Người thầm lặng đẩy lùi cái ác
Với bộ trang phục dân sự bạc màu, giọng nói nặng âm ngữ địa phương khiến tôi không hình dung nổi Trung úy QNCN Nguyễn Sĩ Bính là một trinh sát viên “trẻ tuổi, giàu chiến công” của lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng.
Ảnh: minh họa - Internet |
“Trinh sát gộc”
Mới ở tuổi 31, nhưng trông Bính già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Bởi suốt 8 năm qua, kể từ ngày tốt nghiệp Trường trung cấp Trinh sát (Tổng cục II) về công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, những đợt nắng gió Lào khắc nghiệt cộng với những ngày đêm đi trinh sát trên những “cung đường hiểm” nơi rừng sâu núi thẳm khiến nước da anh sạm đen. Dẫu mang nét phong trần của một người lính biên thùy và vẻ chân chất của một thanh niên nhà quê, nhưng tôi thấy ở đôi mắt Bính luôn toát lên sự tinh tường, lanh lẹ của một trinh sát viên từng trải.
Trong không khí thân tình, tôi gợi ý Bính kể lại một vài chiến công trên mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy. Chàng trai quê lúa Thái Bình nở một nụ cười nhã nhặn: “Có gì đâu, chiến công chung của đồng đội mà anh”. Bính khiêm tốn nói vậy, nhưng qua tìm hiểu, tôi biết anh là một trinh sát viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, không sợ hy sinh, gian khổ, sẵn sàng lao vào những điểm nóng trên trận tuyến phòng chống ma túy ở vùng biên giới Điện Biên.
Theo Đại úy Cà Văn Xuyên, Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Trung úy Nguyễn Sĩ Bính được đồng đội gọi là “Trinh sát gộc”- danh hiệu chỉ dành cho những trinh sát giỏi, bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm, có phương pháp kỹ chiến thuật “xuất quỷ nhập thần” khiến cho các đối thủ khi đã lọt vào “vòng ngắm” rồi khó mà thoát thân. Đại úy Xuyên kể, trong số hàng chục chuyên án, vụ án mà Bính tham gia trong mấy năm gần đây, năm 2011, Bính đã thể hiện sự khôn khéo, can đảm tuyệt vời trong hai chuyên án 052L và 053L.
Mưu trí, dũng cảm trong các trận phá án
Nhờ sâu sát bám nắm địa bàn, lặn lội trinh sát nhiều ngày đêm ở địa bàn rừng núi heo hút, Bính đã phát hiện một đường dây ma túy lớn do hai đối tượng người dân tộc Mông là Hạng A Chu và Giàng A Sử ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, cầm đầu.
Được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ, Bính đã cải trang thành một người bán hàng “vi hành” đến Pú Nhi và bí mật tìm hiểu, điều tra các đối tượng và thủ đoạn vận chuyển, cất giấu ma túy của chúng. Sau 3 tháng kiên trì lần theo dấu vết các đối tượng, ngày 8-10-2011, anh báo cáo chỉ huy thời cơ “cất vó” đã đến và cho phép dàn quân vây bắt đối tượng.
Tuy nhiên, đến khi giao hàng tại một điểm cao tại xã Pú Nhi, đối tượng Chu và Sử đã phát hiện ra lực lượng mật phục của ta. Khi đã ở thế dồn vào chân tường, tên Sử liều lĩnh rút súng K54 nhằm thẳng vào đội hình phòng chống ma túy của Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên hòng thoát thân. Nhanh như cắt, Bính đã xông thẳng đạp một cú như trời giáng vào người Sử khiến hắn loạng choạng nên viên đạn bị bắn chệch mục tiêu. Chuyên án 052L kết thúc thắng lợi, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Sau chuyên án này, Bính tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp cận điều tra xác minh các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Mi-an-ma qua tỉnh Bo Kẹo về huyện biên giới Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ (Lào).
Gặp rất nhiều trở ngại, hiểm nguy bởi địa hình núi rừng cheo leo, heo hút, có lúc tưởng như đã vào “tầm ngắm đen” của các đối tượng, song bằng sự mưu trí của mình, ngày 20-10-2011, Bính đã khôn khéo nhử tên trùm ma túy Bun Thoong (quốc tịch Lào) cùng đồng bọn vận chuyển “cái chết trắng” ra khu vực biên giới huyện Mường Mày giáp ranh với xã Na Ư thuộc địa bàn Đồn biên phòng cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên).
Trong quá trình theo dõi, Bính đã phát hiện Bun Thoong mang theo một khẩu K59 cùng 6 viên đạn. Thông qua ký tín ám hiệu, Bính đã thông báo cho lực lượng đánh án của ta biết âm mưu, thủ đoạn mua bán, vận chuyển ma túy của bọn tội phạm và áp sát Bun Thoong để kiên quyết không cho hắn nổ súng gây thương vong cho đồng đội. Trong chuyên án 053L hôm đó, Bính trực tiếp bắt giữ được tên Bun Thoong và cùng đồng đội phá án thành công, thu giữ tại chỗ 10 bánh hê-rô-in, 1 súng K59 cùng 16 viên đạn, 2 xe máy.
Đại úy Cà Văn Xuyên tiết lộ thêm với tôi: Không chỉ lập công xuất sắc trong 2 chuyên án trên, chỉ tính từ năm 2009 đến nay, Bính đã trực tiếp cùng đồng đội tham gia đấu tranh thắng lợi gần 40 chuyên án, vụ án, bắt giữ 48 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 82 bánh hê-rô-in, 38kg thuốc phiện, gần 60.000 viên ma túy tổng hợp, 5 khẩu súng quân dụng, 13 súng tự tạo.
