Lên voi và... suýt xuống chó

Nguyễn Quang A - nhà khoa học đi buôn

Nguyễn Quang A - nhà khoa học đi buôn
Xuất thân khoa học, nhưng vào thời cả nước đang “cơm cao, gạo khó” ông đã nhận lương đến 80.000 USD/năm.
Nguyễn Quang A - nhà khoa học đi buôn ảnh 1
Ảnh : PL TPHCM

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đang nổi lên như một dịch giả, với những tác phẩm nặng về tư tưởng chính trị - kinh tế học, như Thế giới phẳng của Thomas L.Friedman, Con đường dẫn tới chế độ nông nô - Friedrich Hayek, Bí ẩn của vốn - Hernando De Soto.

Thế nhưng, cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông tại lầu bốn trụ sở VP Bank nhìn xuống hồ gươm xanh biếc lại bắt đầu với những truân chuyên của một trí thức chập chững bước vào kinh doanh 20 năm trước.

Lên voi và... suýt xuống chó

- Nghe nói hồi đấy ông còn ra ngoài kinh doanh, trở thành người đóng thuế thu nhập cao đầu tiên ở Việt Nam?

+ Môi trường quân ngũ không thích hợp, mình xin sang Tổng cục Điện tử và tin học. Nhưng ở đấy “đánh nhau” quá, nên 1988 chạy sang làm cho Genpacific - một liên doanh của Tổng cục với Pháp chuyên nhập linh kiện về lắp ráp máy tính bán cho Liên Xô, hồi đó đang bị tư bản bế quan tỏa cảng. Gọi là liên doanh nhưng phía Việt Nam có góp đồng vốn nào đâu. Thế mà tới 1991 thì lời cả triệu USD.

Tay phó giám đốc người Pháp đòi trả lương 60-65 ngàn USD/năm, mình đồng ý, nhưng thế thì tôi cấp trưởng phải hơn chứ. Mình chỉ đòi hơn một đồng tượng trưng, thế mà nó chấp nhận trả 80 ngàn USD/năm. Thời ấy đã là kinh lắm, mình mà lĩnh cả thì người ta đánh chết. Lúc đó lại chưa có Pháp lệnh Thuế thu nhập, vậy là tôi kiến nghị lên Bộ Tài chính. Trao qua đổi lại, và cứ thế mình nộp thuế cho Bộ.

- Nhưng cũng hồi đó, báo chí đưa tin ầm lên ông liên quan tới vụ trốn thuế lớn nhất lịch sử?

+ Có chút tiền kiếm được khi làm với Genpacific, tôi cùng anh em lập Công ty 3C, chuyên phải núp bóng quốc doanh để làm ăn với nước ngoài. Tiền kiếm nhiều lắm.

Nhưng mà tới 1992 thì dính một vố. Tổng Công ty Dệt may quốc doanh Contextimex muốn bọn mình giúp 400 ngàn rúp chuyển nhượng để mua vải của Đức. Tôi thấy ngon nên bàn với Contextimex đóng vai kế toán trưởng vào đàm phán luôn một hợp đồng 23 triệu rúp, mua gần 6.000 tấn vải sợi về bán. Hồi đó tư nhân không có quyền nhập khẩu nên 3C chấp nhận bỏ vốn hoàn toàn, thỏa thuận ăn chia mình 30, Contextimex 70. Phi vụ ấy tổng lợi nhuận lên tới 56 tỷ đồng.

Thấy lãi lớn, một thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ kêu thế thì thiệt cho quốc doanh, rồi viện dẫn một văn bản nào đó đòi bảo toàn vốn cho doanh nghiệp nhà nước. Thế là Contextimex ỷ thế tung ra cái đơn xin bảo toàn vốn, có cả của Bộ Công nghiệp, Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội, đòi tăng chi phí thêm 21,5 tỷ nhằm giảm lợi nhuận, chia cho 3C ít đi. Bọn tôi phản đối nên bị quy là trốn thuế.

