Cầu Bình Lợi đã có tuổi thọ trên 100 năm, vừa có độ tĩnh không thông thuyền quá thấp, vừa xuống cấp trầm trọng và bị sà lan đâm hàng chục lần. Ảnh: H.T. |
“Cụ” cầu 100 tuổi kêu cứu
Cầu đường sắt Bình Lợi dài 800m, được Pháp xây dựng từ năm 1902 nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức. Giữa cầu được thiết kế một nhịp quay (do hãng Lavelois Perret thi công), có thể quay dọc chiều sông để tàu lớn qua lại.
Không chỉ là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, Bình Lợi còn là cung cầu đường sắt duy nhất, mỗi ngày đón hàng chục đoàn tàu Bắc - Nam đi qua.
Trên 100 năm tuổi, cầu Bình Lợi hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu bằng thép bị thủng nhiều chỗ.
Ông Nguyễn Văn Chúc, quản lý phao luồng khu vực cầu Bình Lợi rùng mình: Vào giờ cao điểm (từ 6 – 8 giờ sáng; 4 – 7 giờ tối), xe máy chen chúc qua cầu. Nhiều người lao xe vào thẳng khu vực đường ray, bất chấp các đoàn tàu Bắc-Nam đang ầm ầm lao tới.
Ngoài ra, làn dành cho xe hai bánh chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe chạy ngược chiều nên nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ va chạm làm rơi rớt túi xách, tư trang, thậm chí là người xuống sông.
Đặc biệt, nhịp quay đã bị hỏng nên cây cầu cản trở tàu bè lưu thông trên sông Sài Gòn. Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy TPHCM, bình thường, độ tĩnh không thông thuyền của cầu là 1,8m.
Khi triều cường đạt đỉnh 1,50m, độ tĩnh không của cầu chỉ còn 1-1,2m nên thường xảy ra ùn tắc giao thông thủy do các tàu thuyền, xà lan buộc phải neo đậu cận hai bên cầu, chờ thủy triều xuống thấp mới lưu thông được.
Trong năm 2011 và 8 tháng đầu năm 2012, đã có trên 10 vụ sà lan mắc kẹt dưới gầm cầu, trong đó nguy hiểm nhất là vào ngày 15-4-2011, sà lan SG 4991 trọng tải 1.000 tấn do tài công Nguyễn Văn Hùng điều khiển chở đầy cát mắc kẹt, đội mặt cầu Bình Lợi lên cao gần 10cm.
“Sông Sài Gòn bị chẻ đôi bởi bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), sau đó quy tụ thành xoáy ngầm rất nguy hiểm ngay khu vực cầu Bình Lợi. Nhiều tài công thiếu kinh nghiệm, không am hiểu luồng lạch rất dễ bị mắc cạn. Dòng chảy cực mạnh xô đẩy khiến sà lan va đập vào chân cầu, thành cầu, khiến cây cầu rung lắc, có thể sập bất kỳ lúc nào” - ông Chúc cho biết.
Nguy hiểm không kém cầu Bình Lợi là cầu Kênh Thanh Đa – cây cầu độc nhất qua bán đảo Thanh Đa. Hàng ngày, tàu thuyền, sà lan qua lại nườm nượp.
Kênh Thanh Đa chảy xiết, trong khi độ tĩnh không của cầu chỉ 1 -1,5m, khoang thông thuyền hẹp khiến các phương tiện giao thông thủy dễ đâm vào cầu.
Trưa 6-9, tuy thủy triều chưa đạt đỉnh, tài công điều khiển chiếc ghe SG 1273 từ Bình Dương về TPHCM phải dùng thanh chèo chống mạnh lên gầm cầu để lọt qua.
Mới đây, cây cầu này bị một sà lan đâm vào, gây hư hại dầm. Nhiều cây cầu khác còn thấp đến mức chỉ cần một chiếc ghe lớn chui qua, mặt cầu có thể bị đội lên, như cầu Xây Dựng (quận 2), cầu Đồng Tròn…
Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, TPHCM hiện có khoảng 40 cây cầu, hầu hết trong số này được xây dựng hàng chục năm trước, không đạt độ tĩnh không quy định, như: cầu Bà Hom, Phước Long, Rạch Tra, Ông Dầu, Xây Dựng, cầu Đỏ, cầu Kiệu, Thị Nghè, Tư Dinh, Đa Khoa, Rạch Đĩa 1, Phước Lộc, Rạch Tôm...
Dậm chân tại chỗ
Đầu năm 2011, UBND TPHCM đã khởi công xây dựng cầu kênh Thanh Đa mới thay thế cầu cũ. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư), giai đoạn 1 sẽ xây dựng cầu Kênh Thanh Đa mới bên cạnh cầu cũ. Giai đoạn 2 sẽ đập bỏ cầu cũ xây dựng cầu mới. Tổng kinh phí đầu tư gần 435 tỷ đồng, hoàn thành sau 28 tháng thi công.
Ngoài ra, ba cây cầu Bình Lợi 1, 2, 3 đang thực hiện ngay khu vực cầu cũ, trong đó, cầu Bình Lợi 3 thay thế cho cây cầu đường sắt hiện nay.
Sở GTVT thừa nhận, tiến độ thực hiện các dự án trên chậm so với dự kiến. Trong khi chờ các cầu mới hoàn thành, các cụ cầu đối mặt với nguy cơ bị sà lan, tàu thuyền gây nguy hại.
Cầu Bình Lợi nằm trên địa bàn TPHCM nhưng lại do Cục Đường sắt Việt Nam quản lý, phần sông bên dưới cầu lại được quản lý bởi Cục Đường thủy nội địa (đều thuộc Bộ GTVT) nên UBND TPHCM không có quyền …chỉ đạo.
Để đảm bảo an toàn cho cầu Bình Lợi, UBND TPHCM đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo hai đơn vị trên triển khai các biện pháp điều tiết giao thông nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Đầu năm 2009, Phòng CSGT đường thủy đã có văn bản kiến nghị Ban An toàn giao thông TPHCM yêu cầu Công ty Đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý cung cầu đường sắt) thành lập đội cứu hộ cầu Bình Lợi nhưng vụ việc vẫn dẫm chân tại chỗ.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện quản lý đoạn đường thủy nội địa số 10 cho biết trước thời điểm triều cường, đơn vị quản lý đã thông báo rộng rãi để các chủ sà lan chấp hành quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa khi lưu thông qua khu vực cầu Bình Lợi.
Đơn vị đã bố trí 5 quả phao neo đậu phương tiện chờ nước để qua cầu Bình Lợi nhưng lượng phương tiện quá lớn nên việc neo đậu phương tiện rất tuỳ tiện, phương tiện dễ tuột neo, gây mất an toàn giao thông.
Trong khi đó, các biện pháp giải cứu cầu Bình Lợi, như: Nạo vét tăng độ sâu luồng lạch, chuyển hướng lưu thông, cấm một số phương tiện đi qua lại không khả thi.
Nhân viên quản lý cung đường sắt Bình Lợi cảnh báo: Nếu đường ray bị vênh, dù nhẹ hay bất cứ chi tiết nào trên cầu bị “trật khớp” thì sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của các chuyến tàu Bắc - Nam.