> Nguyên Lê gây choáng ở Hà Nội
> Nguyên Lê: Nghệ sĩ Việt mang đẳng cấp quốc tế
Sau đêm diễn tràn đầy cảm hứng tại không gian phòng trà ở Hà Nội hồi tháng 7, chương trình Quê nhà của Nguyên Lê được “nâng cấp” và chuyển ra Nhà hát Lớn tối 25-12. Chương trình gây ép phê ngay từ đầu với bản Overture do Võ Vân Ánh và Nguyên Lê đồng sáng tác. Đàn tranh và ghi-ta tạo nên sự kết hợp tinh tế và thi vị cho phần đầu của chương trình. Bàn tay phù thủy của Nguyên Lê mang lại cho những tác phẩm Vân Ánh viết cho đàn tranh như Hoa cúc mùa thu, Câu chuyện của tôi một đẳng cấp mới.
Những sáng tác mới của Nguyên Lê như Cocopanista, Tingning (bản nhạc được viện nghiên cứu và bảo tàng Smithsonian của chính phủ Mỹ chọn giới thiệu trong mục nhạc jazz và nhạc Việt Nam) cũng được trình diễn lại với nhiều xúc cảm, dù có thể không được bùng nổ như lần đầu ông đến với Hà Nội. Thành phần ban nhạc như lần diễn trước, chỉ thiếu cây violon của Khắc Quân.
Nguyên Lê giới thiệu Tùng Dương đầy ưu ái: “Giọng hát ấy có lúc như thiên thần lúc lại như quỷ dữ”. Tùng Dương tiếp tục thăng hoa khi với Nguyên Lê. Thậm chí anh còn có phần lấn lướt trong các phần phiêu cùng ban nhạc. Chính vì thế mà những bài có sự tham gia của Tùng Dương như Quê nhà, Giăng tơ, Redemption song… nghe còn giống ca khúc- nghĩa là giọng hát là chính, ban nhạc có vai trò đệm. Nói chung hát với Nguyên Lê không phải chuyện đơn giản, ca sĩ phải có khả năng điều khiển giọng hát như nhạc công. Và vì rất có thể thỉnh thoảng mới được tham gia một câu, nên họ sẽ phải tập trung cao độ để đếm nhịp. Nhạc sĩ Huy Tuấn- giám đốc nghệ thuật của đêm diễn từng nói: “Chơi nhạc của Nguyên Lê giống như giải toán” chắc cũng có thể áp dụng với trường hợp “ca công”.
Trên đỉnh phù vân không nằm trong những tiết mục được tán thưởng nhất. Điều này khá bất ngờ vì bài hát vốn là một hit của Mỹ Linh nay lại được cộng hưởng với bản phối và tiếng đàn của Nguyên Lê. Có thể lý giải là khán giả quá quen với không khí liêu trai của bản phối gốc tôn lên giọng hát. Còn với bản phối mới, giống như Mỹ Linh song ca với cây ghi ta của Nguyên Lê ở thế đối lập: Mỹ Linh vẫn lả lướt, ma mị, trong khi Nguyên Lê lại rock nặng. Sự kết hợp thú vị nhưng có lẽ khán giả chưa quen với Trên đỉnh phù vân mới dưới dạng hòa tấu có giọng hát.
Bù lại, Lý ngựa ô sau đó khiến khán giả hoàn toàn thỏa mãn. Mỹ Linh mặc dù phiêu ít nhưng phiêu câu nào “chết” câu đấy. Với bản nhạc này, Mỹ Linh thể hiện khả năng hát bằng giọng Nam Bộ khá duyên dáng. Dường như đã dốc toàn lực cho Lý ngựa ô nên bản nhạc dựa trên bài quan họ Thỏa nỗi nhớ mong sau đó, chị hát chưa được ngọt lắm, thậm chí còn lộn lời. Mỹ Linh hơn một lần tìm cách xâm nhập thị trường quốc tế, và rất có thể chính Nguyên Lê sẽ đưa được giọng hát này đến với khán giả nước ngoài.
Trao đổi với Tiền phong khi đêm diễn kết thúc, Nguyên Lê nói: “Các ca sĩ thật tuyệt vời. Tôi rung động với những gì mình được nghe, bao nhiêu là xúc cảm, đầy năng lượng đẹp. Các nhạc công cũng cống hiến hết mình. Rất nhiều tình yêu tôi cảm nhận được tối nay từ khán giả, từ các ca sĩ, nhạc công. Tất cả kết hợp lại vì âm nhạc. Thật sự xúc động”. Nguyên Lê mong muốn sẽ tiếp tục kết hợp với các giọng ca trong nước.
Thay vì diễn 2 đêm tại TPHCM, Nguyên Lê chỉ thu xếp được một đêm 27, vì anh đã kín lịch. Đêm 31-12, Nguyên Lê sẽ trình diễn cùng các nghệ sĩ jazz Mỹ tại Đức. “Thật thú vị khi làm người Việt duy nhất giữa những người Mỹ, giữa thế giới của jazz,” ông bình luận. Lần này Nguyên Lê và vợ chỉ có 4 ngày ở Việt Nam. Vẫn thấy bà theo ông đến những buổi tập, buổi diễn, say sưa nghe và ngắm chồng đàn. Họ không có thời gian cho riêng mình. Nguyên Lê mong ước có một kỳ nghỉ ở Việt Nam, được tận thấy những bãi biển. “Quá nhiều việc. Không có lúc nào để nghỉ. Nhưng dù sao mỗi lần đến Việt Nam, tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi yêu đất nước này, yêu sự êm đềm. Tôi nhận thấy sự êm đềm ấy vẫn đầy năng lượng… Điều đó thật tuyệt. Vì tôi vừa ở Ấn Độ về. Cũng là châu Á nhưng ở đó rất khác, không yên bình như ở đây”. Được biết, Nguyên Lê từng xin chính phủ Pháp kinh phí để về Việt Nam nghiên cứu và giảng dạy nhưng không được.