Người tài xế ở hội nghị Paris

Người tài xế ở hội nghị Paris
TP - Có một nhân chứng nước ngoài thầm lặng trường kỳ cùng Hội nghị Paris, cách đây chẵn 40 năm. Michel Strachinescu, tài xế cho đoàn đại biểu ta ở Paris suốt bốn năm trời, vừa đến Hà Nội sáng 24-1. Chiều cùng ngày tôi may mắn diện kiến ông.

> Chuyện của một phiên dịch
> Trích đoạn chuyện đánh - đàm Ba Lê

Phòng 412 Nhà khách 35 Hùng Vương. Hai cánh cửa sổ kính đóng kín mít mà phòng thì hình như không bật điều hòa. Chưa kịp ngấm cảm giác ngột ngạt, người đàn ông cao lớn trong bộ đồ bình dân đã gây ấn tượng bằng tiếng cười sảng khoái và cái bắt tay chặt như hai gọng kìm.

Tôi đồ thế nào một trong những nguyên nhân chính khiến ông được mời lái xe cho đoàn ta tại Hội nghị Paris là ở cái sức lực điền dòng máu Áo.

Nếu cô phiên dịch tiếng Pháp xinh đẹp từ Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam không tỏ ra khó chịu, thế nào tôi cũng vặn hỏi cách gì khiến gân cốt ở tuổi 66 của ông bây giờ vẫn săn chắc như vậy.

Với Michel, sang Việt Nam dự kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris cũng tình cờ như cách đây hơn 40 năm ông tình cờ được mời làm tài xế cho phái đoàn ta. Lần này, ông được mời là theo đề nghị của Đại Sứ quán Việt Nam tại Paris.

Còn năm 1970, cũng tại Paris, ông cũng được mời bất ngờ. Bên mời là đại diện Đảng Cộng sản (ĐCS) Pháp. Chẳng phải mệnh lệnh hay chỉ thị gì, chỉ là một đề nghị đơn giản: lái xe kiêm bảo vệ cho phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ở một nơi cách nhà ông 100 km.

Michel (thứ nhất từ trái qua, hàng sau) cùng các thành viên tham gia Hội nghị Paris cách đây 40 năm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Michel (thứ nhất từ trái qua, hàng sau) cùng các thành viên tham gia Hội nghị Paris cách đây 40 năm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không phải đảng viên cộng sản, chỉ biết Việt Nam qua báo chí, nhiều nhất là từ tờ L’humanite (Nhân Đạo), và qua các cuộc biểu tình chống Mỹ trên đường phố Paris.

Chàng trai 23 tuổi một vợ ba con yêu Việt Nam một cách tự nhiên và đơn giản như vậy. Tưởng chỉ một vài tháng là cùng nên không thông báo cụ thể cho gia đình. Ai dè một năm, hai, ba rồi bốn năm.

Sau này mới biết đoàn ta đã cử người đến gặp bà Jacqulines Strachinescu làm công tác tư tưởng. Bốn năm dằng dặc, vì thế, mới không thấy hậu phương ì xèo gì với tiền tuyến.

Khoản thù lao 700 Franc cho 400 giờ làm việc mỗi tháng, Michel ít động đến vì chạy với đoàn ta liên miên. Vợ một nách ba con, trong đó hai đứa đầu sinh đôi. Nguồn thu cho cả nhà chủ yếu dựa vào Michel.

Từng ấy tiền gửi về nhà là khá căng thẳng so với giá cả sinh hoạt thời đó. Nhưng nghe nói chồng đang giúp đỡ các bạn Việt Nam đấu tranh chống Mỹ, Jacqulines nhiều khi còn viện trợ ngược cho ông xã.

Hầu như lần nào cũng ăn cùng đoàn khiến Michel trở nên nghiện và thạo nấu món ăn Việt. Có lần anh tham gia nấu nướng, làm bánh tây đồ ăn tây, mặc dù đoàn ta có đầu bếp là người Việt. Khâu bảo vệ cũng vậy. Đành rằng các vị lãnh đạo đoàn ta đi đâu cũng có bảo vệ riêng. Nhưng sau này, mỗi khi các vị lên xe, Michel mặc nhiên trở thành vệ sỹ bất đắc dĩ.

“27-1 là ngày chúng tôi tràn ngập cảm xúc cùng các đồng chí Việt Nam. Khoảnh khắc ấy, chúng tôi reo hò và cùng ăn mừng thắng lợi với các bạn”, Michel Strachinescu Ảnh: QD
“27-1 là ngày chúng tôi tràn ngập cảm xúc cùng các đồng chí Việt Nam. Khoảnh khắc ấy, chúng tôi reo hò và cùng ăn mừng thắng lợi với các bạn”, Michel Strachinescu. Ảnh: QD.

Tôi tò mò, vậy Michel trước đó có các kỹ năng tối thiểu của một vệ sỹ không? Michel cười, xòe đôi bàn tay lực lưỡng rồi vo lại thành nắm đấm và bảo chẳng có kỹ năng gì hết. Trước khi lái xe cho đoàn ta, nghề chính của Michel là lái xe và có lúc làm thư ký.

 Dẫu sao tôi thấy mình nằm trong số ít người may mắn trở thành một phần dù rất nhỏ trong quãng thời gian lịch sử ngoại giao hào hùng của Việt Nam. Tôi không thể tin được chiếc ô tô của tôi đã làm một cuộc chạy marathon cùng một hội nghị kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao toàn cầu.

Chiếc xe đặc chủng năm chỗ ngồi hiệu Citroen trở thành bạn thân nhất của Michel. Tập đoàn sản xuất ô tô Citroen ngày nay không còn nữa do bị mua lại bởi tập đoàn sản xuất lốp xe Michelin từ trước đại chiến thế giới thứ II.

