Nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội tăng mạnh

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội tăng mạnh
Quý III có hai dự án bán lẻ đóng cửa, trong đó có một trung tâm thương mại ở quận Đống Đa và một cửa hàng điện máy thuộc quận Ba Đình.
Cửa hàng thời trang phải đóng cửa vì ế ẩm
Cửa hàng thời trang phải đóng cửa vì ế ẩm. Ảnh: Anh Quân (VnExpress0

Theo báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản quý III, tổng nguồn cung của thị trường bán lẻ tăng 18% so với quý trước và 25% so với cùng kỳ. Có hai dự án bán lẻ đóng cửa, trong đó có một trung tâm thương mại ở quận Đống Đa và một cửa hàng điện máy thuộc quận Ba Đình.

Công suất trung bình của toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm quý thứ 7, còn 85%. Giá thuê trung bình cũng diễn biến cùng chiều. Hiện tượng này được Savills lý giải là việc khai trương một trung tâm thương mại lớn ở quận Thanh Xuân với giá thuê rẻ hơn và các chính sách tiền thuê linh hoạt khiến một số nơi khác phải giảm giá thuê, kể cả trong khu vực nội thành. Dự án mới đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khá lớn (hiện khoảng 80%) khiến diện tích cho thuê thêm ở phân khúc này trong quý III tăng 108.000m2, sau khi bị âm vào quý trước.

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, quý III có tổng cộng 519 cửa hàng mở mới. Trong đó 220 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại. Nghiên cứu của đơn vị này cũng cho thấy, có 33% số cửa hàng mới mở thuộc ngành ẩm thực, 31% là siêu thị. Trong khi đó, 36% số các cửa hàng đóng cửa là kinh doanh lĩnh vực thời trang.

Về nguồn cung tương lai, Savills cho biết Hà Nội sẽ cung cấp khoảng 2 triệu m2 bán lẻ, tương đương với 220% tổng cung hiện tại. Trong đó, các quận nội thành sẽ có khoảng một triệu m2. Tuy nhiên, riêng khu vực trung tâm chỉ chiếm 1% trong 1% tổng cung tương lai.

Do đó, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng, các trung tâm ở khu vực này sẽ chịu ít áp lực cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, nhận định chung về toàn thị trường, bà Hằng cho biết, gần đây nhiều chủ trung tâm thương mại phải tính toán để đưa ra những phương pháp linh hoạt nhằm hút khách.

"Khách có thể trả giá thuê cố định hoặc theo doanh thu, tất nhiên, vẫn có mức giá sàn nhằm chia sẻ rủi ro với khách. Nếu như năm 2008 gần như không có hình thức này thì đến nay xu hướng này ngày càng được nhiều đơn vị sử dụng", bà Hằng cho hay.

Nhận định về nguồn cầu đối với mặt bằng bán lẻ, Savills cho rằng thị trường này đang thu hút nhà đầu tư ngoại, đặc biệt đối với hạng mục siêu thị điện máy. Cụ thể, một nhà đầu tư Nhật đã mua 10% cổ phần, tương đương với khoản đầu tư 3 triệu USD và một quỹ quốc tế cũng đã đầu tư 4,2 triệu USD cho 18,5% cổ phần của một công ty cung cấp điện máy lớn trong nước.

CBRE cũng nhận định, quý III, thị trường bán lẻ Việt Nam có những dấu hiệu tích cực về việc mở rộng kinh doanh của các thương hiệu bán lẻ quốc tế. Auchan của Pháp - một trong những chuỗi đại siêu thị lớn nhất thế giới đang cân nhắc đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Trong tháng 7, tập đoàn thức ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald chính thức tuyên bố lựa chọn được đối tác nhượng quyền thương mại để phát triển thương hiệu này tại Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này dự kiến sẽ mở cửa vào đầu năm 2014.

Bên cạnh đó, nhà bán lẻ trong nước là Sài Gòn Co.op chuẩn bị khai trương siêu thị thứ hai tại Hà Nội với tổng diện tích khoảng 10.000 m2. "Động thái này cho thấy niềm tin của các thương hiệu bán lẻ đối với thị trường Việt Nam. Do đó, nguồn cầu đối với mặt bằng bán lẻ vẫn khá lớn trong thời gian tới", lãnh đạo CBRE nhận định.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG