Người tài xế taxi được phong liệt sĩ

Mẹ, vợ và các con anh Quyền cùng với bằng Tổ quốc ghi công anh vừa được phong tặng. Ảnh: Hữu Vinh
Mẹ, vợ và các con anh Quyền cùng với bằng Tổ quốc ghi công anh vừa được phong tặng. Ảnh: Hữu Vinh
TP - Tài xế taxi Võ Văn Quyền vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phong liệt sĩ, trao bằng Tổ quốc ghi công. Anh đã dũng cảm cứu sống 3 người trong đám cháy. Anh cũng là người từng gan dạ tố cáo những tên giang hồ cộm cán định ngoi lên thay thế Năm Cam.

> Công đoàn cấp trên vào cuộc vụ kỹ sư Tạch

Mẹ, vợ và các con anh Quyền cùng với bằng Tổ quốc ghi công anh vừa được phong tặng. Ảnh: Hữu Vinh
Mẹ, vợ và các con anh Quyền cùng với bằng Tổ quốc ghi công anh vừa được phong tặng. Ảnh: Hữu Vinh.

Tổ quốc ghi công

Cách đây vài hôm, chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ anh Quyền nhận được tin báo từ đại diện Phòng Lao động, Thương binh xã hội quận 4 (TPHCM) cho biết Chính phủ đã có quyết định phong liệt sĩ cho anh Quyền và ngày 17-6, chính quyền sẽ tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho anh tại nhà riêng của mẹ con chị.

Chị nhận thông tin mà chẳng nói lên lời, bởi trước đó, chính quyền quận cũng đã cử người xuống lấy thông tin hướng dẫn chị làm hồ sơ và gửi lên trên. Chị nghe sao làm vậy. Bởi điều đó quá lớn và chẳng dám mong mỏi nó sẽ trở thành sự thật. Khi nghe con dâu báo lại điều này, mẹ ruột của anh Quyền, bà Trần Thị Ngọ (SN 1934), lặng lẽ nhìn chị và khóc.

Từ khi anh Quyền ra đi đến nay đã 3 năm, chị Hạnh cùng 3 đứa con vẫn ở với bà nội cùng các anh chị của anh Quyền, mặc dù nhà ba mẹ ruột của chị cũng ở gần đó. Anh mất, cuộc sống của những con người trú trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khoái, quận 4 càng chật vật…

Bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 8-4-2011 ghi rõ: “Tổ quốc ghi công liệt sĩ Võ Văn Quyền, đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Đêm đó, chị ngồi trước bàn thờ thắp hương khấn niệm: “Việc làm của anh hôm nay đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Anh xứng đáng. Nhưng em không vui, vì vắng anh. Chúng ta đã có bao nhiêu ngày khổ cực…”. Chị khóc!

Anh Võ Văn Quyền
Anh Võ Văn Quyền .
 

Chỉ sợ sự thật bị lấp vùi

Hồi trước, anh lên tiếng tố giác băng bảo kê Tài lệch - Sang ghẻ. Dường như khi ấy, băng nhóm Năm Cam đang tan rã, Tài lệch- Sang ghẻ muốn ngoi lên thay thế vị trí nên càng lộng hành, ra mặt khống chế nhóm taxi và bảo kê gái bar càng lộ liễu. Để có được uy quyền này, Tài lệch - Sang ghẻ được sự bọc đường của hai cán bộ công an phường Bến Nghé khi đó.

Một lần tình cờ phát hiện được vết tích của băng nhóm này, anh Quyền làm đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát hình sự (nay là Cục CSĐT tội phạm về quản lý trật tự xã hội), đồng thời cũng gửi đến báo Tiền Phong.

Trong đơn, anh Quyền tố cáo, tháng 8-2001, Tí điệu, một tài xế taxi khác ở khu vực này, nhặt được một máy tính xách tay hiệu Compaq, đã đưa cho Tài lệch cất giữ. Tài đã nộp lại cho ông T., trực ban hình sự công an phường Bến Nghé. Sau đó, ông T. gọi Tí tới doạ bắt giam nếu không chi 1 triệu đồng. Tiếp đó, ông công an biến chất này đã bán lại chiếc Compaq cho anh Quyền.

Khi đơn được gửi đến những nơi cần thiết, Tiền Phong cũng lên tiếng, nhóm Tài lệch - Sang ghẻ hù dọa “làm thịt” anh Quyền. Nhiều lần bị nhắn tin hay bị điện thoại nặc danh, anh Quyền chở chị Hạnh đi cùng một vài đồng nghiệp đến quá cà phê cóc bên hông tượng đài liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, cạnh văn phòng đại diện báo Tiền Phong TPHCM để uống nước với tôi. Và nhiều lần gặp nhau như thế, anh Quyền tỏ ra bức xúc vì tiếng kêu của anh có vẻ lạc lõng.

Tôi hỏi anh, có sợ không? Anh bảo, không sợ. Sợ nhất là sự thật người ta biết nhưng nó bị phủ lấp. “Nếu tôi không làm thì anh em đồng nghiệp cũng chẳng dám lên tiếng và, như thế, xã hội sẽ không còn công bằng. Con cái và gia đình tôi cũng sẽ không thể được ra đường và học hành đàng hoàng. Nếu tôi có chết để nói lên được công lý thì tôi sẵn sàng” - anh nói chắc nịch.

