Nguy cơ tái phát dịch
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 45 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 34.000 con. Trong đó, có 25 xã có ổ dịch phát sinh mới, 228 xã tái phát dịch và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. Hiện nay, cả nước có 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày.
Trên cơ sở đó, Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Tại Hà Nội, từ khi bùng phát (tháng 2/2019) đến tháng 2/2020, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 33.006 hộ chăn nuôi của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.878 con. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến tháng 2/2020, Hà Nội đã khống chế cơ bản dịch tả lợn châu Phi nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rất lớn.
Hiện nay, giá lợn tăng cao, nhiều hộ đang tái đàn trở lại. Tuy nhiên, vừa qua, Thanh tra thành phố Hà Nội thông báo kết quả rà soát toàn bộ quy trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi khi tái đàn ở các quận, huyện trực thuộc bộc lộ những bất cập, có dấu hiệu thiếu minh bạch. Ngoài công tác thông tin tuyên truyền chưa thường xuyên, đăng ký kê khai ban đầu của các hộ chăn nuôi, vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa đầy đủ, còn những bất cập trong việc tái đàn.
Theo quy định, khi hết dịch, người chăn nuôi khi tái đàn, lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ các cơ sở an toàn dịch bệnh, hoặc được giám sát bệnh định kỳ. Lợn vận chuyển từ các nơi khác đến phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, phải có xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Khi nhập lợn về người dân phải nhốt riêng đàn để theo dõi và phải báo chính quyền, thú y địa phương để được cho phép.
Tuy nhiên, theo báo cáo cuối tháng 4/2020 của Thanh tra thành phố Hà Nội, qua kiểm tra đột xuất tại 20 xã, phường trên địa bàn thành phố, kết quả cho thấy việc tái đàn có những bất thường, biểu hiện gian dối. Để làm việc này, Đoàn Thanh tra đã tiến hành thu thập thông tin xác suất trực tiếp tại 29 hộ chăn nuôi (của 15/20 xã, phường) có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi.
Theo hồ sơ, các hộ này đã bị tiêu hủy hết lợn mắc bệnh, nhưng khi kiểm tra hiện trạng thấy trong chuồng nuôi lợn của 28 hộ (1 hộ đã bán trước khi đoàn thanh tra đến) vẫn có lợn. Theo báo cáo của UBND các xã và các hộ trình bày, lý do của việc có lợn trong chuồng là các hộ tự tái đàn, nhưng không báo cáo chính quyền địa phương và chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn trong giai đoạn có lợn bị bệnh.
Không kiểm soát được nguồn gốc khi tái đàn
Về nguồn gốc số lợn tái đàn, theo trình bày của các hộ chăn nuôi là mua của người nhà, người cùng thôn, xóm hoặc mua từ các xã khác cũng đang có dịch. Có hộ nhờ người mua, có hộ không nhớ tên, địa chỉ người mua mà chỉ có số điện thoại.
Tiến hành xác minh về nguồn gốc lợn của 9/29 hộ ở trên (5 hộ ở quận Bắc Từ Liêm, 4 hộ ở huyện Ứng Hòa) tại một số địa chỉ (do các hộ cung cấp là nơi bán lợn để tái đàn) đều được khẳng định là không có việc bán hoặc giới thiệu người khác bán lợn cho các hộ trên.
Cụ thể, hộ ông Phan Minh Hảo (ở phường Thượng Cát, Bắc Từ Liêm) trình bày, gia đình có mua 20 con lợn của ông Hạt ở thôn Hạ (xã Liên Trung, Đan Phượng). Nhưng khi xác minh, theo báo cáo của UBND xã Liên Trung, tại thôn Hạ có ông Hạt nhưng đã mất từ năm 2018, vợ và các con ông Hạt đang sản xuất đồ gỗ, bán tạp hóa chưa bao giờ nuôi lợn và cũng không biết ông Hảo. Đối với 3 hộ khác tại phường Thượng Cát và Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) trình bày, số lợn tái đàn được họ mua của các hộ dân ở khu Dốc Chợ và thôn Chu Phan (xã Trung Châu, Đan Phượng). Xác minh tại các địa chỉ này, Đoàn Thanh tra được người dân nơi đây khẳng định là không quen biết, không bán lợn hoặc giới thiệu người khác bán lợn cho các hộ nói trên.
Đối với 4 hộ dân ở xã Vạn Thái (Ứng Hòa) trình bày, họ tự tái đàn và mua lợn của Cty Dabaco và Cty JAFA. Trong đó, hộ ông Trần Văn Bánh ở thôn Nội Xá (mua 1 con lợn đực và 12 con lợn nái hậu bị, 40 con lợn thương phẩm), ông Nguyễn Văn Đạt ở thôn Thái Bình (mua 12 con lợn nái hậu bị và 40 con lợn thương phẩm), bà Nguyễn Thị Hội ở thôn Thái Bình (mua 40 con lợn thương phẩm) của Cty Dabaco.
Ông Vũ Ngọc Tuấn (thôn Thái Bình) mua 10 con lợn nái hậu bị của Cty Dabaco và 50 lợn thương phẩm của Cty JAFA. Đoàn Thanh tra làm việc với Cty CP Tập đoàn Dabaco, tiến hành rà soát các Cty trực thuộc, thì các đơn vị này xác nhận không có khách hàng là 3 hộ (ông Đạt, ông Tuấn, bà Hội) và công ty cũng không bán lợn thương phẩm cho các hộ này. Riêng hộ ông Trần Văn Bánh, Cty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco (thuộc Tập đoàn Dabaco) xác nhận chỉ bán 1 con lợn đực giống chứ không phải bán cả 12 con lợn nái theo trình bày của hộ này.
Trên cơ sở đó, Thanh tra thành phố yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Ứng Hòa kiểm tra, rà soát, làm rõ việc tái đàn với 9 trường hợp trên. Nếu có dấu hiệu khai khống lợn bị tiêu hủy thì chuyển cơ quan công an để điều tra, xem xét xử lý.
Trong khi có những hộ có những biểu hiện thiếu minh bạch khi tái đàn lợn, thì có những hộ dân chưa thể tái đàn vì kinh tế khó khăn. Về việc này, ngày 8/6/2020, Tiền Phong nêu trường hợp ông Lương Quốc Việt (xã Đốc Tín, Mỹ Đức) phản ánh gia đình ông và 6 hộ dân khác chưa thể tái đàn vì chưa nhận đủ tiền hỗ trợ lợn bị dịch tả châu Phi.
Ông Việt cho rằng, chính quyền địa phương chưa áp dụng đúng chính sách hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn gia đình ông có lợn bị dịch bệnh (26/4/2019). Từ đó đến nay, ông Việt nhiều lần có đơn đề nghị xã và huyện sớm xem xét đề nghị của ông và có các chính sách hỗ trợ cho ông vay vốn ưu đãi để tiếp tục chăn nuôi.
Ngày 22/4/2020, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Chánh thanh tra thành phố xác minh. Tuy nhiên, theo trình bày của ông Việt, đến nay ông chưa nhận được kết quả giải quyết về sự việc trên.