'Người vận chuyển'… phiên bản Tết Mậu Tuất

TP - “Người vận chuyển” (tức: Shipper) là tên bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Camille Delamarre trong bối cảnh diễn ra tại Pháp. Thế nhưng, “người vận chuyển” tại Việt Nam lại là những nhân viên giao nhận hàng chuyên nghiệp và đang là nghề “ăn nên làm ra” vào dịp năm hết Tết đến.

Thu nhập hấp dẫn

Trong đời sống công nghệ 4.0 thì giao hàng cũng phải có… công nghệ. Hàng loạt những ứng dụng như Grab, Uber, Ahamove… đang là địa chỉ đáng tin cậy của những người đang tìm kiếm việc làm giao hàng. Thủ tục ứng tuyển hoàn toàn đơn giản. Phan Sơn (22 tuổi), một dân shipper mùa Tết chuyên giao hàng vùng Phú Nhuận, Bình Thạnh nói: “Ai đủ 18 tuổi, thủ sẵn hai bản hộ khẩu và CMND photo, công chứng và một điện thoại thông minh là có thể trở thành một shipper. Toàn bộ quá trình ứng tuyển đến kiểm tra chất lượng xe, tập huấn cho shipper hoàn tất gọn ghẽ trong vòng ba tiếng đồng hồ. Ngoài yếu tố nhanh gọn trong việc đăng ký, mức thu nhập hấp dẫn cũng là một yếu tố thu hút nhiều người đến với mô hình làm việc này. Một đơn hàng giao thành công, shipper nhận được tối thiểu là 20.000 đồng/5km, mỗi cây số tiếp theo cộng thêm từ 4.000 - 5.000 đồng. Nếu chịu khó “bào” từ 10 - 20 đơn hàng/ngày, một shipper cũng bỏ túi được ít nhất 200.000 - 400.000 đồng. Đó là còn chưa tính tiền bo của khách. Bên cạnh đó còn có các chính sách thưởng tuần, thưởng tháng”.

'Người vận chuyển'… phiên bản Tết Mậu Tuất ảnh 1 Phan Sơn đang giao hàng ở Phú Nhuận.

Làm “người vận chuyển” thời công nghệ còn được chủ động về mặt thời gian, khi “giờ làm việc” được cá nhân hoá tới mức tối đa. Nghĩa là, thích thì chạy, không thích thì… nghỉ, chẳng phải sợ bị đuổi việc. Chính vì ưu điểm đó mà các ứng dụng giao hàng công nghệ thu hút được rất nhiều đối tượng lao động như sinh viên, lao động phổ thông… và cả dân văn phòng. Một việc làm thêm chủ động về thời gian, thủ tục đăng ký lại nhanh gọn lẹ, thu nhập hấp dẫn, dĩ nhiên là một công việc “ngon ăn” hấp dẫn. Xem đây là một việc kiếm thêm thì dễ, nhưng nếu xác định nó là việc làm mưu sinh thì mọi chuyện lại chẳng đơn giản chút nào.

Kẹt xe là thứ làm cho các shipper cảm thấy… đáng sợ nhất. Nhiều đơn hàng khách hàng yêu cầu giao vào những khu vực hay những khung giờ thường xảy ra kẹt xe, dân shipper chẳng ai dám nhận vì sợ chôn chân trong “mê hồn trận” đó. Chưa kể vào thời điểm cận Tết, những cơn mưa trái mùa và không khí lạnh thường xuất hiện nên công việc của các shipper cũng vất vả hơn ngày thường. Vì vậy, dù nhiều shipper muốn nhận thêm đơn hàng để tăng thêm thu nhập nhưng cũng không dám.