Rạng sáng 21-5-2002, dưới sự chỉ huy của Đại tá Hoàng Tân Việt, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự khi ấy, các trinh sát bắt khẩn cấp 4 đối tượng trong băng nhóm Sang ghẻ để điều tra các hành vi bảo kê nhà hàng, khách sạn, cưỡng đoạt tài sản của lái xe taxi, tiếp viên nhà hàng và cung cấp gái mại dâm... trong khu vực đường Bạch Đằng - Đồng Khởi - Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1.

Trong quá trình điều tra, chính Đặng Thiên Ân, đàn em Sang ghẻ, đã khai, tháng 8-2001, khi thu tiền bảo kê taxi, gã phát hiện một vị khách bỏ quên chiếc máy tính xách tay hiệu Compaq trên xe. Ân bảo tài xế giao nộp cho cán bộ đặc trách hình sự của phường.

Tuy nhiên, vị cán bộ này lại không giải quyết theo thẩm quyền mà gọi điện thoại cho tài xế taxi nọ yêu cầu đưa 1 triệu đồng để không bị bắt về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, ông ta bán chiếc Compaq lấy 7 triệu đồng! Những lời khai ấy cho thấy nội dung đơn tố cáo của anh Quyền là có cơ sở.

Tưởng rằng băng Sang ghẻ bị triệt xóa sẽ mang lại bình yên cho anh Quyền thì đêm 8-10 năm đó, tôi lại nghe tiếng của chị Hạnh trong điện thoại: “Anh ơi chồng em vừa bị chém hụt”.

Anh Quyền kể lại, trong lúc đứng đợi khách tại bar Apocalypse Now (số 2C Thi Sách, quận 1), anh bị một thanh niên ngồi sau xe máy rút kiếm chém vào cổ, nhưng may mắn tránh kịp. Khi anh bỏ chạy, tên này còn đuổi theo cố chém. Cơ quan chức năng thu được bao kiếm do hung thủ để lại hiện trường và xác định, đối tượng là một trong những tay chân của băng Sang ghẻ.

Anh Quyền và gia đình khi anh còn sống
Anh Quyền và gia đình khi anh còn sống.
 

Cái chết nhẹ tựa lông hồng

Sau đó, anh Quyền bỏ luôn nghề taxi dạo sang đầu quân lái xe buýt liên vận quốc tế TPHCM - Camphuchia cho hãng xe Mai Linh. Bận rộn công việc, hiếm khi tôi và anh gặp nhau. Nhưng thật bất ngờ, một ngày đầu năm 2009, tôi nhận được hung tin, anh ra đi vì không ngần ngại lao vào một đám cháy tại một căn nhà gần nơi anh ở để cứu cụ bà 76 tuổi cùng hai em nhỏ. Anh bị ngạt khói và chết sau khi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Thần chết đã đoạt đi mạng sống của một con người dũng cảm đang cố vun đắp cho một gia đình vừa thoát khỏi sóng gió…

Giáp Tết Nguyên đán năm ấy, tôi đến thăm và mang theo số tiền nhỏ của bạn đọc Nguyễn Hải Ngọc (TP Vũng Tàu), gửi tặng gia đình anh. Tấm gương dũng cảm của anh đã được Liên đoàn Lao động TPHCM truy tặng bằng khen “Dũng cảm hy sinh cứu người”, đồng thời phát động phong trào học tập tấm gương của anh trong toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động thành phố.

Sau đó UBND quận và TPHCM cũng tặng bằng khen. Chị Hạnh cho biết, số tiền nhỏ của bạn đọc Tiền Phong cộng với số tiền mà các nơi gần xa gửi đến chia sẻ với gia đình giúp chị có một cái Tết ấm áp.

Hôm qua, tôi mang đến nhà anh lẵng hoa màu trắng và đặt trên bàn thờ. Mẹ anh bảo: “Thằng Quyền ra đi, tôi mất một khúc ruột. Nhưng hôm nay nó được phong liệt sĩ, tôi quá tự hào vì có đứa con như thế”. Con trai lớn, của vợ chồng chị tên Võ Văn Tuấn (19 tuổi) vừa thi tốt nghiệp trung học, đang nộp đơn thi tuyển vào Đại học Công nghiệp TPHCM.

Con gái kế tiếp chuẩn bị học lớp 12 và đang đeo đuổi giấc mơ bước vào giảng đường đại học để làm nhà khoa học. Còn em trai nhỏ của vợ chồng anh đang học mẫu giáo… Hàng ngày chị Hạnh phụ bán hàng cho bạn cũng được 2 triệu đồng mỗi tháng, tối về chị làm phụ việc theo giờ cho láng giềng cộng với tiền trợ cấp anh là liệt sĩ, nên cuộc sống của mẹ con chị cùng mẹ chồng cũng gói gém được.

Xã hội cần thêm nhiều người như anh

Trung tá Nguyễn Tiến Nghĩa - Phó Trưởng phòng Cục CSĐT tội phạm về quản lý trật tự xã hội phía Nam, từng tham gia chuyên án điều tra băng nhóm Sang ghẻ, nói: “ Thời điểm Cục truy xét, Quyền đã nổ lực bám trụ ở địa bàn để tìm kiếm thêm những bằng chứng để cung cấp cho cơ quan điều tra. Thậm chí, phải đương đầu những khó khăn, đe dọa.

Những ai không có thần kinh thép sẽ không vượt qua khỏi điều này. Cùng với hành động lao vào đám cháy cứu người và hy sinh, Quyền xứng đáng được phong liệt sĩ. Xã hội cần có thêm những người như Quyền”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.