Ngày 23/4, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 làm việc với lãnh đạo TPHCM và 10 tỉnh giáp biên giới Campuchia (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang).
1 tháng, hơn 100 người nhập cảnh chui
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, TPHCM đã trải qua 69 ngày không có trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng. TPHCM sẽ tiếp tục duy trì mức cảnh giác cao với dịch bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên hành khách tại sân bay, nhà ga, bến xe liên tỉnh và kiểm soát các nhóm nguy cơ trong cộng đồng…
Trước tình hình xuất hiện các biến thể mới với chu kì lây nhiễm ngắn hơn, TPHCM kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét việc xét nghiệm COVID-19 trước 3 ngày thay vì 5 ngày đối với các chuyên gia nước ngoài.
“Thành phố đề xuất xử lý nghiêm, tăng mức chế tài, xử phạt những trường hợp nhập cảnh trái phép. Là trung tâm kinh tế, nơi giao thương và dân số đông, thành phố kiến nghị Bộ Y tế tăng cường tiêm vắc-xin phòng dịch số lượng cao đối với TPHCM”, ông Bỉnh nói.
Nhiều yếu tố khiến dịch có thể xâm nhập
Bộ Y tế cho biết, sáng 23/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19, công tác cách ly, giám sát y tế tại khu cách ly tập trung và tiêm vắc-xin tại tỉnh Bạc Liêu. Các thành viên đoàn kiểm tra chỉ ra những yếu tố khiến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại Bạc Liêu luôn hiện hữu. Cụ thể, bờ biển dài, tiếp giáp biển Đông, lân cận các ngư trường khai thác của các quốc gia trong khu vực; địa bàn có đông người Khmer sinh sống với mối quan hệ mật thiết với người thân tại Campuchia.
Làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, GS.TS Trần Văn Thuấn đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn khi tỉnh luôn chủ động thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát sức khỏe người dân tại cộng đồng. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, hướng dẫn xử lý khi xuất hiện ca nghi nhiễm, ca dương tính COVID-19 hoặc xuất hiện các tình huống dịch bệnh nguy hiểm khác. Ông nói: “Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 lên một mức độ cao hơn bởi nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh luôn hiện hữu. Đối với vấn đề an ninh y tế phục vụ công tác bầu cử, tỉnh cần bám sát theo các quy định, hướng dẫn đã được ban hành, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với những tình huống, đặc điểm của địa phương”.
Hà Minh
Đề cập tình trạng nhập cảnh trái phép, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đã siết chặt việc kiểm soát người nhập cảnh, vận động người dân tích cực tố giác người nhập cảnh trái phép ở khu vực đang sinh sống. Một tháng qua, TPHCM phát hiện 108 trường hợp nhập cảnh trái phép. “TPHCM đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có đường biên giới tăng cường các chốt kiểm soát. Sắp tới, TPHCM sẽ có văn bản đề nghị tỉnh, thành có đường biên giới thực hiện các biện pháp phối hợp để kiểm soát người nhập cảnh. TPHCM là địa phương có độ giao dịch cao, độ mở lớn, cần phải tăng cường quản lý, kiểm soát. Đối với những trường hợp nhập cảnh trái phép, cần phải có biện pháp chế tài mạnh hơn và nếu cần thiết, phải xử lý hình sự”, ông Phong nói.
Tạo điều kiện nhập cảnh
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đã kiểm soát dịch thành công trong một thời gian dài nên một bộ phận không nhỏ người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch. Nhiều người không chấp hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. “Hai đợt dịch trước đây tại Hải Dương và Đà Nẵng, chỉ cần một sự kiện không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch hoặc xuất hiện tâm lý chủ quan thì gây hậu quả rất lớn”, ông Đam nói. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cùng các ngày lễ lớn đang đến gần, nguy cơ dịch bệnh bùng phát có thể xảy ra, ông cảnh báo.
Về kiểm soát người nhập cảnh trái phép, ông Đam đồng tình với đề xuất của Chủ tịch UBND TPHCM về việc thắt chặt kiểm soát ở khu vực biên giới, đồng thời xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép và cố tình không khai báo. “Không thể vì một vài cá nhân không có ý thức chấp hành quy định pháp luật mà gây họa cho cả nước”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, một số nước lân cận có sự gia tăng mạnh về số ca mắc COVID-19. So với số lượng thực tế, lượng người nhập cảnh trái phép được phát hiện còn hạn chế và khó khăn nhất hiện nay là kiểm soát bên trong lãnh thổ. Số người vượt biên trái phép qua đường mòn, lối mở rất khó kiểm soát và chỉ cần bỏ lọt một trường hợp mắc COVID-19 sẽ để lại hậu quả khôn lường, nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Đam lưu ý lãnh đạo các địa phương có biên giới giáp Campuchia cần siết chặt các quy định về phòng, chống dịch trên từng địa bàn, trong đó quan trọng nhất là ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép bằng đường bộ và đường biển. “Trước tình hình dịch bệnh ở nước bạn đang phức tạp, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích người dân ở lại, hạn chế di chuyển và tuân thủ các quy định phòng chống dịch của nước sở tại. Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu về nước, cần khai báo với cơ quan chức năng để thực hiện tốt nhất việc tổ chức tiếp nhận, cách ly và có biện pháp hỗ trợ cần thiết. Các địa phương cần tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ người Việt trở về từ nước ngoài được cách ly, xét nghiệm miễn phí, không để người dân vì điều kiện khó khăn mà phải nhập cảnh trái phép”, ông Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh vận động, khuyến khích người nhà chủ động khai báo và xem đó là tình tiết giảm nhẹ đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Ông Đam yêu cầu các tỉnh, thành kêu gọi người dân về nước bằng tàu cá đã xuất bến và không thể quay về Campuchia hãy khai báo với cơ quan chức năng. Đồng thời, các địa phương phải có phương án đón tiếp, thực hiện biện pháp cách ly theo quy định.