Khó có thể hình dung được, giữa thành phố phồn hoa đô hội lại có một nơi chốn yên tĩnh tuyệt đối đến như vậy.
Từ khoảng sân trong căn nhà vườn, khách đến chơi có thể ngắm ánh nắng xuyên qua những tán lá, nghe tiếng chim hót lảnh lót.
Hình ảnh rất đỗi dung dị trong những nếp nhà xưa, giàn hoa ôm lấy mái nhà, rủ xuống hiên nhà, tạo nên một khung cảnh thanh bình, thơ mộng. Không rực rỡ như màu vàng của nắng cũng chẳng mộng mơ như sắc tím cỏ hoa, màu ngói cũ mang vẻ trầm mặc nguyên sơ.
Dạo bước trong khu vườn còn có thể ngắm đàn cá tung tăng bơi lội.
Hay ngồi đung đưa trên chiếc võng dưới vòm cây xanh mát.
Những bông hoa nhỏ li ti trong vườn nhà.
Vị đạo diễn trải lòng, giữa dòng chảy xã hội ồn ào, ông muốn tìm một góc an yên cho mình, ông “ẩn vào những điều giản dị, ẩn vào lối sống bình tĩnh hơn, lặng lẽ hơn”.
“Tôi chuyển đến đây vào năm 2001. Khi đó, nơi này chỉ là một khoảng đất trống, xung quanh là vườn quất. Tôi dựng một góc nhà, sau đó dựng góc thứ hai, thứ ba rồi làm nên ngôi nhà 3 gian kiểu cổ như bây giờ”, đạo diễn mở đầu câu chuyện. “Việc dựng nếp nhà này là cái duyên tình cờ mà trước đó bản thân tôi cũng không nghĩ đến. Ngôi nhà cổ là có người tặng, tôi mang về và lắp dần, kết hợp từng thứ một”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự.
Tất cả đồ đạc từ mái nhà cho tới cửa gỗ đều được bạn bè ông đem tặng.
Phần mái được lợp hoàn toàn từ ngói và dui.
Một chiếc bài vị cổ.
Những món đồ trang trí độc đáo.
Nhắc đến phong cách tối giản và gam màu mộc mạc được sử dụng chủ đạo trong căn nhà, Đạo diễn Lưu Trọng Ninh thẳng thắn chia sẻ: “Cũng có thể đó là một cách bao biện cho sự không chăm chút của tôi. Bởi nếu đầu tư trang trí tỉ mẩn thì thực sự là khó khăn, phức tạp và tốn kém. Tôi tối giản nhất có thể các vật dụng mà mình sử dụng”.
Bàn trà nơi ông thường ngồi làm việc có tầm nhìn tuyệt đẹp ra khu vườn phía sau nhà.
“Tôi nghĩ là không cần tủ nên trong góc riêng của mình, tôi đặt quần áo dưới đất hoặc trong những chiếc túi. Với tôi, việc phải mở tủ ra rồi sắp xếp là quá phức tạp hay nếu mặc áo mà phải cài một chiếc cúc tôi cũng thấy mất thời gian. Tôi thích kiểu áo chui đầu vào là được luôn. Có lẽ lối sống giản tiện đấy cũng ảnh hưởng đến rất nhiều chuyện trong cuộc sống của tôi”, ông nói.
Cây vạn tuế sống trên núi đá giữa một hòn đảo ở Nha Trang được chuyển về trong khu vườn tĩnh lặng của Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Trong câu chuyện ban sớm, Đạo diễn Lưu Trọng Ninh còn kể về ngôi làng biệt lập cách Hà Nội hơn 50km của riêng ông và ở đó ông là “trưởng thôn”. Làng được hình thành từ cách đây 2 năm, rộng khoảng 20ha trong một cái hồ 80ha, bao bọc xung quanh là “núi ấp ôm mây, mây ấp núi”.
“Chữ trưởng thôn là tôi tự phong cho oai chứ chẳng ai bầu cả. Đó là một ngôi làng có khoảng hai chục nóc nhà với những cư dân lao động ở nhiều nơi về đây. Một số người có hoàn cảnh giống tôi và cũng yêu thích khung cảnh làng quê yên bình. Tôi cho họ một mảnh đất, dựng cho họ một ngôi nhà, họ tự canh tác, tự phát triển, không bị áp đặt lối xây dựng, mỗi ngôi nhà mang cá tính của một cá nhân, cá thể. Tôi chỉ nói nói với họ rằng, hãy làm đẹp đi”, đạo diễn kể.
“Tôi hi vọng xây dựng một không gian sống không chất hoá học, không túi ni-lông, người với người sống thương yêu nhau trong một cộng đồng như ngày xưa. Nhưng khi nhận ra rằng tham vọng đó không hề dễ dàng thực hiện thì tôi coi đó là một nơi chốn lui về.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng thuận lợi, vui vẻ. Có những lúc tôi cảm thấy mình thất thế, cảm thấy mình cô đơn. Và khi đó, tôi nghĩ rằng, có khi phải tìm một chỗ như vậy, mình sẽ bình lặng sống một mình và không bị lệ thuộc vào mọi người”, Đạo diễn tâm sự.
Những nơi chốn đi về bình yên ấy tưởng rằng đã giúp ông “thoả chí tang bồng” nhưng trong tâm thức, ông vẫn đau đáu đi tìm một nơi chốn thực sự thuộc về.
Trả lời câu hỏi về ngôi nhà mơ ước trong tâm thức, ông có đôi chút thâm trầm: “Thực sự là khó bởi vì ngay từ lúc còn trẻ cuộc sống của tôi đã mang tính chất “du canh du cư”, phụ thuộc vào các dự án phim, khi thì Sài Gòn, khi thì Đà Lạt, lúc lại Hà Nội. Nhiều lúc tôi cũng không có khái niệm rằng đâu là ngôi nhà của mình. Biết là khó nhưng cũng sẽ đến lúc tôi phải tìm một ngôi nhà của mình, một ngôi nhà thực sự yêu thích. Và chắc chắn chốn đi về bình yên ấy sẽ không ở thành phố”.