>Sẽ xử lý vài ngân hàng có 'sở hữu chéo'
>Hội nhập phải làm cho người ta phục mình
>Cấm cho, tặng ngoại tệ góp phần hạn chế tình trạng 'đô la hóa'
Theo hướng đó, tháng 3-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015”. Đề án này chọn ba vấn đề trọng tâm là: ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng; lành mạnh hóa tình trạng tài chính, tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD và tái cơ cấu tổ chức, hoạt động của hệ thống ngân hàng. Công việc này xem ra đang được tiến hành với một số thành công bước đầu kèm theo những hạn chế nhất định.
Có ý kiến cho rằng, đề án này mới mang tính “tình thế”, chưa mang tính lâu dài và cơ bản. Ý kiến ấy có mặt hợp lý song dù sao đi nữa cũng phải thừa nhận rằng, không dễ gì thiết kế một đề án mang tính cơ bản lâu dài ngay, nhất là trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đòi hỏi phải xử lý ngay “những vấn đề nóng”; không giải quyết được chúng thì có thể đổ vỡ hệ thống; nếu vậy còn nói gì đến giải pháp cơ bản, lâu dài.
Tuy nhiên, trong khi giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt cũng vẫn cần suy nghĩ về những quyết sách mang tính cơ bản, lâu dài chứ không chỉ về ba loại vấn đề nêu trong Đề án và chỉ tới năm 2015. Điều này càng cần thiết khi chúng ta đang sống trong một bối cảnh khá đặc biệt.
Một là, thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và suy thoái kinh tế trầm trọng và sâu rộng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 mà tới tận nay, sau sáu năm trời, vẫn chưa chấm dứt hẳn, trong đó lĩnh vực tài chính - ngân hàng vừa là tác nhân vừa là nạn nhân hàng đầu. Trong những năm qua nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn kinh tế, trong đó hệ thống tài chính - ngân hàng vừa gánh trách nhiệm, vừa hứng chịu hệ quả. Thực trạng này gợi mở nhiều bài học đắt giá cần được đúc kết để cơ cấu lại lĩnh vực trọng yếu này.
Hai là, gánh chịu thiệt hại lớn lao, các nước trên thế giới, nhất là các nước ở tâm bão khủng hoảng đều ra sức tìm kiếm nhiều biện pháp mạnh mẽ, mới mẻ để quản lý, giám sát hệ thống tài chính - ngân hàng nhằm ngăn ngừa khủng hoảng, phát triển lành mạnh. Thực tế này gợi mở cho chúng ta nhiều điều bổ ích trong quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính của mình, đồng thời đặt ra những thách thức mới: sinh sau đẻ muộn, hệ thống tài chính - ngân hàng nước ta vốn đã lạc hậu về nhiều mặt so với chuẩn quốc tế nay có nguy cơ khoảng cách khác biệt càng xa hơn.
Ba là, nước ta đang tiến hành quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nhắm tới đích 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp. Chắc rằng, quá trình cơ cấu lại thị trường tài chính nói chung, hệ thống TCTD nói riêng phải là một bộ phận cấu thành và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung này.
Và bốn là, nước ta đang tiến vào “làn sóng” hội nhập mới ở cấp độ cao hơn và sâu hơn việc gia nhập WTO, nổi lên là việc hình thành Cộng đồng ASEAN; cơ chế Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khu vực mậu dịch tự do với Liên hiệp châu Âu... trong đó có nhiều cam kết mới liên quan tới hệ thống tài chính - ngân hàng và với những đối tác rất mạnh và quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực này.
Trong bối cảnh có những nét rất đặc biệt như vậy, đã tới lúc nên suy nghĩ về một chiến lược cơ cấu lại thị trường tài chính sâu rộng và dài hơi hơn, trong đó nổi lên chí ít là năm vấn đề.
Phải chăng trước tiên nên chọn mô hình thị trường tài chính - ngân hàng hay nói một cách khác là định vị hệ thống này trong sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Về phương diện này một số nghiên cứu trên thế giới phân chia các nước thành bốn loại mà chung quy lại là cho dù thị trường tài chính có phát triển hay không người ta chọn ngân hàng hay các thành tố khác trong thị trường ấy để phát triển.
