Người vẽ Bác bằng ánh sáng niềm tin

Họa sĩ Lê Duy Ứng bên bức tượng Bác Hồ Ảnh: KIẾN NGHĨA
Họa sĩ Lê Duy Ứng bên bức tượng Bác Hồ Ảnh: KIẾN NGHĨA
TP - Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi cách thắng lợi cuối cùng đúng hai ngày, họa sĩ Lê Duy Ứng đã bị thương nặng, hỏng hai mắt. Trong lúc thập tử nhất sinh, ông dồn hết sức lực vẽ bức chân dung Bác bằng máu với đề từ “Ánh sáng niềm tin”. 

Thắp lửa niềm tin

Vào phòng khách của họa sĩ Lê Duy Ứng, tôi thấy một bức ảnh lớn chụp gia đình ông đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân được treo ở vị trí trang trọng nhất. “Bức ảnh này chụp năm 1991, khi Đại tướng tròn tám mươi tuổi.  Sau khi bị thương hỏng đôi mắt, tôi tuyệt vọng và muốn buông xuôi. Nhưng Đại tướng đã thắp thêm ngọn lửa niềm tin cho tôi, là người sinh ra tôi lần thứ hai”- họa sĩ Lê Duy Ứng mở đầu câu chuyện khi tôi đến thăm và hỏi chuyện ông.

Năm 1971, khi đang học năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Lê Duy Ứng nhập ngũ. Sau khi chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị, Cửa Việt…, ngày 17/4/1975, Lê Duy Ứng được điều về làm trợ lý tuyên huấn Quân đoàn 2, theo đội hình hành quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sáng 28/4/1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong cách cửa ngõ Sài Gòn chừng 30km, khi đang ngồi trên xe tăng để vẽ ký họa hình ảnh chiến đấu của bộ đội ta, Lê Duy Ứng bị đạn chống tăng của địch văng trúng khiến ông bị thương nặng, hỏng hai mắt. Khi ấy, ông cố gắng lấy giấy rồi dùng máu chảy ra từ mắt để vẽ bức chân dung Bác Hồ, bên dưới ghi dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”, rồi gấp bức tranh cho vào ngực áo và lịm đi.

Đồng đội ngỡ ông đã hy sinh nên đưa vào nhà xác. Khi tỉnh dậy, Lê Duy Ứng kêu khát nước, may được một chiến sĩ quân y đi ngang qua đã bế ông ra. Lê Duy Ứng được cứu sống, sau đó được đưa đến Viện Quân y ở Nha Trang rồi tiếp tục chuyển về Viện Quân y 108 tại Hà Nội để điểu trị. Tại Viện Quân y 108, khi giao lại ba lô cho ông, mọi người ngỡ ngàng thấy bức tranh “Ánh sáng niềm tin”. Hóa ra, trước đây khi thay quần áo cho Lê Duy Ứng tại nhà xác để chuẩn bị đưa đi chôn, mọi người đã thấy bức tranh trong túi áo nên cất vào ba lô quân tư trang của ông để sau đó gửi về cho gia đình. Nay Lê Duy Ứng về viện điều trị, đơn vị chuyển ba lô ra để giao lại cho ông. Và bức huyết họa “Ánh sáng niềm tin” được vẽ trong hoàn cảnh đặc biệt của Lê Duy Ứng trở thành một niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ Cách mạng Việt Nam trước bom đạn của kẻ thù.

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng tại bảo tàng, nhiều ý kiến đã nhận xét rằng từ thông điệp của bức huyết họa “Ánh sáng niềm tin” năm xưa, các tác phẩm sau này đều được họa sĩ Lê Duy Ứng sáng tác với tâm huyết và niềm tin ấy. Những tác phẩm này cùng nghị lực của ông đã thắp lên 
ngọn lửa niềm tin và nghị lực cho bao lớp người 
Việt Nam…

Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, Lê Duy Ứng không tránh được nỗi buồn khi là họa sĩ mà hỏng cả đôi mắt thì sẽ vẽ thế nào đây? Hiểu nỗi buồn này, Giáo sư bác sĩ Đào Xuân Trà, Phó viện trưởng kiêm Trưởng khoa mắt Viện Quân y 108 đã khuyên Lê Duy Ứng chuyển sang làm điêu khắc, nặn tượng. Theo lời khuyên, Lê Duy Ứng nhờ bạn bè tìm giúp đất miệt mài tập nặn. Rồi một hôm, khi đang nặn bức tượng Bác Hồ, Lê Duy Ứng bỗng nghe thấy một giọng nói quê mình đằng sau: “Ứng giỏi thật. Đôi bàn tay rất nhạy cảm”.  Định thần, người họa sĩ hỏng mắt xúc động run người khi biết đó là giọng nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Khi đó, Đại tướng ân cần nói đến thăm tôi với tình đồng hương. Quê tôi ở huyện Quảng Ninh, cách nhà Đại tướng ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chỉ chừng 25km”- họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết. Rồi ông xúc động kể: “Trong lúc nói chuyện, Đại tướng hỏi tôi có biết nhạc sĩ vĩ đại Betthôven đã sáng tạo nên những bản nhạc bất hủ lúc nào không? Thấy tôi lúng túng, Đại tướng nói đó là khi nhạc sĩ đã bị điếc. Là họa sĩ bị hỏng mắt, Lê Duy Ứng hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu và rèn luyện. Lời nói ấy của Đại tướng khiến tôi như được thắp thêm ngọn lửa niềm tin”.

