Nguồn cung thịt đủ đến sau Tết

Không nên cứ thấy đắt thì nuôi, rẻ thì bỏ. Ảnh: Đại Dương
Không nên cứ thấy đắt thì nuôi, rẻ thì bỏ. Ảnh: Đại Dương
TP - Sẽ có đủ thịt cho tiêu dùng từ nay đến hết năm, kể cả sau Tết; việc nhập khẩu thịt chỉ tác động tâm lý là chủ yếu, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định.

> Lương tăng, giá vẫn ổn định

Không nên cứ thấy đắt thì nuôi, rẻ thì bỏ. Ảnh: Đại Dương
Không nên cứ thấy đắt thì nuôi, rẻ thì bỏ. Ảnh: Đại Dương.
 

Ông đánh giá thế nào về nguồn cung thịt trong nước từ nay đến cuối năm?

Tôi thấy lạc quan. Nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, thiên nhiên không có những biến động bất thường và với tình hình sản xuất, chăn nuôi như hiện nay thì vẫn đảm bảo được thịt cung cấp cho thị trường từ nay đến cuối năm, đặc biệt sau Tết.

Nhưng tại sao thịt nhập khẩu vẫn nhiều và tăng, thưa ông?

Hằng năm, chúng ta vẫn có một lượng thịt nhập khẩu, nhiều thì 3-5%, ít thì 2% tổng nhu cầu tiêu dùng. Thịt nhập khẩu gồm có hai nhóm, một là thịt bò cao cấp (Nhật Bản, Úc, Mỹ) phục vụ nhà hàng, siêu thị lớn; hai là sản phẩm cổ, cánh gà, đùi gà… phục vụ tiêu dùng đặc biệt, đó là chúng ta thích ăn chân, cổ, cánh nướng.

"Sản xuất chăn nuôi năm 2011 vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, cụ thể: đàn gia cầm tăng khoảng 6% đầu con, trên 16,8% sản lượng thịt và khoảng 19% sản lượng trứng; đàn lợn giảm 3,7% đầu con nhưng sản lượng thịt tăng gần 3%; sản lượng thịt bò tăng 4,9%, thịt trâu tăng 4,3%; sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng trên 9,5% so với cùng kỳ năm 2010" - Ông Nguyễn Xuân Dương.

Những thứ này ở các nước châu Âu được xem là phụ phẩm nên rất rẻ, nhưng chúng ta lại coi là đặc sản. Thế nên, hằng năm lượng thịt gà nhập khẩu vẫn tương đối lớn, chiếm khoảng 12-15% tổng sản lượng thịt gia cầm sản xuất trong nước.

Năm thiếu thịt như năm nay thì nhập cao hơn. Tuy nhiên, mức nhập hiện nay là 85.000 tấn và trong 3 tháng nữa lên hơn 100 nghìn tấn. Nếu so với nhu tổng cầu 4 triệu tấn thì tôi cho mức nhập khẩu không phải là nhiều, nhưng cái chính là thịt nhập khẩu đã tác động tâm lý thị trường, nhất là người chăn nuôi. Nên điều tiết, quản lý thị trường và đặc biệt làm sao thông tin minh bạch cho người tiêu dùng và người kinh doanh thực phẩm. Nếu họ nhìn thấy vấn đề này thì tác động tâm lý sẽ không nhiều.

Người chăn nuôi vốn rất lo ngại dịch bệnh, giá đầu vào tăng và vấn đề môi trường… Giờ lại luôn luôn nghĩ rằng thịt nhập khẩu sẽ làm cho thị trường dư thừa, ảnh hưởng giá cả và việc chăn nuôi. Tức là từ tác động tâm lý dẫn đến tác động thật.

Nếu không khuyến cáo chuyện này, người ta có thể bị tác động ảo, chứ không phải vì số lượng nhập khẩu. Việc nhập khẩu thịt có tác động chăn nuôi gia cầm, nhưng chỉ một chút thôi. Nếu chúng ta duy trì sản xuất trong nước ổn định, duy trì được thị phần lớn thì thịt nhập tác động không lớn tới sản xuất.

Nửa năm qua, nhất là những tháng giữa năm, giá thịt tăng cao vì sao?

Có 3 nguyên nhân chính làm cho giá biến động và tăng cao hơn trong thời điểm vừa rồi. Một là cung-cầu, cầu vượt cung chút ít vì chăn nuôi nhỏ lẻ giảm, chăn nuôi trang trại tăng nhưng không đủ nhanh, đủ mạnh để bù. Các tỉnh phía Bắc có hút một lượng thịt tương đối để xuất khẩu nên cũng khiến thị trường thiếu hụt.

Hai là nông sản thực phẩm trong nước đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn.

Thứ ba là việc quản lý và điều tiết thị trường có nhiều bất cập, chúng ta chưa gắn chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm ra thị trường thành một chuỗi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi .
 

Hiện tại giá đầu vào vẫn tăng, nhưng giá thịt lại giảm, ông giải thích thế nào?

Khi giá tăng cao (trước đây), nhiều người nhảy vào tái chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nông hộ. Số nông hộ chăn nuôi của ta rất lớn, từ 7 đến 8 triệu hộ. Khi một phần trong số này quay lại chăn nuôi sẽ tạo ra sản lượng thịt lớn. Trong khi đó, các trang trại cũng phát triển nên sản xuất tăng lên.

Thêm nữa, vừa rồi một số nơi có dịch, lụt lội nên người chăn nuôi bán chạy gia súc, gia cầm; những tháng hè đánh bắt thủy sản cũng nhiều hơn. Tâm lý thịt nhập khẩu cũng làm cho giá xuống nhanh giữa tháng 9 so với tháng 6. Tóm lại, nhiều nguồn thực phẩm được đưa ra thị trường nên giá
tụt xuống.

Theo ông, làm thế nào để hạn chế tình trạng giá sản phẩm chăn nuôi liên tục trồi sụt?

Tôi cho rằng nên khuyến khích bà con chăn nuôi chuyên nghiệp, không phải cứ thấy đắt thì nuôi, rẻ thì bỏ. Chăn nuôi phải được xem và phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa. Chúng ta phải luôn luôn duy trì sản xuất ở mức nhất định, khi thị trường tốt thì tăng lên và khi không tốt thì giảm chút ít. Chứ nếu bỏ hẳn, khi giá cao lại ào ạt nuôi, lúc bấy giờ giá lại thấp xuống thì đương nhiên thua lỗ và người chăn nuôi nhỏ bé luôn thua thiệt.

Đại Dương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh.
Nữ Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil: Nợ xấu trên 6.000 tỷ đồng chỉ là một phần nhỏ
TPO - Bà chủ Xuyên Việt Oil thừa nhận những hành vi như cáo trạng truy tố, đồng thời cho biết việc mất cân đối số tiền 6.000 tỷ đồng chỉ là một phần nhỏ; Công ty Xuyên Việt Oil đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực và cả bất động sản từ nguồn hoạt động kinh doanh xăng dầu và vay các ngân hàng nên dẫn tới nợ xấu. 
Những cổ phiếu sáng nhất hôm nay
Những cổ phiếu sáng nhất hôm nay
TPO - Tâm điểm trong phiên sáng nay (20/11) là “sóng” bất động sản. Phiên chiều, VN-Index bật tăng mạnh hơn 10 điểm nhờ lực cầu gia tăng ở nhóm bất động sản và ngân hàng với những cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, BID và VCB.