Đối chiếu với sự phân loại như vậy, xem ra nước ta thuộc loại dựa vào hệ thống ngân hàng để thúc đẩy phát triển trong khi các thành tố khác của thị trường tài chính còn yếu kém. Điều này cũng dễ hiểu vì nước ta là một nước đang phát triển lại mới thoát thai từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các thành tố của thị trường tài chính mới sơ khai nên chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng chiếm tới 80-90% tổng nguồn vốn để phát triển. Vấn đề đặt ra là sắp tới ta nên tiếp tục duy trì mô hình này hay mô hình khác? Nếu chủ trương chuyển đổi mô hình thì theo hướng nào? Muốn vậy phải làm gì và làm thế nào?
Hai là chuyển dịch cơ cấu thị trường tài chính nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng theo hướng nào? Ở đây có một loạt vấn đề như chuyển dịch vai trò, vị trí của các thành tố trong thị trường tài chính ra sao; các loại hình hoạt động kinh doanh của từng thị trường nên chuyển dịch theo hướng nào; cơ cấu thành phần (doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, nước ngoài)... nên chuyển dịch ra sao?
Ba là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường tài chính, nói cách khác là thể chế nên được đổi mới ra sao. Theo nghiên cứu của một số chuyên gia nước ngoài thì chính phủ nhiều nước đang phát triển có khuynh hướng theo đuổi chính sách kiềm chế tài chính, hạn chế sự tham gia của hệ thống ngân hàng, kiểm soát lãi suất, can thiệp vào sự phân bổ các khoản tín dụng và kết quả là một số ngân hàng lớn đóng vai trò thống trị và nguồn vốn chảy vào các doanh nghiệp lớn. Vậy ở ta về mặt thể chế còn tồn tại những vấn đề gì và chúng cần được đổi mới ra sao, theo hướng nào? Về mặt này còn có một vấn đề nhất thiết cần làm rõ là vị trí, sự phối hợp, điều hòa giữa các cơ quan liên quan như ngân hàng, tài chính, giám sát... thậm chí cả mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp có điều gì cần được thiết kế lại cho rõ ràng, rành mạch và nhịp nhàng không?
Tiếp đến là vai trò, vị trí của công cuộc cải cách thị trường tài chính trong tổng thế quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình phát triển ở nước ta ra sao? Với tư cách là hệ thần kinh của toàn bộ nền kinh tế, nhất là trong nền kinh tế thị trường, công cuộc cải cách thị trường tài chính chắc phải đóng vai trò cực kỳ quan trọng nếu như không nói là then chốt. Vậy cuộc cải cách thị trường tài chính và quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có mối liên hệ thế nào, ở khâu nào là tiền đề, ở khâu nào là hệ quả, cần tiến hành song song hay có khâu phải đi trước một bước...? Trong khuôn khổ đó, còn một vấn đề cần làm rõ là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phối hợp, hỗ trợ nhau ra sao?
Và cuối cùng là thị trường tài chính cần được cải cách như thế nào để đón lõng làn sóng hội nhập mới? Về phương diện này tồn tại không ít vấn đề. Đó là nhu cầu nhích gần tới các chuẩn mực tối ưu của thị trường tài chính toàn cầu: rà soát lại xem những chuẩn mực nào còn khác biệt, xích gần như thế nào, theo lộ trình ra sao vì không thể vận hành trên một sân chơi với những luật chơi quá khác biệt. Đó là việc gấp rút chuẩn bị về thể chế, năng lực để tận dụng tối đa những lợi ích của làn sóng hội nhập mới đem lại và ứng phó hữu hiệu nhất những thách thức mới sẽ ập tới. Đó là một vấn đề rất ít được nhắc tới là có định từng bước “quốc tế hóa” tiền đồng hay không một khi hội nhập ngày càng sâu?...
Tóm lại trong khi lo toan những vấn đề nóng bỏng trước mắt không thể không tiếp cận ngay những vấn đề mang tính cơ bản và lâu dài trong công cuộc cải cách thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung; nếu không sẽ lại rơi vào tình thế lúng túng bị động. Hy vọng rằng, những vấn đề như vậy sẽ được luận bàn và sớm quyết định.
Nước ta thuộc loại dựa vào hệ thống ngân hàng để thúc đẩy phát triển trong khi các thành tố khác của thị trường tài chính còn yếu kém. Vấn đề đặt ra là sắp tới ta nên tiếp tục duy trì mô hình này hay mô hình khác? Nếu chủ trương chuyển đổi mô hình thì theo hướng nào? Muốn vậy phải làm gì và làm thế nào? |
Vũ Khoan
Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ
(bài viết riêng cho Thời báo Kinh tế Sài gòn từ phát biểu tại cuộc hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 12-10-2013 tại Hà Nội)