Nguyên đại sứ Việt Nam: Chắc chắn Iran sẽ đáp trả

Người Iran đổ ra đường tham gia đưa tang tướng Soleimani Ảnh: Axios
Người Iran đổ ra đường tham gia đưa tang tướng Soleimani Ảnh: Axios
TP - Giống như nhiều quyết định trước đây, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh hạ sát tướng Iran Qasem Soleimani có lẽ là hành động bất cẩn, không tính đến hậu quả. Chắc chắn Iran sẽ đáp trả.

Đó là nhận định của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong.

Theo ông, bản chất của việc Mỹ không kích hạ sát tướng Qasem Soleimani là gì?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Theo tôi trong vụ này, Tổng thống Donald Trump đã thiếu cẩn trọng, không tính hết hậu quả của sự việc. Ông ấy nói lý do là để ngăn chặn cuộc tấn công mà ông Soleimani có thể thực hiện nhằm vào các mục tiêu, lợi ích của Mỹ. Nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa biết những mục tiêu, kế hoạch đó là gì, ông Trump chưa đưa ra giải thích nào. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi còn phải nói thông tin Nhà Trắng cung cấp đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Vụ tấn công được tiến hành trên đất Iraq nhưng cũng không có sự tham vấn nào với phía Iraq và đến giờ vẫn chưa có giải thích nào cho phía Iraq, cho thấy hành động này bất chấp chủ quyền của Iraq và thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Việc hạ sát tướng Soleimani nhiều rủi ro và bất lợi như vậy nhưng vì sao ông Trump lại lựa chọn?

Theo tôi, ông Trump không có nhiều kinh nghiệm trong đối ngoại. Những quyết định của ông ấy có phần bốc đồng và chắc không tham khảo ý kiến chuyên gia. Trước đây, việc ông tuyên bố rút quân khỏi vùng Đông Bắc Syria cũng là một quyết định như vậy, đẩy người Kurd xưa nay hợp tác với Mỹ trở thành nạn nhân của cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn gấp nhiều lần. Nước Nga đối thủ của Mỹ tự nhiên được hưởng lợi vì khoảng trống quyền lực ở vùng Đông Bắc Syria. Quyết định này của ông Trump bị rất nhiều người Mỹ lên án.

Theo ông, một trong các nguyên nhân ông Trump đưa ra quyết định đó có phải là để phân tán chú ý khỏi phiên tòa luận tội sắp tới ở Thượng viện?

Tôi nghĩ không hẳn vậy. Phiên tòa luận tội chưa diễn ra được, và ông Trump còn tự tin lắm. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện, nên ông Trump còn thách thức đảng Dân chủ: “Các ông bà cứ luận tội sớm đi, rồi sẽ thấy kết quả”. Xét về tương quan lực lượng hiện nay, ông Trump vẫn có lợi thế khi được phe Cộng hòa bảo vệ, nên bà Pelosi vẫn chưa trình các điều khoản cáo buộc lên Thượng viện. Đây là bài toán chính trị của các chính trị gia Mỹ. Họ còn đang bàn cách thức luận tội chứ không phải cứ trình lên rồi mở phiên tòa là xong. Câu chuyện đó không phải ngay tức thì, nên việc giết ông Soleimani không phải cách đánh lạc hướng dư luận khỏi chuyện luận tội. Như thế càng thấy rằng quyết định của ông Trump lần này rất vội vàng. 

Là người từng làm việc ở Iran, theo ông, việc giết tướng Soleimani gây tác động như thế nào và Iran sẽ đáp trả như thế nào?

Một điều chắc chắn là Iran sẽ đáp trả Mỹ. Theo tôi, ông Soleimani bị tấn công khi đang ra sân bay để nhận bức thư Iran trả lời Ả-rập Xê-út thông qua Iraq. Đây là hành động hòa giải, hành động thiện chí, nhưng lại bị lợi dụng để thực hiện hành động thiếu thiện chí. Người ta nói rằng ông Soleimani được chôn cùng lá thư gửi Ả-rập Xê-út đó. Thay vì hòa giải, ông Trump lại đổ thêm dầu vào lửa. Người Iran càng có lý do để tìm cách rửa hận.

Tại đám tang của ông Soleimani, người dẫn chương trình kêu gọi mỗi người Iran đóng góp một đô la để thưởng cho người nào giết được ông Trump. Nếu thế, 80 triệu người Iran đóng góp sẽ có 80 triệu USD tiền thưởng. Đám đông tán thưởng sáng kiến đó của người dẫn chương trình. Đây là việc làm hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện sự đoàn kết của người Iran như thế nào, gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng 80 triệu người Iran sẵn sàng đóng góp cho việc phục thù. 

Người ta nói rằng lực lượng tinh nhuệ do ông Soleimani đứng đầu đã giúp Iraq đứng vững được trước cuộc tấn công của IS, nghĩa là nhiều người coi ông ấy là vị tướng có công. Những người không ủng hộ chính phủ Iran lắm cũng không chấp nhận được chuyện Mỹ giết ông Soleimani. Chính vì thế, sự đoàn kết của người Iran sau vụ việc này mạnh hơn những lần khác. 
Trong 2 năm nay, các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc đang cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã từ bỏ. Sau vụ giết tướng Soleimani, Iran tuyên bố không tuân thủ thỏa thuận này nữa, khiến công sức của bao nhiêu nhà ngoại giao, nhà chính trị tan thành mây khói và mở đường cho cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Liệu ông Trump có tính đến kết cục này?

Nguyên đại sứ Việt Nam: Chắc chắn Iran sẽ đáp trả ảnh 1  

“Người Iran khéo léo và không cực đoan. Họ tuyên bố sẽ tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ, các nhà ngoại giao Mỹ chứ không khủng bố tràn lan và tránh các điểm dân cư, dân sinh. Cuộc chiến tranh tổng lực cũng khiến Iran trở thành nạn nhân. Tôi hình dung người Iran sẽ thực hiện chiến tranh “qua bàn tay người khác”. Ở Trung Đông có rất nhiều lực lượng thân Iran, nên việc gì Tehran phải tự làm. Nếu chiến tranh tổng lực xảy ra, Mỹ sẽ kết thúc nhanh lắm vì họ có vũ khí hiện đại. Nhưng chiến tranh kiểu du kích ở mọi nơi mọi lúc sẽ khiến Mỹ hao người tốn của”. Nguyên Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch

MỚI - NÓNG