Nguyễn Thị Thiết: ‘Cô gái vàng’ cử tạ
> Tuyển nữ Việt Nam đến Myanmar
> Myanmar chi 'khủng' cho bóng đá
Trên đỉnh vinh quang với 38 huy chương vàng cử tạ qua các giải đấu, nhưng những tấm huy chương tại các kỳ SEA Games khiến người hâm mộ nhớ đến Nguyễn Thị Thiết nhiều hơn.
"Cô gái vàng" của cử tạ Việt Nam, Nguyễn Thị Thiết. |
Năm 2000, Nguyễn Thị Thiết được gọi lên đội tuyển quốc gia. Chỉ sau một thời gian ngắn cô đã khẳng định thành tích của mình tại đấu trường trong nước. Ba năm sau, Thiết tham dự SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, đây là giải đấu lớn đầu tiên cô tham gia, khi đó Thiết 19 tuổi.
Chia sẻ về kỳ SEA Games trên sân nhà, VĐV Nguyễn Thị Thiết chia sẻ: "Khi đó chỉ giành được tấm huy chương bạc, nhưng nó cũng đã đem lại cho mình rất nhiều bài học. Lúc đó mình thi đấu bằng sức trẻ chứ chưa có trải nghiệm. Không có huy chương vàng là thua họ bởi kinh nghiệm thi đấu".
Ở SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, mặc dù mức tạ bằng nhau nhưng do Thiết nhỉnh cân hơn đối thủ một chút, nên cô vuột mất HCV trong tiếc nuối. Phải đến bốn năm sau, tại SEA Games 24 năm 2007, Thiết mới chính thức là nhà vô địch của Đông Nam Á.
"Tấm HCV này vô cùng có ý nghĩa với mình bởi đó là tấm huy chương vàng đầu tiên của cử tạ Việt Nam tại đấu tường khu vực. Tấm huy chương mình đã có được sau 6 năm cố gắng tập luyện, nó đã bù đắp đắp cho mình rất nhiều thứ", Nguyễn Thị Thiết chia sẻ về tấm huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp.
Nhờ có thành tích nổi bật sau SEA Games 24, Thiết đưa cử tạ Việt Nam lần đầu đến Olympic 2008 bằng cửa chính thức.
Năm 2009, để chuẩn bị cho SEA Games tại Lào, cô gặp chấn thương nặng. Sau khi kiểm tra sức khoẻ, ban huấn luyện không dám cho cô thi đấu, bởi theo cảnh báo của bác sĩ, nếu rủi ro chấn thương sẽ khiến cô tàn phế suốt đời.
Thế nhưng chính Thiết quyết tâm lên sàn tranh tài và giành HCB trong sự cảm phục của mọi người. Tham gia 4 kỳ SEA Games liên tiếp, Nguyễn Thị Thiết xứng đáng là "cô gái vàng" của cử tạ Việt Nam.
Theo DIỆU CHI–DUY TRANG
VTV