Bóc mẽ 'giang hồ mạng'

YouTube T.Cá Chép sặc mùi “giang hồ” nhưng đã thu hút hàng triệu lượt theo dõi dù mới ra mắt
YouTube T.Cá Chép sặc mùi “giang hồ” nhưng đã thu hút hàng triệu lượt theo dõi dù mới ra mắt
TP - Gần đây “giang hồ mạng” không còn rầm rộ như năm 2019, nhưng vẫn nóng khi xuất hiện những chiêu mới thu hút các bạn trẻ hiếu kỳ. Chỉ đến khi những tay anh chị lẫy lừng trên mạng xã hội xộ khám, nhiều người mới vỡ ra mình bị ăn quả lừa đắng chát khi sái cổ tin “thần tượng”.  

Lấy “số má” trên mạng xã hội để bán hàng online

Chỉ cần lên YouTube gõ dòng tìm kiếm “phim giang hồ”, xuất hiện hàng loạt bộ phim giang hồ Việt Nam do các tay anh chị như Đường “Nhu”, Giang “rồng”, Dũng “trọc”... thủ vai chính. Có thể kể đến như: Chạm mặt giang hồ, Bố già đường biên, Dòng máu giang hồ, Luật lệ giang hồ, Tỷ phú đè đại gia... Nhiều cảnh giang hồ phanh trần khoe hình xăm trổ đầy hình rồng, phượng; nội dung sặc mùi đánh đấm, đòi nợ thuê, ăn chơi sa đọa, thách đấu với nhau chỉ nhăm nhe mục đích câu view, lấy “số má”.

Điều đáng ngạc nhiên, những bộ phim này có nội dung không phù hợp, thậm chí nguy hiểm cho cộng đồng, nhưng lại được rất nhiều bạn trẻ tung hô, thích thú. Chỉ trong 2 ngày bộ phim Luật lệ giang hồ được phát trên mạng YouTube, Facebook, đã có tới 6,4 triệu lượt xem và hàng chục ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Không kém cạnh là phim Chạm mặt giang hồ với 5,7 triệu lượt xem và chia sẻ.

Bóc mẽ 'giang hồ mạng' ảnh 1 “Giang hồ mạng” Phú Lê làm video ca nhạc
Kênh YouTube, Facebook càng nhiều người Subscribe (đăng ký), đem doanh thu hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi tháng cho các tay “giang hồ mạng”. “Thời hoàng kim” của Dũng trọc Hà Đông (có gần 69.000 người đăng ký theo dõi, gần 5,4 triệu lượt xem), Phú Lê (1 triệu đăng ký, 171 triệu lượt xem), Ngân trọc (173.500 đăng ký, 22,6 triệu lượt xem), Giang hồ Channel (64.400 đăng ký, 22,5 triệu lượt xem)… Các “giang hồ mạng” khoe nút vàng, nút bạc YouTube; tiền, vàng rủng rỉnh trên trang cá nhân càng thu hút người đăng ký theo dõi. Ăn theo sức hút của các nhân vật giang hồ đó, xuất hiện nhiều kênh như “B Channel”, “Giang hồ”, “Sống ảo”, “Trùm giang hồ”... làm clip reup (copy và chỉnh sửa lại) từ clip của các nhân vật giang hồ để kiếm tiền từ mạng xã hội.

Phú Lê được “giang hồ mạng” xếp vào hàng có “máu mặt” trên mạng xã hội. Được nhiều người biết đến qua bộ phim “Chạm mặt giang hồ” với hàng chục triệu lượt xem trên YouTube, Phú Lê sở hữu kênh YouTube của riêng mình với gần 2 triệu người đăng ký. Còn trên trang Facebook cá nhân Phú Lê có tới hơn 400.000 lượt người theo dõi.

Dựa vào sự nổi tiếng này, vợ chồng Phú Lê thường xuyên livestream trên mạng xã hội để bán hàng online và đã thu hút được hàng nghìn người xem, bình luận và đặt mua sản phẩm.

Thần tượng kiểu mới

Mặc dù “giang hồ mạng” không rầm rộ so với năm 2019 nhưng độ nóng của nó chưa bao giờ giảm nhiệt. Những “giang hồ mạng” cộm cán giai đoạn gần đây như Huấn Hoa Hồng, Phú Lê… luôn thu hút sự hiếu kỳ của số đông bạn trẻ.

