TPO - Đào Xá (xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, TP. Hà Nội) là làng chuyên chế tác các loại đàn dân tộc vang danh khắp cả nước. Các nghệ nhân của làng thời vàng son mang nghề đi khắp chốn kinh kỳ hoa lệ lập nghiệp. Nay nghề mất dần, cả làng Đào Xá chỉ còn một người cuối cùng làm đàn.
|
Đào Xá là làng nghề truyền thống chế tác nhạc cụ dân tộc, có tuổi đời khoảng 200 năm, đang bị mai một. Hiện, làng chỉ duy nhất còn một người làm nghề là anh Đoàn Văn Tuấn, sinh năm 1965, con của Nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn đã mất cách đây không lâu. |
|
Đào Xá là làng chế tác đàn duy nhất trong hệ thống các làng nghề ở Hà Nội. Theo anh Tuấn, cách đây khoảng 200 năm, cụ Đào Xuân Lan đã đưa nghề chế tác đàn dân tộc về truyền lại cho con cháu trong họ, rồi truyền cho những người trong làng và sau đó trở thành làng nghề làm đàn rất thịnh vượng. Nhiều người thợ chế tác đàn dân tộc của làng Đào Xá đến khắp nơi từ Bắc chí Nam lập nghiệp. |
|
“Những người thợ Đào Xá xưa lên khu 36 phố phường Hà Nội, lập ra hẳn một phố Hàng Đàn (nay là được đổi tên thành phố Hoàng Quạt - PV), một thời sầm uất”, anh Tuấn cho biết. |
|
Anh Tuấn được sinh ra và lớn lên bên những cây đàn của cha, lẽ thường phải theo nghề; nhưng anh lại chọn con đường khác để lập nghiệp. Sau bao năm bôn ba, anh Tuấn mới hiểu nỗi lòng của người cha già đau đáu muốn anh nối nghiệp tổ, để tiếng đàn Đào Xá mãi vang xa, không bị thất truyền. |
|
“Khi bố tôi ngoài 70 tuổi, ngay cả lúc sức khỏe yếu, cụ vẫn cặm cụi bào, đục làm đàn. Năm 2010, ngày ông đổ bệnh, nằm cả năm ở bệnh viện, tôi nghỉ hẳn công việc lái xe của mình về chăm cụ. Lúc này, có nhiều người đến sửa đàn, nên tôi đã kỳ cục, mày mò sửa; từ đó cảm nghề lúc nào không hay biết. Sau khi bố tôi khỏi bệnh, cụ đã truyền nghề cho tôi và tôi tiếp nối truyền thống của gia đình" - anh Tuấn nói. |
|
Anh Đào Văn Tuấn chia sẻ thêm: “Khi nghe tiếng đàn của các nghệ sĩ sử dụng đàn Đào Xá, tôi cảm nhận được cái đẹp của nghề làm đàn, thế rồi tôi càng trau chuốt nghề hơn và này có thể nói khẳng định được tôi sẽ sống chết với nghề”. |
|
Anh Tuấn mong muốn có nhiều người trẻ yêu nghề này để anh truyền lại, để làng nghề Đào Xá không bị thất truyền và tiếng đàn Đào Xá vang mãi khắp nơi. "Tôi mong muốn có những người trẻ yêu nghề chế tác đàn dân tộc, không chỉ con cháu trong họ, có thể người ngoài nếu đam mê tôi sẽ truyền nghề", anh Tuấn chia sẻ |
|
Gia đình anh làm 14 loại đàn dân tộc. Đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn tranh đàn đáy, đàn tỳ bà, đàn bầu... lại có những kỹ thuật khác nhau. "Thùng đàn chỉ dày, mỏng hơn nhau một chút xíu, non tay đục, già tay bào là đem đến những kết quả khác nhau", anh Tuấn cho hay. |
|
“Làm đàn dân tộc có một công thức chung nhất thì gần như chỉ có “thành trắc, mặt vông”, tức thùng đàn làm bằng gỗ trắc, mặt đàn bằng gỗ vông. Gỗ trắc là loại tốt nhất, để làm ra những cây đàn cho âm thanh chuẩn”, anh Tuấn chia sẻ. |
|
Theo anh Tuấn, hiện nay, nhiều nghệ sĩ chơi đàn dân tộc từ Bắc chí Nam đều đến đặt anh làm đàn. Anh Tuấn không giỏi chơi đàn, nhưng được thừa hưởng khả năng “thẩm âm” của người cha. Anh biết chính xác âm thanh một cây đàn sẽ như thế nào, ngay từ khi hoàn thiện, chứ chưa cần đến lúc so dây, chơi thử. |
|
“Mình không hiểu sâu về âm nhạc, nhưng tự mình phải lắng nghe phản hồi của các nghệ sĩ, của người chơi thì sẽ làm ra cây đàn tốt. Đôi khi, mình cũng phải có những cải tiến nhất định theo cảm nhận của mình”, anh Tuấn cho biết thêm. Hiện nay, anh Tuấn tham gia rất nhiều triển lãm và xây dựng thương hiệu “đàn Đào Soạn” (thương hiệu dựa trên tên tuổi của bố anh - ông Đào Xuân Soạn) ngày một bay cao, bay xa. Trong ảnh: Ông Đào Xuân Soạn, Nghệ nhân ưu tú. |
Viết Hà