Một áp lực khác của shipper là tính năng “chấm sao” của ứng dụng công nghệ. Mỗi chuyến giao hàng sẽ được khách hàng đánh giá theo thang điểm từ 1 - 5 sao dựa trên mức độ hài lòng của họ. Số sao phải từ 4,9 trở lên thì tài xế mới được nhận chính sách hỗ trợ của công ty. Sao dưới 4,5 liên tục trong một tuần thì tài xế phải đối mặt với việc bị khoá tài khoản một thời gian hoặc vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là chỉ cần khách chấm 4 sao thì coi như tài xế bị sụt điểm. Nếu có quá nhiều khách hàng chấm 4 sao thì coi như tài xế chỉ có nước… nhịn đói.

Đối với các shipper là dân tỉnh lẻ, không thông thuộc đường phố Sài Gòn, hiện tượng vừa chạy xe vừa xem hướng dẫn chỉ đường trên điện thoại là bắt buộc. Việc này vừa gây nguy hiểm khi lưu thông, vừa dễ bị… giật điện thoại.

'Người vận chuyển'… phiên bản Tết Mậu Tuất ảnh 2 Phần lớn các shipper chấp nhận đón Tết ở xứ người để kiếm thêm thu nhập.

Nhọc nhằn nghề shipper

Mức thu nhập thoáng nhìn qua tưởng hấp dẫn, nhưng thực tế có phải vậy không? Mặt bằng chung tỷ lệ hoa hồng giữa các tài xế và công ty hiện nay rơi vào khoảng 25%. Ngoài ra, công việc giao hàng công nghệ chỉ mang tính thời vụ, các công ty cung cấp ứng dụng đều không hề có những khoản hỗ trợ cho tài xế như xăng xe, điện thoại… Như vậy, với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày, sau khi trừ đi 25% hoa hồng cùng với những phí tổn về xăng xe, điện thoại thì thu nhập thật sự của một tài xế chỉ rơi vào khoảng 100.000 – 120.000 đồng/ngày.

Nản hơn nữa là khi ứng dụng hiện ra thông báo: Cước phí sẽ được thanh toán bằng chuyển khoản. Điều đó đồng nghĩa với việc chuyến hàng đó khả năng cao là sẽ không có… tiền bo. Và tiền chuyển khoản được trả về tài khoản vào một ngày định kỳ hàng tuần, rất chậm. Đi chuyến nào trả bằng tiền mặt, vừa cầm tiền tươi, vừa có thể có tiền bo, như vậy mát lòng mát dạ hơn hẳn. Tiền bo của khách coi vậy mà quan trọng lắm. Mỗi chuyến chỉ cần bo vài ngàn đồng, mười chuyến thì coi như cũng đủ bù vào tiền đổ xăng.

Bá Tân (21 tuổi, sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thông tin ĐH Hồng Bàng) có thể nói là dân shipper “chuyên nghiệp”. Quê ở Bình Thuận, Tân quyết định Tết này không về nhà để ở lại Sài Gòn… kiếm tiền cho đứa em gái mới vào ĐH. “Mối” ruột của Tân là một cửa hàng bánh kẹo ở quận Bình Tân. Cứ mỗi sáng, khoảng 5-6 giờ là Tân đã có cái “list” (danh sách) các mối giao hàng mà chủ “meo” cho mình. Cuối ngày, Tân ung dung cầm khoảng 300 ngàn về nhà và rung đùi ngủ.

Còn Nhi (22 tuổi quê Bình Phước), Tết này, Nhi bỏ hẳn chuyện về quê, ở lại Sài Gòn để chuyên đi giao hàng vì… “chủ nhờ nhiều quá, em không nỡ bỏ”. Vẫn đang độc thân vui tính, nhưng một ngày của Nhi phải làm “sát số” đến 20 giờ, từ tờ mờ sáng, đến tận tối mịt. Giáp Tết, nhà nhà tất bật chuẩn bị đồ ăn thức uống, những công chuyện cuối năm cũng phải thanh toán cho xong nên điện thoại của Nhi thường xuyên “cháy máy” vì những cuộc gọi đi nhận, giao hàng. Vui, buồn chẳng ai biết.

