Lột da như rắn để làm trắng
Vài năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam tìm đến các cơ sở thẩm mỹ với mong muốn sở hữu làn da trắng, sáng. Ngoài những phương pháp chăm sóc thông thường, nhiều người còn sử dụng cách lột da như rắn để làm trắng.
Những sản phẩm phục vụ biện pháp này được bán rất nhiều trên mạng xã hội với lời quảng cáo “không độc hại, không bắt nắng, không trắng da sẽ hoàn tiền" kèm theo hình ảnh rất hấp dẫn. Đặc biệt, giá cả chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nên dịch vụ này nhanh chóng thu hút nhiều phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ.
Những hình ảnh quảng cáo tác dụng của kem lột trắng da nhan nhản trên mạng.
Tại các cơ sở thẩm mỹ, quy trình lột da làm trắng được tiến hành qua khá nhiều công đoạn như tẩy tế bào chết, quét lớp thuốc dày lên khắp toàn thân, sau đó dùng nilon hoặc áo mưa trùm kín người khách hàng. Hết thời gian ủ, khi lớp da trên cùng bong nhẹ hoặc phồng lên nhân viên thẩm mỹ sẽ tiến hành lột.
Tuy nhiên, theo nhiều quảng cáo trên mạng, các chị em còn có thể thay da ngay tại nhà. Chỉ cần sở hữu một hũ kem lột, thoa đều lên toàn thân, chờ kem khô rồi bóc là người dùng có ngay một làn da trắng mịn. Biện pháp này được một "hot girl tự phong" bán mỹ phẩm qua mạng đánh giá là vừa nhanh, vừa rẻ lại hiệu quả.
Hiểm họa khó lường: Từ dị ứng đến ung thư da
Trái ngược với những hình ảnh quảng cáo hấp dẫn này, nhiều người đã sử dụng kem lột trắng da đều khẳng định không có hiệu quả, thậm chí, một số trường hợp còn gặp phản ứng gây hậu quả nghiêm trọng.
PGS.TS Y học Nguyễn Duy Hưng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết: “Những loại kem lột làm trắng da không chỉ vô tác dụng mà còn rất nguy hiểm vì người dùng không biết được trong đó chứa những thành phần gì”.
Lớp biểu bì trên cùng có tác dụng bảo vệ làn da non phía dưới. Vì vậy, lột đi lớp biểu bì đó đồng nghĩa với việc tước đi lớp bảo vệ của làn da. Phần da non sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím, nắng gắt, tác động của ô nhiễm môi trường nên rất dễ bị tổn thương.
Tháng 8/2013, bệnh nhân N.T.V (21 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mẩn đỏ toàn thân kèm theo cảm giác khó chịu, đau đầu, buồn nôn. Nguyên nhân được xác định là sử dụng dịch vụ tắm trắng được giới thiệu trên mạng - Ảnh: ANTĐ.
Bác sĩ Hưng cũng chia sẻ trong một số loại kem lột làm trắng đã được kiểm tra và phát hiện có chứa nhiều hóa chất độc hại như như thủy ngân, hydroquinone, corticoid, acide salicylique…
Do đó, khi sử dụng những loại mỹ phẩm này, làn da rất dễ bị dị ứng, tổn thương và dẫn đến những triệu chứng như ngứa, bỏng rát, phồng rộp, nổi mẩn, tấy đỏ, nổi mụn mủ, da bong tróc từng mảng.
Nhiều loại kem lột trắng da còn chứa corticoid. Khi sử dụng loại mỹ phẩm làm đẹp có chứa chất này thường nhìn thấy kết quả rất nhanh. Tuy nhiên, corticoid sẽ gây ra các biến chứng như teo, rạn, dễ nhiễm trùng da, chậm liền vết thương, lão hóa nhanh.
Một cô gái người Singapore chia sẻ khuôn mặt sần sùi mụn bọc của mình sau khi lột da.
Bên cạnh đó các sản phẩm tẩy trắng da thường chứa thành phần acide nhẹ, nhờ đó da sẽ sáng nhanh hơn nhưng về lâu dài đây là nguyên nhân làm da bị sạm, tăng mụn trứng cá. Đặc biệt, nếu nồng độ hydroquinone trong các loại kem lột trắng da cao sẽ tăng nguy cơ ung thư cho người sử dụng.
Theo bác sĩ Hưng, nhiều trường hợp nhập viện do viêm, sạm hay nám da thậm chí biến chứng nặng và có các dấu hiệu như nổi mụn, bong da, nổi bọng nước đau rát khó chịu sau khi sử dụng các loại kem lột. Những loại bệnh này thường diễn biến phức tạp và phải điều trị rất lâu dài.
Với những bệnh nhân có biểu hiện bất thường sau khi sử dụng kem lột trắng da, bác sĩ Hưng khẳng định cần lập tức đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Nghiên cứu trên tạp chí y khoa BMJ do các nhà khoa học thuộc Học viện Nghiên cứu Phòng bệnh Quốc tế (Pháp) và Học viện Nghiên cứu Ung thư (Ý) phối hợp thực hiện cho biết: Những người đã tắm trắng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn 20% so với những người bình thường, và có khoảng 800 người chết/năm ở châu Âu do các bệnh về da có liên quan đến tắm trắng.
Hàng năm, khoảng 3.400 trong số 64.000 trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán có khối u ác tính trên da tại 18 nước châu Âu, có tiền sử đi tắm trắng.