Đầu tháng 6, Huấn Hoa Hồng, một tay “anh chị” có tiếng trên mạng xã hội phát hành phim ca nhạc “Muôn kiếp là anh em”, nội dung về cờ bạc bịp, tình anh em trong giang hồ… Chỉ trong thời gian ngắn, MV đạt “triệu view” với hơn 3,6 triệu người xem trên kênh YouTube.

Trên Facebook cá nhân của Huấn Hoa Hồng sở hữu đến cả trăm ngàn lượt theo dõi, kênh YouTube có 126.000 follower (theo dõi). Huấn thường xuyên có những chia sẻ gây sốc về tiền, về chất kích thích, thậm chí còn khoác lác rằng bản thân có tâm trí siêu mạnh nên mới có thể “điều khiển ma túy”. Đặc biệt, nhân vật được tung hô như thần tượng mới của không ít bạn trẻ này rất thích rao giảng đạo lý, sự thành công kiểu: ra xã hội làm ăn bươn chải, liều thì ăn nhiều, không liều thì ăn ít, muốn thành công thì phải chấp nhận chịu qua đắng cay ngọt bùi, làm ăn muốn kiếm được tiền phải chấp nhận mạo hiểm, nguy hiểm một tý, nhưng trong tầm kiểm soát...

Đầu năm 2020, câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn” vốn rất quen thuộc với người Việt Nam, nhưng sau khi qua miệng Huấn Hoa Hồng lại trở thành “thánh ca lập nghiệp” của không ít người trẻ. Đỉnh điểm, tay giang hồ sinh năm 1984 này còn lợi dụng thời thế để giới thiệu 2 tập sách in chui về bí quyết làm ăn, công thức thành công: “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền”. 

Theo dõi kênh YouTube chính chủ của Huấn Hoa Hồng, người xem tìm thấy không ít những video khoe của, nói triết lý nhưng lại cổ xúy những thói hư tật xấu cho giới trẻ. Vậy mà nhân vật này vẫn được tung hô như thần tượng mới, được săn đón, thậm chí còn được học theo với danh “thầy Huấn”. 

Gần đây, một dạng “giang hồ mạng” kiểu mới lập lờ giữa thật và diễn là kênh YouTube của T. Cá Chép, D. Ka thu hút hàng triệu lượt xem. Các clip bạo lực này được dựng lên với nội dung “giang hồ nghĩa hiệp, trượng nghĩa giúp người yếu thế”. Dù nói giọng nhân nghĩa, lý tình nhưng vẫn sặc mùi bạo lực, ngập cảnh đánh đấm, đập phá đồ đạc... Mỗi clip đăng tải đều thu hút 8-10 triệu lượt người theo dõi.

Trong video đăng tải vào tháng 2, nhân vật có tên D. Ka cùng đàn em đập vỡ kính ôtô và hành hung 2 người. Lý do là D. Ka đã xem được video từ camera an ninh ghi lại cảnh 2 người hành hung phụ nữ mang thai khiến cô nhập viện, mất con. Sau đó, D. Ka dẫn đàn em đến để đánh 2 người này.

 (Còn tiếp)            

Thước đo độ “hót” của các tay anh chị “giang hồ mạng” không tính bằng cứ địa, số lượng đàn em... mà căn cứ vào lượng view (xem), lượng comment (bình luận) tương tác. Công thức chung là giang hồ + từng đi tù + dám chơi trội và chăm chỉ livestream, làm clip, phim ngắn rồi phát trên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube. Nhiều bạn trẻ dễ dàng bị lôi cuốn, rồi “like” (thích), “share” (chia sẻ), thậm chí coi “giang hồ mạng” là thần tượng.

Theo SocialBlade, hiện kênh Youtube của T. Cá Chép có hơn 83 triệu lượt xem, một triệu lượt đăng ký. Ước tính mỗi tháng T. Cá Chép kiếm được 2.000-36.000 USD từ việc hiển thị quảng cáo của YouTube. Tại Việt Nam, kênh này đang đứng top 300 kênh YouTube lớn nhất.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.