Nguy cơ từ thuốc và vòng tránh thai
> Phù phép thuốc ngừa thai
> Đơn kiện thuốc ngừa thai thế hệ mới tại tăng vọt
Bộ Y tế Pháp mới xác nhận bốn ca tử vong và nhiều trường hợp gặp các bất thường về sức khỏe trong vòng 25 năm qua sau khi dùng thuốc tránh thai có tên Diane-35 (khá phổ biến ở VN) khiến nhiều chị em lo lắng.
Người dùng cần được tham vấn kỹ lưỡng trước khi chọn loại thuốc phù hợp. Ảnh: T.T.D. |
Tại Việt Nam, thuốc này không cần phải bán theo đơn, được sử dụng rộng rãi và mua bán tự do ở bất kỳ hiệu thuốc nào.
Người có khối u tuyệt đối không dùng
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, cho biết trong suốt quá trình làm việc của mình, ông chưa gặp trường hợp nào tử vong hay có biến chứng nặng nề liên quan đến Diane-35 hay loại thuốc tránh thai nào khác. Lý do là vì những biến chứng nặng do tác dụng phụ của thuốc như vón máu, đột quỵ, thuyên tắc tĩnh mạch... thường khó phát hiện liên quan đến thuốc và chỉ được phát hiện sau một thời gian dài sử dụng.
Những tác dụng phụ thường thấy hơn của thuốc tránh thai nói chung như căng tức ngực, đau đầu, xuất huyết dễ phát hiện hơn, thường xảy ra vào giai đoạn mới sử dụng thuốc hoặc đổi thuốc. Đa số những loại thuốc tránh thai hiện nay được cảnh báo cấm sử dụng đối với những người có tiền sử bản thân, gia đình bị các bệnh về huyết khối, khối u. Những người có bệnh tim mạch, béo phì, hút thuốc lá phải đặc biệt thận trọng.
TS Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản T.Ư, cho biết ngoài tác dụng tránh thai và hạn chế mụn trứng cá, hạn chế chứng rậm lông... ở phụ nữ, Diane-35 được nhiều người ưa chuộng vì ít gây hiện tượng tăng cân giống như thuốc tránh thai khác. Bản chất là thuốc tránh thai nên Diane-35 có tác dụng phụ tương tự các thuốc tránh thai khác. Những bệnh nhân u vú, u xơ tử cung tuyệt đối không được dùng thuốc tránh thai vì thành phần của thuốc khi vào cơ thể sẽ kích thích khối u phát triển.
Theo ông Tiến, chính việc sử dụng lâu dài thuốc tránh thai có thể khiến nhiều người không tuân thủ đúng lộ trình như quên uống thuốc, uống cách nhật hoặc bỏ dở giữa chừng uống loại thuốc khác..., từ đó dẫn đến kết quả điều trị không theo ý muốn. Nguy hại hơn, người dùng sẽ gặp những biến chứng không mong muốn (thường xảy ra khi bắt đầu uống thuốc và lúc đổi thuốc). “Mỗi loại thuốc ngừa thai thường chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng riêng nên cần đến bác sĩ để được thăm khám trước và được chỉ dẫn cụ thể thay vì dùng thuốc tùy tiện” - ông Tiến nói.
