Người thợ thủ công cuối cùng của phố Lò Rèn

Ông Nguyễn Phương Hùng – người được coi là “người giữ lửa cho phố Lò Rèn, Hà Nội”
Ông Nguyễn Phương Hùng – người được coi là “người giữ lửa cho phố Lò Rèn, Hà Nội”
TPO - Thời kỳ Pháp thuộc được coi là thời hưng thịnh nhất của nghề làm rèn ở Hà Nội, khi mà mới bước chân vào phố Lò Rèn đã thấy inh tai bởi tiếng búa chan chát, tiếng xì xèo của những thanh thép nung đỏ lửa khi cho vào nước…

Sự phát triển của khoa học công nghệ như con dao hai lưỡi lấy đi tất cả những gì ngày xưa được coi là “dấu ấn” của một con phố phồn thịnh. Sự ra đời của khung nhôm, máy sắt khiến cho con người quên đi những lò nung đỏ lửa ngày nào.

Ngày hôm nay, con phố “inh tai” ấy vẫn huyên náo, nhộn nhịp, nhưng đó là tiếng của máy khoan cắt nhôm, kính, inox và chỉ còn duy nhất một người tiếp tục bám trụ với nghề, đó là ông Nguyễn Phương Hùng – người được coi là “giữ lửa cho phố Lò Rèn”.

Đến cửa hàng của ông Hùng (số 26, Lò Rèn, Hà Nội) – nơi chỉ vỏn vẹn có vài mét vuông mặt đường nhưng chứa đầy các sản phẩm thủ công như đe, giá treo, dao, kéo…, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi nhìn thấy ông Hùng làm việc đó là sự say mê, nhiệt huyết với nghề hiện rõ lên khuôn mặt. Mặc dù luôn tay luôn chân, từng hát búa lên xuống thuần thục, mạnh mẽ, mồ hôi ướt đầm trong bộ quần áo công nhân đầy dầu mỡ... nhưng ông vẫn luôn cười tươi rạng rỡ.

Khi được hỏi lý do tiếp tục theo đuổi nghề làm rèn trong khi mọi người đã chuyển sang nghề khác, ông Hùng cười lớn nói: “Lúc đầu thì cũng không thích nghề này đâu và cũng bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề rồi đấy, nhưng sau đó thì lại quay về đây tiếp tục nghề rèn, dần dần bị nó lôi cuốn từ lúc nào không hay…”

Ông Hùng làm việc chủ yếu theo yêu cầu của khách. Nhiều người khuyên ông nên bỏ nghề rèn thủ công và làm bằng máy nhưng lòng yêu nghề và sự hăng say trong công việc chính là động lực giúp ông Hùng vẫn trụ vững với nghề.

“Bọn trẻ bây giờ chỉ thích ngồi bàn giấy, làm những công việc nhẹ nhàng, không dầu mỡ thôi. Như con chú đây này, chẳng đứa nào muốn tiếp nối nghề này cả. Mà bây giờ bảo truyền nghề cho người khác thì cũng khó, vì phải học qua thực tế trong thời gian dài chứ không phải chỉ qua sách vở như các cháu học bây giờ đâu. Chú muốn truyền nghề lắm chứ… nhưng chắc là không ai có muốn và có thể tiếp tục được…”, ông Hùng buồn rầu chia sẻ.

Ông Hùng muốn lưu giữ truyền thống bằng chất lượng của từng sản phẩm chứ không phải số lượng người tiếp nối. Ông lo lắng cho tương lai của nghề rèn - sự lo lắng đến từ một người có lòng tâm huyết và yêu nghề say đắm.

Và biết đâu, sau đời ông Hùng, Lò Rèn sẽ chỉ còn là tên phố…

MỚI - NÓNG