Tiến sĩ Kim Quý trong một buổi tư vấn. Ảnh: P.H. |
Bác sĩ, thạc sỹ tâm lý Phan Bích Thủy kể có lần bị khách lôi kéo vào chuyện ghen tuông của vợ họ và bị hàm oan là người thứ ba. Một anh tìm đến chị với tâm trạng sợ hãi, ám ảnh bởi những cơn cuồng ghen của vợ. Anh cho biết, vợ kiểm soát mọi tài khoản cá nhân từ nick chat, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng và liên tục gọi kiểm tra. Anh luôn ám ảnh bị vợ theo dõi dù là đi ăn trưa, tiếp xúc khách hàng...
Chị Bích Thuỷ tư vấn nhiều giải pháp, nhưng anh đều lắc đầu vì tất cả đều đã áp dụng không thành công. Trăn trở với câu chuyện cùng niềm yêu thích viết lách, chị hư cấu viết thành một truyện ngắn gửi anh đọc qua email. Trong truyện có nhiều thông điệp về lòng tin, tình yêu dành cho người vợ.
Đột nhiên, 30 phút sau, anh thông báo, vợ đã đột nhập email, đọc bài và đang làm ầm lên vì ghen. Chị Bích Thuỷ đành phải xuất đầu lộ diện. Sau nhiều lần trò chuyện, tư vấn, người vợ dần nguôi ngoai. Sau này, chính người vợ đó chia sẻ, chỉ vì chồng đẹp trai, tốt tính nên chị luôn sống trong tâm trạng sợ mất chồng mà không biết rằng chính tình yêu, niềm tin mới là sợi dây bền chặt của hạnh phúc.
Có không ít khách hàng trở thành bạn thân của chị Bích Thuỷ. Đó là những người nhiễm HIV, từ sự đau khổ, sống dằn vặt trong thầm lặng khi tìm đến chị đã được tư vấn tham gia nhiều hoạt động đồng đẳng.
Giò lụa, khăn tay
TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý, chuyên gia đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em (Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) kể V.- một học sinh lớp 8 ở Hoà Bình, học giỏi môn văn nhờ mẹ là giáo viên của trường thu xếp cho ngồi cạnh bạn học giỏi để chép bài từ lớp 6. Cô bé sống trong ngộ nhận suốt 2 năm, đến lúc bị bạn hét vào mặt: "Mày là đứa chuyên cóp bài...". V. bị sốc nặng, tự giam mình nhiều ngày đến khi lên cơn sốt, hành hạ bản thân, quyết không đi học. Bị mẹ ép đến trường, V. doạ tự tử.
Thấy bệnh tình con ngày càng trầm trọng, gia đình tìm đến TS Kim Quý. Bà nhận định, V. bị trầm cảm, diễn biến tâm lý xấu do bị mẹ áp đặt. TS Quý đả thông tư tưởng cho người mẹ, vốn làm chủ gia đình, quen áp đặt.
Sau mỗi buổi trò chuyện kéo dài 2 - 3 tiếng với chuyên gia, V. hoạt bát dần và trở thành học sinh giỏi văn thực sự của trường. V. thoát nạn nhưng em gái V. lại có biểu hiện trầm cảm giống chị. Nguyên nhân vẫn là người mẹ áp đặt chuyện học hành. TS Quý lại tiếp tục điều trị cho cả hai mẹ con.
Một ngày hè, cả nhà V. từ Hoà Bình xuống Hà Nội mang theo 3 cây giò lụa được đặt riêng làm quà. Cô bé từng có ý định “chết cho đỡ nhục” ôm chầm lấy ân nhân, nghẹn ngào: "Bác đã cứu cháu!". Bữa trưa ấy, cả đường dây hỗ trợ trẻ em cùng gia đình V. liên hoan với món giò lụa. Hiện V. là sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội.
Gia đình cô bé 13 tuổi, nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Hưng Yên tìm đến chuyên gia chỉ xin tư vấn pháp luật để kiện kẻ hại con gái mình. "Khi gặp, cô bé chỉ úp mặt vào tường khóc. Cả tuần, cô bé hoảng loạn, không ăn uống. Chúng tôi tiến hành trị liệu tâm lý cho cô bé", TS Quý kể.
Ngay buổi sáng đầu tiên trò chuyện, cô bé đã cười. Sau 10 buổi trị liệu tâm lý, cô bé tự tin đi học trở lại. Trước khi trở về quê tiếp tục việc học, cô bé nhờ bố chụp ảnh chung với TS Quý làm kỷ niệm. Bố cô bé cho biết, bức ảnh 2 bác cháu được cô bé lồng khung để trên đầu giường.
Tuy nhiên, khi trở về nhà, kẻ hại cô bé là hàng xóm được gia đình bảo lãnh tại ngoại đã gây cú sốc cho cô bé. Gia đình lập tức chuyển cô bé lên Hà Nội điều trị tâm lý và được giới thiệu học nghề đan móc thủ công. Sản phẩm đầu tay là chiếc khăn len được cô bé gửi tặng TS Quý. Cô bé ngượng ngùng nói: "Chiếc khăn này chưa thực sự đẹp nhưng là món quà cháu muốn tặng bác, người mang lại niềm tin, sức mạnh cho cháu".
Sự sống từ tầng 16
Từng tư vấn hàng trăm ca khó cho bạn trẻ trên sóng phát thanh, TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Bộ môn Tâm lý, ĐH Sư phạm TPHCM) bất ngờ được triệu đến một khu chung cư tại TPHCM. Một nữ sinh đang nhoài người bên cửa sổ tầng 16 định tự tử. Trong giây lát, anh hô thật to hỏi lý do.
Cô bảo muốn chết vì trót dâng hiến cho người yêu sau một tuần quen nhau và anh ấy vừa nhắn tin "không hợp nên chia tay đi". Dù nghe rất rõ nhưng TS Sơn tìm cách trì hoãn bằng cách hỏi đi hỏi lại, yêu cầu cô nói thật to vì anh nghe không rõ.
"Cô gái nói đang mở cửa sổ và định nhảy xuống nên gió rất mạnh. Tôi gợi ý cô ấy đóng cửa để bớt ồn... Bị phân tâm với câu chuyện, cô đóng cửa thật mạnh. Tôi đến cùng ly nước mát. Cô gái thoát chết trong gang tấc là món quà đặc biệt nhất với tôi", TS Sơn kể.
TS Sơn cho biết, sau những ca tư vấn thành công, anh nhận được nhiều quà tặng ấn tượng. Nhiều cô cậu học sinh THPT tự gấp những ngôi sao may mắn, chụp chân dung gửi tặng. Thậm chí trong chương trình tư vấn trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình TPHCM, một bạn trẻ ở miền Tây nài nỉ xin được tặng câu vọng cổ.