Nguyễn Ánh 9 suýt giải nghệ vì khủng hoảng

Nguyễn Ánh 9 suýt giải nghệ vì khủng hoảng
TP - Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ đệm đàn cho Mỹ Linh, Tấn Minh, Đức Long… trong chương trình Nguyễn Ánh 9- nửa thế kỷ âm nhạc vào đêm 29-12 tại Trung tâm Âu Cơ, Hà Nội.

> Lặng lẽ tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9

Nguyễn Ánh 9 kỉ niệm sinh nhật thứ 71 bằng đêm nhạc riêng tại Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà
Nguyễn Ánh 9 kỉ niệm sinh nhật thứ 71 bằng đêm nhạc riêng tại Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
 

Chương trình do con trai ông- nhạc sĩ Nguyễn Quang tổ chức như món quà sinh nhật tặng cha. Đây cũng là dịp tác giả Tình khúc Chiều mưa nhìn lại chặng đường 50 năm chơi đàn và 40 năm viết nhạc.

“Không” của ông từng nổi tiếng ở Nhật Bản qua giọng hát Đặng Lệ Quân. Ông đã bao giờ hưởng tiền bản quyền từ ca khúc đó?

Với tôi, tác quyền không thành vấn đề. Khi viết bài hát mà có người nghe, người hát là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi. Bổn phận thiêng liêng của nghệ sĩ là đem tiếng tơ lòng ra- mà được nhiều người thích, trình diễn thì mình nên cám ơn mới phải chứ sao lại bắt trả tiền.

Hồi còn trẻ ông bị gia đình ngăn cản không cho theo âm nhạc, đến lượt ông cũng lại không muốn cho con theo nghề. Vì sao vậy?

Không phải không muốn cho con theo âm nhạc mà thấy cuộc đời nhạc công khổ sở quá, không đủ nuôi vợ con, lại hay phải xa gia đình. Rồi có những cái nếu đi theo ý thích của mình thì hơi ích kỷ. Nhưng rút cuộc thì con theo cha thôi, tôi không dạy con một dấu nhạc nào hết, chắc gen di truyền.

Còn nghề nhạc sĩ?

Tôi quan niệm nhạc sĩ không phải nghề, mà là thiên chức trời cho. Nhạc sĩ chỉ là người bình thường viết lại những cảm xúc thành tác phẩm để lại cho đời... Thành ra tôi muốn con mình có nghề nghiệp sao cũng được, miễn đủ nuôi thân tới già. Nhạc công thì tới chừng nào đó thôi. Nhạc sĩ đàn với tâm hồn, với trái tim của họ. Còn nhạc công đàn với cái đầu. Khác nhau chỗ đó.

Giả sử hồi trẻ ông được gia đình ủng hộ, đầu tư cho đi theo nghề…

Thì chắc chắn không thành công như bây giờ. Tại bị cấm đoán mình mới có sức mạnh để chiến đấu giành lại cái lý của mình, ráng làm sao cho gia đình đừng nói nghề của mình là xướng ca vô loài. Nghề của mình trong sáng, lành mạnh. Nó phải được người đời tôn vinh. Nếu mình cố gắng đem hết sức sáng tạo, đem hết lao động, học tập, tài năng để phục vụ thì không thể nào gọi là xướng ca vô loài được.

Có người lợi dụng cái danh nghệ sĩ để sống bạt mạng, đó không phải là nghệ sĩ nữa rồi. Người nghệ sĩ có tâm hồn, nhưng sự lãng mạn nằm trong khuôn khổ nào đó, không phải sống xô bồ. Tôi hãnh diện mà nói, tôi có một gia đình rất hạnh phúc, cho tới giờ này 47 năm, vợ chồng vẫn thương yêu như ngày nào.

Ông có cho biết thích đệm hát cho Thái Thanh, Khánh Ly và Ánh Tuyết nhất. Giả sử trong đời ông có duyên được chọn một trong ba người để… lập gia đình thì ông chọn ai?

Chắc tôi không chọn ai đâu. Giữa vợ và bạn diễn không thể nào dính liền với nhau được.

Khi cộng tác với ba giọng ca đó, ông có cảm nhận khác nhau như thế nào?

Trong ba người tôi quý trọng nhất Thái Thanh, đã dạy cho tôi cách đệm đàn cho ca sĩ hát không những tròn bài mà nâng cao bài hát đó lên để đến tai người nghe một cách nhẹ nhàng sâu lắng. Tôi từng đệm cho Khánh Ly hồi đó hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Tôi là bạn của anh Sơn, từng đi bụi đời với nhau, tôi với Trịnh Công Sơn tập cho Khánh Ly hát. Khi gặp Ánh Tuyết, chúng tôi gần như cặp bài trùng. Ánh Tuyết đi đâu cũng nhờ tôi đệm đàn. Trong lúc tôi bị khủng hoảng, tuyên bố giải nghệ, buồn không muốn đi đàn, Ánh Tuyết động viên tôi rất nhiều.

Chính Ánh Tuyết đã giới thiệu với người Hà Nội tiếng đàn của tôi. Chương trình Mùa xuân đầu tiên- lần đầu tiên tôi được ra Hà Nội là với Ánh Tuyết. Đó là kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi. Nhờ đó tôi biết nếu mình làm việc với tất cả sức lao động, lòng đam mê thì người đời không quên đâu.

Ông có thể chia sẻ hoàn cảnh của lần khủng hoảng tinh thần?

Lúc đó trên sân khấu toàn đàn oọc (organ). Tôi là nhạc công piano đâu có cửa. Thành ra nghề mình kể như vứt đi rồi. Thì thôi! Tôi quyết định âm thầm làm nhạc công một mình trong khách sạn kiếm sống qua ngày.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.