Tuy nhiên cái tên Citroen còn tồn tại và hiện vẫn là một trong những thương hiệu ô tô nổi tiếng. Vào những năm 20 - 30 của thế kỷ 20, ô tô Citroen tràn ngập ở Pháp và cả châu Âu. Vào thời điểm đỉnh cao, thị phần của ô tô Citroen tại Pháp lên tới gần 50%.

Bằng chiếc Citroen màu đen ấy, Michel chủ yếu phục vụ bà Nguyễn Thị Bình, trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tham gia hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris miết cho đến năm 1973.

Michel nhớ lại đã cố gắng điều khiển chiếc xe thương hiệu sang trọng sao cho tư thế và cách chạy cũng phải sang trọng như thể có đoàn mô tô hộ tống.

Thậm chí ông còn tính đến tình huống đối phó nếu bị người của phía Mỹ khiêu khích hoặc những kẻ thuộc phe chống đối tấn công trên đường.

Chở người phụ nữ duy nhất đặt bút kí vào Hiệp định Paris, và cho cả ông Lý Văn Sáu, ông Vương Đình Thảo, cũng như bà Nguyễn Thị Chơn, Michel tự thấy trọng trách vệ sỹ bất dắc dĩ của mình.

“Chào đồng chí, đồng chí khỏe không?”. Sau câu chào đã thành quen hằng ngày, Michel lại ôm vô lăng, lúc trên đường, lúc chờ đợi dằng dặc tại sân Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber.

Có hôm đợi trong rét buốt, tuyết rơi dày đặc đến tận hai giờ sáng hôm sau. Những hôm về muộn thường là đàm phán không đạt kết quả, ai nấy ra khỏi phòng họp nom mệt rã rời.

Bản xác nhận Michel có công lái xe suốt bốn năm trời của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đúng ngày 27-1-1973
Bản xác nhận Michel có công lái xe suốt bốn năm trời của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đúng ngày 27-1-1973.

Về kỷ niệm đáng nhớ nhất, Michel kể về bộ áo dài độc đáo thướt tha của bà Nguyễn Thị Bình mỗi lần bà thong thả lên xe từ căn hộ tại Verrière-le-Buisson tới khu chung cư ở Massy để họp với các thành viên khác trong đoàn miền Nam, rồi xuống Choisy-le-Roi họp với đoàn miền Bắc, hoặc ra Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber để đấu tranh trên bàn đàm phán chung bốn bên.

Một chuyện nữa giờ ông nghĩ lại mà rùng mình. Số là chiếc Citroen đang chạy nhanh trên đường dày đặc phương tiện giao thông, bỗng dưng cán nhôm treo cờ nhỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ở đầu xe gãy. Lá cờ rơi vèo xuống đường.

Không đắn đo, Michel cho xe đột ngột dừng sau khi làm dấu hiệu khẩn cấp. Ông chạy bộ đến vị trí lá cờ rơi cách đó 200 m giữa dòng xe cộ lao vun vút. Có người cáu quá giảm tốc độ xe và hét tướng “Cậu điên à?”.

“Lúc ấy, thực tình tôi chỉ nghĩ không thể để mất lá cờ của phái đoàn. Lá cờ là sự đảm bảo cho sự khác biệt của chiếc ô tô chở phái đoàn Việt Nam trong dòng xe cộ nườm nượp.

Sự khác biệt ấy không chỉ giữ uy tín cho phái đoàn mà còn để nhận được ưu tiên cần thiết trong các tình huống khẩn cấp”, Michel cười sảng khoái.

Các thông tin về đàm phán luôn được giữ kín. Nhưng bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ thông tin theo cách đặc biệt với người tài xế tận tụy.

Ngày 14-1-1973, sau thất bại của Mỹ ở trận Điện Biên Phủ trên không, bà chuyển thông điệp tiến trình đàm phán đang đi qua bước ngoặt bằng việc ký tặng Michel bức ảnh của bà bên bàn hội nghị.

Bà Bình giải thích với ông tờ giấy mà bà đang cầm trên tay là những điều khoản mới nhất của dự thảo Hiệp định Paris sắp được các bên hạ bút ký.

Và đúng 27-1-1973, ngày các bên chính thức ký Hiệp định Paris, bà Bình dành cho ông một cơ hội đặc biệt khác.

Bà ký ngay một văn bản đóng dấu tròn của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam xác nhận đóng góp âm thầm không mệt mỏi của Michel trong cương vị mà hầu như ít ai để ý.

Cô phiên dịch tên Trinh giục tôi rối rít buông tha Michel để ông còn kịp đến truyền hình làm một phóng sự cho ngày 27-1.

Michel có vẻ không sốt ruột. Vẫn sôi nổi, vẫn hào hứng với khách như thể thân tình, vẫn cố kể tôi nghe cảm xúc trở lại Hà Nội kể từ lần đầu tiên đến hồi năm 1976.

“Chỉ một năm sau ngày Việt Nam thống nhất, bà Nguyễn Thị Bình đã mời tôi sang thăm quê hương của bà. Hồi ấy, tôi bất ngờ với Vịnh Hạ Long có vẻ quyến rũ mê hồn”.

Còn lần này, trở lại Việt Nam khi đã nghỉ hưu, Michel bất ngờ về sự gia tăng của các khối và tòa xi măng dọc hai bên đường từ sân bay Nội Bài về Trung tâm Hà Nội.

“Cuộc sống là thế”, Michel lại nắm chặt tay khiến tôi cảm nhận như thể ông đang nắm chặt vô lăng ngày nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.