Nhi mở lòng: “Một ngày, ở cửa hàng trả em 250 ngàn, chạy như ngựa ngoài đường nhưng em vui. Thấy khách hàng nhận đồ đúng như ý, đúng hẹn rồi ký nhận là vui. Hằng cảm giác mình như một “bà Noel” mang quà đến tận nhà. Gần Tết, đơn hàng giao cũng có những giờ khuya, đến 22-23 giờ nhưng cũng “sướng” bởi có tiền “bo” vài chục ngàn của chủ nhà”.

'Người vận chuyển'… phiên bản Tết Mậu Tuất ảnh 3 Thời gian buổi tối, Hoa còn phụ quán cafe kiếm thêm.

Trường hợp của Hoa (19 tuổi, quê ở Bình Thuận, sinh viên năm thứ ba trường ĐH Sư phạm TPHCM) “say” nghề shipper  như… người tình. Hoa ở lại Sài Gòn mùa Tết này vì mê… giao những gói cà phê. Cô gái bật mí: “Ở Sài Gòn mấy năm, em biết là cà phê Sài Gòn không có ngày Tết, mùng này mùng kia. Ngày nào quán cà phê cũng mở và chủ quán hay chủ đại lý bỏ mối cà phê xay cũng phải “hú” tụi em bỏ mối cà phê”.

Hoa ở lại “ăn tết” tại Sài Gòn vừa có tiền, vừa được mọi người “lì xì” bằng những cái cười, cái bắt tay trong những ngày Xuân về Tết đến. Cô gái kể với niềm vui và nụ cười mãn nguyện.

Nước mắt… “người vận chuyển”

Bản chất của việc chạy giao hàng là công việc lao động phổ thông, đồng nghĩa với làm việc trên chính sức lao động thể chất của mình. Nhưng giao hàng công nghệ chỉ là một công việc thời vụ. Shipper công nghệ không hề được hỗ trợ bất cứ một khoản nào từ xăng xe, điện thoại cho đến bảo hiểm các loại. Với đặc thù công việc là phải đầu tắt mặt tối ở ngoài đường cả ngày, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là không hề nhỏ, nhất là với sự hung hăng khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân.

Khi có sự cố xảy ra, phương tiện kiếm cơm của bản thân là chiếc xe máy bị hư hỏng không nói, sức khoẻ của bản thân bị ảnh hưởng thì liệu các công ty cung cấp ứng dụng có đưa tay ra giúp đỡ các tài xế hay không? Bảo hiểm nào sẽ lo cho họ? Hay chính các tài xế phải tự móc tiền túi ra mà trang trải cho việc điều trị của mình? Nếu nặng nề hơn là gãy tay gãy chân, thì công việc tài xế mà họ xem như là công việc mưu sinh chắc chắn sẽ phải tạm gác lại. Và nếu họ lại là trụ cột gia đình, vậy vợ con họ sẽ ra sao? Cơn khát tài xế giao hàng là có thật. Kiếm tiền nhiều nhờ giao hàng công nghệ cũng là có thật và những rủi ro kể trên là… đương nhiên hiện hữu.

Với mật độ phủ sóng của các tài xế công nghệ như bây giờ, chắc chắn ai cũng thấy việc kiếm ăn bằng chạy xe công nghệ càng ngày càng khó hơn. Nhưng mỗi ngày vẫn có hàng chục hàng trăm người xếp hàng dài chờ đi đăng ký mới. Biết là khó nhưng họ vẫn làm vì cuộc mưu sinh.

Vậy có nghĩa là, miếng cơm manh áo thời 4.0 đúng nghĩa người khôn của khó.

Cận Tết, các cửa hàng kinh doanh tung ra các hình thức khuyến mãi nhằm thu hút sức mua, theo đó, nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao hàng để kịp thời đưa sản phẩm nhanh chóng đến tay khách hàng càng tăng cao. Lượng đơn hàng vào thời điểm này nhiều gấp cả chục lần bình thường. Nhiều nơi sẵn sàng trả gấp đôi, gấp ba để tuyển được người giao hàng. Chính vì thế, nghề giao hàng (shipper) trở thành một trong những nghề thu hút nhiều nhân công nhàn rỗi. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.