Nguy cơ mất thương hiệu cà phê Đức Lập

Nhà máy cạn vốn đóng cửa Ảnh: L.K
Nhà máy cạn vốn đóng cửa Ảnh: L.K
TP - Vì đói vốn, một thương hiệu cà phê nổi tiếng tỉnh Đắk Nông dù đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cả trong lẫn ngoài nước vẫn có nguy cơ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Vì sao Việt Nam mất hai thương hiệu cà phê nổi tiếng?

Năm 2001, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh An (viết tắt là HTX) xã Đức Minh, huyện Đắk Mil được thành lập với 49 xã viên tham gia, vốn điều lệ 9 tỷ đồng.

Năm 2004, HTX xây dựng nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu có công suất 3.000 tấn/năm và đầu tư máy chế biến cà phê bột công suất 500 tấn/năm với tổng kinh phí 6 tỷ đồng.

HTX còn chi 3 tỷ đồng để xây dựng, bảo vệ thương hiệu cà phê trong nước và 2 thị trường lớn ở nước ngoài là Mỹ, Trung Quốc.

Đến nay, thương hiệu Caffee Đức Lập Đak Mil và nhãn hiệu Coffee Đức Lập M Đakmil đã được khách hàng nhiều nước trên thế giới biết đến, gửi thư ngỏ đề nghị hợp tác.

Từ năm 2008, HTX được tổ chức Sáng tạo Thương mại Quốc tế tặng cúp vàng Paris, cúp bạch kim New York, cúp vàng Sản phẩm Việt hợp chuẩn WTO, nhiều năm liền lọt vào tốp 100 doanh nghiệp hội nhập và phát triển.

Năm 2009, giá cà phê biến động, từ mua vào 25-26 nghìn đồng/kg cà phê đến lúc bán ra còn khoảng 24 nghìn đồng/kg, dẫn đến HTX kinh doanh thua lỗ. Đầu năm 2010, HTX bắt đầu rơi vào khủng hoảng nợ và trượt dài vì cạn vốn.

Trả xong nợ Ngân hàng Ngoại thương Đắk Lắk hơn 13 tỷ thì không được vay vốn tái đầu tư. Tính đến tháng 10-2010, HTX nợ tiền, cà phê của người dân lên đến hơn 9,5 tỷ đồng.

“Việc đầu tư thiếu vốn lưu thông và giá cả thị trường biến động kèm với lãi suất cao khiến chúng tôi thua lỗ, nợ kéo dài. Mặt khác, nội bộ HTX có trục trặc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban quản trị HTX nói.

HTX còn nợ thuế 500 triệu đồng, nợ Ngân hàng NN&PTNT huyện Đắk Mil 1,5 tỷ đồng, nợ Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk 1,8 tỷ đồng tiền gốc, nợ của dân khoảng 1,5 tỷ đồng.

Cty Trung Quốc trả 18 tỷ đồng cho 1 thương hiệu

Ông Toàn nói: “Đã có một công ty phía Trung Quốc đề nghị HTX bán thương hiệu Caffee Minh An Đức Lập giá 18 tỷ đồng nhưng tôi chưa bán.

Nếu được hỗ trợ vay vốn thì tôi sẽ chuyển giao một phần nhãn hiệu chữ Đức Lập để tỉnh xây dựng nhãn hiệu tập thể và địa phương không phải trả thêm chi phí nào khác.

Nếu HTX tiếp tục gặp trở ngại trong việc tiếp cận vốn thì HTX phải chuyển nhượng nhãn hiệu và thanh lý tài sản để thu hồi vốn tái đầu tư”.

Ngày 23-3, Sở NN&PTNT Đắk Lắk có công văn trả lời, việc vay vốn và chuyển nhượng thương hiệu không thuộc thẩm quyền của Sở.

Theo đó, đề nghị HTX không được chuyển nhãn hiệu cho các đơn vị nước ngoài để tránh lũng đoạn thị trường cà phê trong nước và chuyển giao chữ Đức Lập cho địa phương.

Kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông có ý kiến chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho HTX được trả lãi trong hạn, giảm lãi quá hạn của nợ vay và được vay thêm tiền mới để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kiến nghị UBND huyện Đắk Mil không thừa nhận việc bán, chuyển nhượng nhãn hiệu cà phê cho nước ngoài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG