Văn hóa thần tượng lệch lạc:

Người trẻ dễ tập nhiễm, bắt chước

TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam), nhấn mạnh, việc tiếp xúc các hình ảnh, video không lành mạnh và trong thời gian dài dễ khiến người trẻ ít có khả năng phòng vệ, hình thành cơ chế tập nhiễm, hiện thực hóa lời nói, quan điểm lệch lạc của giang hồ mạng vào cách sống.

TS Nguyễn Tuấn Anh đánh giá, hiện tượng “giang hồ mạng” hay những người có lời lẽ khiếm nhã, văng tục và hành vi lệch chuẩn, côn đồ trên mạng xã hội khá phổ biến nhờ sự phát triển của các nền tảng số, khả năng giới thiệu nội dung liên quan và thiết bị điện tử cá nhân với nhiều ứng dụng chụp ảnh, video, livestream.

Trong khi đó, giới trẻ là nhóm có thời gian sử dụng mạng xã hội rất nhiều trong một ngày, lại đang độ tuổi đi học, nhân cách chưa phát triển hoàn thiện, năng lực phòng vệ và khả năng chọn lọc thông tin còn hạn chế. Việc tiếp xúc các hình ảnh, video không lành mạnh và trong thời gian dài sẽ tác động lớn về cảm xúc, tâm lý, nhận thức và hành động. Nhiều bạn không chỉ bắt chước lời ăn tiếng nói, mà còn học theo cách tư duy, phản biện, thể hiện của các đối tượng “giang hồ mạng”. “Điều này khiến các em hình thành cơ chế tập nhiễm, hiện thực hóa lời nói, quan điểm lệch lạc của giang hồ mạng vào cách sống của bản thân và hình thành các đội nhóm tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội”, ông Tuấn Anh nói.

Người trẻ dễ tập nhiễm, bắt chước ảnh 1

TS Nguyễn Tuấn Anh

Theo TS Tuấn Anh, để tăng sức đề kháng cho người trẻ khi tương tác mạng xã hội, cần nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận diện thông tin hữu ích, thông tin xấu độc, nhảm nhí; ý thức trách nhiệm trong “like”, chia sẻ, bình luận để tránh việc lan truyền rộng rãi các nội dung tiêu cực, phản cảm. Gia đình, nhà trường cần đồng hành, định hướng, giám sát về thời gian và việc sử dụng mạng xã hội, internet. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng quản lý cần tăng các công cụ, cơ chế lọc, chặn thông tin tiêu cực, xấu độc; kiểm soát tài khoản mạng xã hội, nhất là tài khoản có lượng người tương tác lớn; chế tài xử lý việc đăng tải nội dung xấu độc có tính răn đe hơn.

Phân biệt thiện nguyện với đánh bóng bản thân

Trước thực tế, nhiều đối tượng “giang hồ mạng” tham gia các hoạt động trao tặng quà, ủng hộ đối tượng khó khăn và chụp ảnh, quay video đăng tải mạng xã hội, TS Tuấn Anh cho rằng, việc có suy nghĩ và làm điều thiện lành, hành động đẹp luôn được khuyến khích, cổ vũ và không mặc định chỉ người bình thường, nhân thân tốt mới được làm. Tuy nhiên, cách giúp đỡ, hỗ trợ cần phù hợp và thiết thực, không vi phạm quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, không gây ra sự thiệt hại vật chất và tinh thần cho đối tượng được giúp đỡ, cộng đồng.

Theo ông Tuấn Anh, để phân biệt hành động giúp đỡ thực tâm với lợi dụng đánh bóng tên tuổi, câu “like” câu “view” trục lợi, cần quan sát, phân tích động cơ, mục đích và cách làm. Việc giúp đỡ, ủng hộ không cần thiết phải phô trương, khua chiêng gióng trống... mà quan trọng nhất là giúp được gì cho đối tượng cần hỗ trợ.

Từ câu chuyện trang phục lố bịch của “giang hồ mạng” Phú Lê trong chương trình “Đêm hội trăng rằm” tại Yên Bái, TS Tuấn Anh cho rằng, cần phải xem xét góc độ trách nhiệm của chính quyền, nhà trường nơi tổ chức, phối hợp đã có phần chủ quan trong việc phối hợp tổ chức, thiếu sự nhạy cảm. “Chính quyền địa phương, nhà trường cần tìm hiểu, nắm rõ đơn vị, cá nhân trao tặng nguồn lực, có định hướng, quản lý nội dung và cách thức tổ chức, đối tượng thụ hưởng được phù hợp”, ông nói.

MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.