Nguy cơ bùng phát dịch do virus Adeno

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy viêm phổi do virus Adeno có thể trở thành dịch và những dịch này thông thường hay tăng lên sau các đợt dịch sởi, cúm”, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết: "hầu hết bệnh nhân nhiễm Adeno vào Trung tâm đều có viêm phổi, khó thở hoặc suy hô hấp. "Hiện Trung tâm đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm phổi do Adeno, trong đó khoảng 15 bệnh nhân thở ôxy nhưng không có bệnh nhân nào nặng", PGS.TS Hồng Hanh nói.

Đa số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh trong vòng 10 ngày đến 2 tuần. Bệnh nhân tử vong rất ít xảy ra và xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như mắc bệnh nền, suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mãn tính…

“Nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy viêm phổi do virus Adeno có thể trở thành dịch và những dịch này thông thường hay tăng lên sau các đợt dịch sởi, cúm”, bác sĩ Hanh nói, đồng thời nhấn mạnh với cơ địa khỏe mạnh, người mắc virus Adeno có thể tự khỏi nhưng với bệnh nhân bệnh nền, sức đề kháng kém dễ suy hô hấp, nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị sớm, người bệnh có thể tử vong. Đánh giá về virus đang khiến nhiều phụ huynh lo ngại, PGS.TS Hanh chia sẻ: "Viêm phổi hay viêm đường hô hấp do virus Adeno là bệnh cấp tính, diễn biến kéo dài và có thể để lại hậu quả nặng nề".

PGS.TS Hanh cũng khẳng định chưa có nghiên cứu giữa tương quan nhiễm COVID-19 và viêm phổi do Adeno bởi vì trước khi có dịch COVID-19 xảy ra, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận các ca mắc Adeno đến khám và điều trị.

Để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do Adeno nói riêng, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống được việc nhiễm virus đường hô hấp cũng như các virus khác.

"Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo phụ huynh cũng như trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cũng cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin để phòng các bệnh lý hô hấp khác", PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nói.

Cùng đó, người chăm sóc cần tránh để trẻ tiếp xúc trẻ nguồn lây bệnh. Khi trẻ sốt nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc mệt, ho, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám kịp thời.

Khi bệnh nhân mắc virus Adeno nhập viện sẽ được cách ly, bệnh nhân sốt cao sẽ được dùng hạ sốt kịp thời, phải chống suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh khi có viêm nhiễm phổi nặng.

"Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo dùng thuốc kháng virus cho đồng loạt trẻ nhiễm virus Adeno và vắc xin bệnh này cũng đang được nghiên cứu vì vậy việc phòng bệnh là chủ yếu", PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nhấn mạnh.

TS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Adenovirus là tác nhân virus thường gây nên tình trạng viêm ở hệ thống hô hấp với biểu hiện từ trung bình đến nặng. Cũng có một tỷ lệ rất ít Adenovirus gây bệnh ở đường tiêu hóa, gây viêm bàng quang hay viêm màng não. Bệnh thường gặp quanh năm và ở mọi lứa tuổi.

Từ tháng 8 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 12/9, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại Bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm Adenovirus. Chỉ tính riêng trong tuần từ 5/9-11/9, Bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.

“Như vậy việc cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ trở lại và bùng phát sau đại dịch COVID-19 đang dần trở thành sự thật. Cúm, Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp bùng phát trong những tháng hè và bây giờ là Adenovirus”, TS. Ngãi nói.

Chuyên gia dịch tễ này cho biết thêm số ca nhiễm Adenovirus gia tăng, phản ảnh thực trạng mầm bệnh virus Adeno đang tồn tại nhiều trong cộng đồng. Thêm vào đó virus này có thể tồn tại trên các bề mặt nhiều ngày; khả năng lây lan của virus cũng khá dễ dàng qua giọt bắn và qua tiếp xúc, cơ hội để tạo ra đường lây đang rất phổ biến như nơi tập trung đông người, các sinh hoạt tập thể trong không gian kín, bí, lơ là vệ sinh tay, ít quan tâm đến vệ sinh bề mặt…

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.