Vụ này có hai anh cảnh sát kinh tế Hà Nội tham gia “phát hiện” nên được phong vượt cấp lên đại úy. Lại còn được Bộ trưởng Công an và Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen đăng báo, được Bộ Tài chính thưởng 250 triệu đồng. Các báo cũng giăng title lớn là “vụ trốn lậu thuế lớn nhất lịch sử Việt Nam”.

Ân oán thương trường

-Thế thì rũ tù còn gì?

+ Còn lâu. Rất may là Chánh thanh tra Nguyễn Kỳ Cẩm lúc đó, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về “chiến công” này. Tôi vớ được báo cáo này, liền khiếu nại khắp nơi. Mấy tháng sau, Thủ tướng mới kết luận là không có vụ trốn lậu thuế nào cả, đồng thời chỉ đạo “không được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng” (cười).

Giờ nghĩ lại. Tôi thấy phải cám ơn ông Kỳ Cẩm . Ông ấy mà không báo công lên Quốc hội thì mình biết đâu mà lần.

- Ông làm ăn lớn như vậy, va chạm nhiều chắc không tránh khỏi ân oán “giang hồ”?

+ Úi giời, nhiều chứ! Làm 3C rủng rỉnh tiền. Năm 1995, tôi và một số anh em lại hùn vào lập Ngân hàng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh VP Bank. Đây là ngân hàng đầu tiên có cổ đông nước ngoài. Nhưng rồi quản lý kém, anh em đầu tư vào ngân hàng mà lại chỉ muốn dùng để phục vụ hoạt động làm ăn của riêng mình nên đến 1997 thì bắt đầu khốn đốn. Mình vừa là chủ nợ, vừa là con nợ. Tôi giữ chân chủ tịch HĐQT mà một năm ký 440 cái đơn kiện đòi nợ người ta, kéo dài tới 2004 thì làm sao không ân oán...

- Ân oán có sâu đậm đến mức đẩy con nợ vào tù không. Hồi đó đang thịnh hành “hình sự hóa” quan hệ kinh tế - dân sự để đòi nợ mà?

+ VP Bank không có ý đẩy ai vào tù. Ngược lại, ghét lắm cũng phải cố cứu người ta. Hồi đó đã có việc bị khởi tố, nhốt 6-7 người. Cứ theo chính sách hình sự áp dụng cho Tamexco thì ở đây phải cỡ 60-70 người ngồi khám và 5-7 dựa cột chứ chả ít. Nhưng tôi lên làm chủ tịch HĐQT liền bàn với anh em: vụ này đưa ra xử, dân sẽ ào đến rút tiền thì coi như phá sản. Cho nên chính chúng tôi lại phải vừa thúc đẩy kiện đòi nợ, vừa chủ động dàn xếp nhẹ vụ ấy đi.

Bầm dập vì cơ chế

- Không cần “hình sự hóa”, vậy hiệu quả đòi nợ của thế nào?

+ Phải nói là hệ thống thực thi luật pháp của ta rất tệ. Có một ông dùng sổ đỏ thế chấp vay tiền của mình, rồi giả mạo giấy tờ làm thêm hồ sơ nhà đất nữa để vay Ngân hàng Công thương. Lẽ ra là phải ưu tiên trả nợ VP Bank trước nhưng ra tòa bọn mình nhân nhượng chia đều với ngân hàng quốc doanh. Vậy mà tới khâu thi hành án lại quyết định thu hồi cho phía nhà nước trước và tới mình chả còn đồng nào cả. Sau này, Bộ Tư pháp thừa nhận là sai, nhưng mình thì đành mất. Chả nhẽ kiện đòi Bộ bồi thường à? Đấy, có mà tỷ vụ như vậy!

- Gánh vác trọng trách chủ tịch HĐQT VP Bank đúng lúc ngân hàng bên bờ vực phá sản, phải đưa vào diện giám sát đặc biệt. Chắc lúc đó ông chẳng tự tin ăn nói được như bây giờ?

+ Không nhận không được, vì còn ai nữa đâu. Mà tiền 3C bỏ vào đấy hơi nhiều. Thực sự là mệt mỏi. Ai đời, chả bao giờ dám giới thiệu mình là chủ nhà băng cả. Thậm chí, tai tiếng với doanh nghiệp Hàn Quốc đến mức thấy ông đại sứ nước này là phải lỉnh đi cho lẹ! Khổ sở mãi tới 2001 mới định hình hết khó khăn cũng như bài giải và tới 2004 thì vượt qua được, chuyển sang giai đoạn phát triển vững chắc.

- Khó khăn như thế mà VP Bank lại ẵm được “Hà Nội vàng” bên bờ Hồ Gươm?

+ Nguyên đây là dự án khách sạn Hà Nội vàng, liên doanh với một ông chủ HongKong, vì dư luận phản ứng là phá vỡ cảnh quan Hồ Gươm, rồi rơi vào đúng thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á mà bị dở dang. Tới 1999, phía Việt Nam trong liên doanh nguyên là dân làm ăn ở Hungary về, tưởng bọn tôi giàu lắm nên gạ tham gia.

Của đáng tội, ngân hàng có thể bị dẹp bất cứ lúc nào thật. Nhưng mà thấy miếng đất đẹp quá nên anh em trong HĐQT rất máu. Đúng lúc đó, cổ đông nước ngoài của VP Bank là một quỹ đầu tư, vì hết hạn hoạt động nên muốn bán rẻ phần vốn góp 10% của mình.

Vốn gốc góp năm 1995 là hai triệu USD, vậy mà họ nhượng lại chỉ lấy bốn tỷ tiền Việt. Mình mới gạ Bảo Việt mua. Ông này từ chối nhưng lại thấy dự án Hà Nội vàng của mình hay quá, liền nhảy vào. Cũng may là có Bảo Việt mà việc sang nhượng Hà Nội vàng suôn sẻ.

Giờ mỗi “thằng” làm một góc. Phần của VP Bank nhỏ hơn, song cũng đủ làm trụ sở. Còn 10% vốn kia, mấy anh em ở đây lại phải gồng mình ôm vào. Cơ may mà! Giờ đã lời gấp 50-60 lần rồi.

- Trông ông nhàn hạ lắm rồi. Chỉ còn ngày ngày lên phòng làm việc, ngắm Hồ Gươm, bàn chuyện thiên hạ thôi nhỉ?

+ Tôi cùng anh em tháo gỡ đến 2004, cơ bản ổn định rồi thì mọi việc điều hành để tổng giám đốc thực hiện. Tôi giờ chỉ là thành viên HĐQT, lâu lâu tới kỳ họp lại phán dăm câu ba điều. Năm nay cũng 62 rồi, thấy gì thích thì làm thôi.

Tôi đang dịch sách, nghiên cứu, viết lách lăng nhăng. Vừa rồi cùng anh em lập một viện nghiên cứu tư nhân, để nghiên cứu những thứ rất là “chối” - kiểu như phát triển kinh tế thế nào, chính sách môi trường, y tế, giáo dục ra sao... Mỗi người góp ít tiền cho nó hoạt động nhưng viện sẽ chẳng là của ai cả. Mọi kết quả nghiên cứu sẽ là của nó thôi.

Theo Nghĩa Nhân - Thanh Hoa
Pháp luật TPHCM

- Sinh ra tại Bắc Ninh năm 1946, là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ chống Pháp.

- Năm 1965, được Nhà nước đưa đi học tại Hungary rồi ở lại học tiếp phó tiến sĩ.

- Năm 1975: giảng dạy tại Học viện quân sự.

- Năm 1982, trở lại Hungary làm nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành điện tử viễn thông.

- Năm 1987, làm việc tại Tổng cục điện tử tin học Việt Nam. Sau đó, chuyển sang làm việc tại công ty liên doanh máy tính VN Genpacific.

- Năm 1989, thành lập công ty máy tính truyền thông điều khiển 3C.

- Năm 1993, tham gia sáng lập ngân hàng ngoài quốc doanh VP Bank, là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ở Việt Nam.

- Ông là dịch giả của một số cuốn sách về kinh tế, chính trị, tư tưởng trong đó có cuốn Thế giới phẳng.

- Ông từng giữ chức Chủ tịch Hội tin học Việt Nam.

- Ông cũng vừa được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm qua.

MỚI - NÓNG