Lập bảo tàng của riêng mình

Năm 1982, họa sĩ Lê Duy Ứng được Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân phẫu thuật ghép giác mạc. Ca ghép thành công, mắt Lê Duy Ứng nhìn được trở lại. Ông được Quân đội đưa về làm việc tại Xưởng Mỹ thuật Quân đội, sau chuyển về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam công tác đến lúc nghỉ hưu. “Công việc ở bảo tàng khiến tôi mơ ước sau này sẽ tập hợp những tác phẩm của mình lại rồi thành lập một bảo tàng để trưng bày. Năm 2017, sau khi xây xong ngôi nhà này, mơ ước đó đã thành hiện thực. Nhà tôi sử dụng hai tầng dưới để ở, còn ba tầng trên làm bảo tàng”- họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết.

Dù từng được nghe về những tác phẩm của họa sĩ Lê Duy Ứng, nhưng nay được ông lần lượt đưa qua các gian trưng bày, nơi có rất nhiều tranh tượng được bố trí đan xen khiến tôi thực sự bất ngờ. Đứng bên bức tượng Bác được đặt trên tầng cao nhất, họa sĩ cho biết tác phẩm bằng thạch cao này ông đã làm trong hai năm 1976-1977 mới hoàn thành. Họa sĩ Lê Duy Ứng chia sẻ thêm, năm 2006, ông làm bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng gỗ để kính tặng Đại tướng đại thọ tuổi 95. Khi hoàn thành, ông làm bốn câu thơ khắc vào bức tượng: “Văn là anh, võ là anh/Anh là dũng tướng lừng danh muôn đời/Như đại thụ giữa đất trời/Ngát xanh thẳng đứng sáng ngời thiên xuân”. Nghe câu thơ, Đại tướng cười: “Già rồi mà mọi người vẫn gọi là anh”. Họa sĩ Lê Duy Ứng liền thưa: “Dạ, vì Đại tướng là Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Người vẽ Bác bằng ánh sáng niềm tin ảnh 1 Bức họa huyết “Ánh sáng niềm tin"

Xuống tầng dưới, đưa tôi đến bên bức tranh “Trận Cửa Việt”, họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết tác phẩm này ông vẽ năm 1973 tại Cửa Việt (Quảng Trị), khi chưa bị thương. Gần bức tranh này là bức huyết họa “Ánh sáng niềm tin” nổi tiếng. Họa sĩ cho biết, năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, ông đã tặng bức tranh này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Và bức “Ánh sáng niềm tin” này là phiên bản được Bảo tàng làm để tặng lại ông. Ngoài hai bức tranh trên, rất nhiều bức tranh khác được ông vẽ sau này như “Thanh niên xung phong, “Mẹ Suốt”, “Chúng con đều là con của Mẹ”… cũng đều được thể hiện rất sống động.

Người vẽ Bác bằng ánh sáng niềm tin ảnh 2 Họa sĩ Lê Duy Ứng đang hoàn thành bức tượng “Ra trận” tại nhà  Ảnh: KIẾN NGHĨA

Bảo tàng của họa sĩ Lê Duy Ứng hiện có trên 500 tác phẩm tranh và tượng, được chia làm ba mảng Chiến tranh, Hòa bình và Tình yêu cuộc sống. Ngoài ra họa sĩ còn có ba hộp tranh với hàng ngàn bức hiện chưa có chỗ để treo. Từ khi có bảo tàng này, rất nhiều người, trong đó có những học sinh, sinh viên từ mọi miền đất nước đã đến đây để tham quan. 

Họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết, đầu tháng 10/2013, khi đang ở Quảng Bình có việc gia đình thì ông nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Ông vừa khóc vừa yêu cầu người nhà đưa đến căn nhà lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) để thắp hương. Sau này, đại tá-họa sĩ Lê Duy Ứng tiếc mãi vì đã không có cơ hội để báo cáo Đại tướng, khi cuối tháng 10/2013, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

MỚI - NÓNG