Theo ông Ngô Việt - Tổng giám đốc Công ty Vietstar, doanh nghiệp của ông chuyên về xử lý rác thải. Công ty hỗ trợ cho nhóm nhóm Feelings, một nhóm nhạc quy tụ các bạn trẻ đã từng tốt nghiệp các trường âm nhạc. Rồi trong một lần gặp gỡ nhà thơ Nguyễn Duy, cả hai đã tâm đắc nảy ra ý tưởng làm một đêm nhạc có chủ đề về rác để tuyên truyền nâng cao bảo vệ môi trường cho mọi người.
Nhà thơ Nguyễn Duy tại chương trình Hoa từ rác… |
Nhà thơ Nguyễn Duy kể, với vai trò là Phó Viện trưởng Viện đào tạo Văn hóa- Nghệ thuật và Truyền thông trường Đại học Văn Lang, ông đã nêu ý kiến đưa đêm nhạc về với trường của mình. Nhà thơ Nguyễn Duy cho biết: “Năm 2024, Đại học Văn Lang được vinh danh trong bảng xếp hạng The Impact Rankings (Bảng đánh giá toàn cầu về việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững- SDGs) của Liên Hợp Quốc. Vì thế tôi nghĩ đưa đêm nhạc về với Văn Lang là hoàn toàn phù hợp”.
Để hình thành đêm nhạc, những người tổ chức đã mất gần 1 năm, từ việc lên ý tưởng cho tới xây dựng kịch bản, chủ đề. Theo nhà thơ Nguyễn Duy, nói tới rác thì rất nhiều người nghĩ nó hoàn toàn tương phản với nghệ thuật. Vì thế, để đưa rác vào với đêm nhạc thực sự là một khó khăn. Nhưng không phải loại rác nào cũng là thứ đã bỏ đi nên từ rác, người ta vẫn phân loại để có loại đem đi xử lý, có loại lại trở thành nguyên liệu để tái chế sử dụng. “Tôi chọn chủ đề cho đêm nhạc là Hoa từ rác, nghĩa đen là tìm trong bãi rác vẫn có thể có được các vật tái chế để tạo nên những sản phẩm đẹp. Còn về nghĩa bóng, Hoa từ rác là tìm những cái đẹp trong cái không đẹp là rác”- Nguyễn Duy nói thêm.
Đêm nhạc Hoa từ rác bao gồm bốn chương chủ đề chính là: Tình quê hương, Rải và nhặt, Môi trường muôn sắc, Hoa từ rác…. Khán giả như được đắm chìm trong không gian âm nhạc qua các ca khúc: Nước non ngàn dặm ra đi, Tình hoài hương, Mùa xuân đầu tiên, Những ngày yêu dấu tan theo, Sắc màu, Mộng du, Hôm nay tôi nghe... Đây là những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ như Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến... kết hợp với một số ca khúc nổi tiếng trên thế giới.
Các ca khúc được chọn đưa vào chương trình dù không hẳn có chủ đề viết về môi trường nhưng có từ khóa liên quan đến “hoa” và “rác” và theo một cách nhìn mới mẻ của chương trình về thông điệp môi trường qua lời dẫn chuyện, qua nhiều hình thức biểu cảm của múa, của trình diễn thời trang tái chế.
Độc đáo hơn, những người tổ chức đã dày công sáng tạo một sân khấu với các vật liệu tái chế, từ chiếc tháp làm bằng thép cho tới những chiếc ghế chế bằng nhựa, những bộ thời trang bằng vải và giấy vụn… Đêm diễn là sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật sắp đặt giữa âm nhạc, thơ ca hiện đại và múa đương đại, mang đến cho người xem một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa.
Cùng với những câu chuyện về môi trường mà nhà thơ Nguyễn Duy đã chứng kiến, đã cảm nhận để cho ra các tứ thơ đầy xúc cảm, đêm nhạc đã diễn ra liên tục trong hơn 2 tiếng đồng hồ đầy hấp dẫn, thu hút hơn 1.000 khán giả xem tới giờ chót.
Nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng, tinh thần của chương trình dùng câu chuyện về rác thải, vật liệu tái chế từ phế phẩm để nói câu chuyện lớn hơn, đó là câu chuyện về ý thức, hành động đẹp để từ đó cổ vũ cho cái đẹp của môi trường bền vững, hướng đến lợi ích chung dành cho trái đất và cho tương lai của chính chúng ta.
Kết thúc chương trình, tất cả những người tham gia cùng hoà giọng trong ca khúc huyền thoại Earth Song (Bài ca Trái đất) của ông Hoàng nhạc pop Michael Jackson như nhắn nhủ mọi người “Hãy dừng lại để nghĩ về những hành động của chúng ta”.