Dùng thuốc phù hợp
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, phó viện trưởng Viện sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, khuyến cáo: Mặc dù tại hiệu thuốc, các thuốc tránh thai được bán không cần đơn, nhưng chị em nên tuân thủ nguyên tắc trước khi sử dụng thuốc tránh thai lần đầu phải được bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn kỹ càng. Giống mọi loại thuốc nội tiết khác, thuốc tránh thai có tác dụng phụ là kích thích khối u phát triển, nếu bệnh nhân đã tiềm ẩn khối u hoặc ung thư thì thuốc sẽ làm tăng nặng tình trạng bệnh. Việc thăm khám trước khi dùng sẽ loại trừ bệnh nhân có khối u, ung thư, có chống chỉ định với thuốc tránh thai hay không, trong trường hợp phải điều trị lâu dài bệnh nhân cần phải thực hiện khám kiểm tra khoảng sáu tháng/lần. Ngoài ra, cần đọc kỹ cũng như tuân thủ đúng tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Bác sĩ Giang cũng cho hay nếu như đã tuân thủ đúng hướng dẫn vẫn xuất hiện các dấu hiệu bất thường như tiêu chảy, ói mửa, đau bụng, xuất huyết bất thường giữa chu kỳ..., bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể. Với thuốc tránh thai khẩn cấp, nguyên tắc quan trọng là không được dùng quá 2 liều/tháng vì tác dụng phụ nhiều hơn (chủ yếu là các hiện tượng ra máu bất thường, chậm kỳ kinh sau...). Đây là thuốc kê đơn nhưng hiện nay được sử dụng rất tràn lan, đặc biệt trong giới trẻ. Bác sĩ Giang cho rằng dù chưa chứng minh được mối liên quan giữa việc tránh thai không đúng phương pháp với tình hình gia tăng bệnh vô sinh, nhưng các bạn trẻ cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi quyết định sử dụng thuốc.
Gần đây, nhiều thông tin cảnh báo cẩn trọng khi sử dụng thuốc tránh thai, chị em tránh thai bằng biện pháp đặt vòng cũng hết sức cảnh giác, do trong quá trình co bóp tử cung, vòng tránh thai có thể xuyên qua thành tử cung để vào ổ bụng hoặc bàng quang. Vì vậy khi đã có vật thể lạ trong cơ thể (như vòng tránh thai), chị em nên định kỳ khám 6 tháng/lần hoặc đi khám trong các trường hợp đau bụng, ra máu bất thường.
Theo bác sĩ Hợi, vòng tránh thai hiện nay có các hình dạng như chữ T, vòng số 8 có cấu tạo bằng nhựa hoặc kim loại. Tùy vào chủng loại, mỗi vòng tránh thai có thời hạn sử dụng 5-10 năm. Tuy nhiên có nhiều trường hợp bỏ quên vòng tránh thai trong cơ thể trên 20-30 năm gây biến chứng nguy hiểm.
Những tổn thương thường thấy như nhiễm trùng, hoại tử ở các cơ quan bị vòng tránh thai bám vào, nếu không được chữa trị rất có thể dẫn đến tử vong.
Báo động thuốc ngừa thai Diane-35 Cơ quan An toàn dược phẩm Pháp (ANSM) đang lên tiếng báo động về hơn 400 trường hợp tử vong ở Pháp có thể liên quan đến thuốc ngừa thai Diane-35 của Hãng dược Bayer (Đức). Theo báo Le Point, mới đây nhất có bốn ca tử vong bị nghi ngờ do thuốc Diane-35 gây ra. ANSM khẳng định con số nạn nhân thiệt mạng trong những năm qua có thể gấp 50 hoặc 100 lần. Diane-35 được chỉ định điều trị mụn trứng cá nhưng cũng được sử dụng rộng rãi như thuốc ngừa thai từ 30 năm qua. Theo báo Le Figaro, các chuyên gia y tế cho biết thuốc Diane-35 gây tình trạng máu vón cục hay đột quỵ dẫn đến nghẽn mạch phổi, tai biến mạch máu não. Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất vào ba năm trở lại đây. Phần lớn nạn nhân là những phụ nữ còn rất trẻ, 30% trong số họ có hút thuốc. Trong khi đó, năm 2002 Ủy ban An toàn dược phẩm Anh cảnh báo tác hại của Diane-35 và khuyến cáo chỉ sử dụng cho những trường hợp bị mụn nặng với thời gian điều trị ngắn hạn 3-4 tháng. Giám đốc ANSM Dominique Maraninchi tuyên bố “cần ngưng ngay việc sử dụng Diane-35 như thuốc ngừa thai”. Tuy nhiên, Diane-35 vẫn chưa bị cấm lưu hành trên thị trường vì tính năng ban đầu của nó là trị mụn trứng cá và không vi phạm luật lưu hành Bayer đã đăng ký. |
Theo Tuổi Trẻ