Gần đây nhất là ngày 19-6-2012, tham gia chuyên án 612L, không sợ nguy hiểm đến tính mạng, Bính cùng Thượng úy QNCN Vũ Quang Lâm rượt đuổi xe máy áp sát và bắt được tên Lý A Chua, sinh năm 1987 ở bản Ka Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên đang trên đường vận chuyển 20 bánh hê-rô-in. Nhận xét về nhân viên cấp dưới của mình, Đại úy Cà Văn Xuyên nói ngắn gọn: “Bính trinh sát tinh, đánh án giỏi, có lúc hơi ít nói nhưng trong đời thường rất chân thành, nghĩa tình với đồng đội”.
Nhờ đồng đội nhận phần thưởng trong lễ tuyên dương
Tại sao Bính ít nói? Phải chăng cái nghề trinh sát vốn cần những người kiệm lời? Tôi tò mò hỏi, Bính cười, một nụ cười khá hóm: “Trong công việc, em ít nói, mà quan sát và hành động là chủ yếu. Nhưng sau mỗi chuyến công tác dài ngày về nhà, có khi em nói nhiều hơn cả vợ và con em cộng lại đấy”. Nghe Bính nói vậy, tôi nghĩ ngay đến vợ của anh, người con gái xứ Thanh có đức tính hy sinh, tần tảo, chịu thương chịu khó, biết vun vén cho tổ ấm bé nhỏ để chồng yên tâm công tác.
Không nghề nghiệp ổn định, chỉ sống nhờ vào việc bán vé số, hầu như quanh năm suốt tháng phải một mình nuôi con nhỏ, nhưng 4 năm qua vợ anh luôn cố gắng. Cái nghề trinh sát đã cuốn Bính đi công tác triền miên, ngắn thì một hai tuần, dài thì kéo đến đôi ba tháng. Nhiều ngày liền không một tin nhắn, không một cuộc điện thoại hỏi han do chồng đi làm nhiệm vụ biền biệt ở nơi núi rừng heo hút, đúng như lời vợ anh tâm sự - không thể nói là không có lúc tủi thân, song vì đã đặt niềm tin trọn vẹn vào chồng - nên chị chấp nhận mọi khó khăn về mình để làm “điểm tựa tinh thần” cho anh toàn ý toàn tâm với công việc được giao.
Trong câu chuyện với Bính, tôi hỏi:
- Tuổi đời còn trẻ mà Bính phải thường xuyên xa vợ con và không ít lần trực tiếp đối đầu với bọn tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy vốn rất liều lĩnh và nhiều thủ đoạn gian ác, Bính có nghĩ một ngày nào đó mình chuyển sang công việc khác đỡ nguy hiểm hơn không?
Bính suy tư giây lát rồi bộc bạch:
- Dù em không phải là tạng người lãng mạn, hay thi vị hóa cuộc sống, nhưng em luôn tin vào những điều thiện. Em nghĩ, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy cũng là một cách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các xấu, cái ác, làm cho xã hội bớt đi những gia cảnh, số phận đau khổ, bất hạnh do “cái chết trắng” của bọn tội phạm ma túy gây ra. Thêm nữa, được góp công, góp sức giữ cho xã hội bình yên cũng là một cách giúp người thân, bạn bè và con cháu mình được hưởng một môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn.
Tôi cảm thấy ấm lòng vì suy nghĩ giản dị mà sâu sắc của Bính. Tôi đề nghị Bính được chụp một tấm ảnh để kèm theo bài viết này, thì anh bộc bạch: “Do tính chất nhiệm vụ đặc thù nên mọi hình của em, tên tuổi và địa chỉ vợ con em không nên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng anh ạ”.
Lý giải thêm điều này, Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận, Trợ lý thi đua - khen thưởng của Ban Thanh niên Quân đội cho tôi biết: Dù có mặt tại Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011 (do Trung ương Đoàn TNCS Việt Nam tổ chức ngày 22-3-2012 tại Hà Nội) và Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân (do Tổng cục Chính trị tổ chức ngày 16-5-2012 tại Hà Nội), nhưng Bính đã nhờ một đồng đội lên sân khấu nhận thay danh hiệu này cho mình.
Bính không muốn xuất hiện trước ống kính quay phim và máy ảnh của các nhà báo, bởi theo anh, bọn tội phạm ma túy vốn “không đội trời chung” với các chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm nên việc xuất hiện hình ảnh bản thân trên báo chí, truyền hình có thể gây bất lợi cho anh trong quá trình tham gia các chuyên án tiếp theo.
Nghe Bính chia sẻ và biết thêm thông tin như vậy, tôi càng trân trọng sự hy sinh thầm lặng của anh trước trận tuyến phòng chống ma túy vẫn còn đầy cam go, nóng bỏng.
Từ năm 2009 đến nay, Trung úy Nguyễn Sĩ Bính đã có một “bảng vàng thành tích” rất đáng khâm phục: Huân chương Chiến công hạng ba của Chủ tịch nước; 12 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Điện Biên, Sở An ninh tỉnh Phông Xa Lỳ (Lào); Giải thưởng 15/10 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2009; Chiến sĩ thi đua 4 năm liền (2008-2011). Năm 2011 anh vinh dự được nhận 3 danh hiệu lớn: “Thanh niên làm theo lời Bác” toàn quốc; Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân |
Theo Nguyễn Văn Hải
Quân Đội Nhân Dân