thế kỉ gắn bó với nghiệp báo, Hùng không hề dễ dàng dứt áo ra đi. Tôi biết tâm trạng Hùng trong những ngày sắp chia tay Tiền Phong thực sự giằng xé. Có những thời khắc Hùng ngồi với một chén trà nóng trên tay, bất động. Cặp kính cận không thể khỏa lấp được ánh mắt vừa thẫn thờ, vừa tiếc nuối. Cái dùng dằng của một người luôn biết làm chủ tình cảm của mình khiến Hùng bỗng dễ thương và thân gần đến lạ.

Một tháng rời Tiền Phong, tôi nhận điện thoại của Hùng: Bác à, bác rỗi không em sang uống trà. Tôi biết, trà chỉ là cái cớ mà Hùng viện ra. Hùng đang đau đáu nhớ về chốn xưa người cũ. Lần trở về nào của Hùng cũng nghèn nghẹn. Hùng đi hết phòng này đến phòng khác. Bước chân của Hùng chầm chậm như muốn nán, muốn trì. Khi kíp trực vào giờ cao điểm Hùng lặng lẽ ngồi và cứ thế nhẫn nại chờ để được nhìn lại một bản bông…

Tập bản bông và PDF những số báo chưa xa đang trước mặt tôi đây. Chuyện hôm nay-thời luận mà Hùng đam mê viết rờ rỡ đó. Từng hẹn nhau rằng, 70 năm ngày Tiền Phong ra số đầu tiên, Hùng sẽ tập hợp những bài viết tâm huyết của mình ra một đầu sách. Bao nhiêu là dự định phía trước Hùng từng chia sẻ cùng tôi còn nguyên đó…Không! Tôi không tin! Một người rất biết cách yêu bản thân mình và trân trọng đồng nghiệp, một người rất tinh tế với những hành xử văn minh sao có thể bỗng dưng rời xa cõi tạm một cách đường đột đến ngỡ ngàng như thế? Không thể nào! Không thể nào, Hùng ơi!

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, nguyên Phó Tổng Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng ban Khoa giáo - báo Tiền Phong từ trần chiều 5/8, khi đang tham gia đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tại Bắc Kạn.

Ngày 6/8, Bộ GD&ĐT thông báo tin buồn về ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Việt Hùng sinh ngày 6/2/1969, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, do đột quỵ đã từ trần vào hồi 14 giờ 30 ngày 5/8, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, khi đang tham gia đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại tỉnh Bắc Kạn.

Trước khi chuyển sang công tác tại Bộ GD&ĐT, được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng, phụ trách lĩnh vực truyền thông của Bộ GD&ĐT từ tháng 7/2019, ông Nguyễn Việt Hùng đã có 24 năm công tác ở báo Tiền Phong. Ông từng kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng Kỹ thuật, Trưởng ban Tiền Phong điện tử, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng ban Khoa giáo – báo Tiền Phong.

Lễ viếng ông Nguyễn Việt Hùng bắt đầu từ 7h00 thứ Sáu, 7/8/2020, tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu lúc 8h30 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hoá thân Hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang TP Hải Dương.

Tập thể Đảng ủy - Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Tiền Phong thành kính chia buồn sâu sắc cùng gia quyến ông Nguyễn Việt Hùng.TP

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.