Người Sài Gòn với văn hoá cúng tiễn ông bà ngày mùng 3 Tết
TPO - Tiễn ông bà ở miền Nam hay lễ hóa vàng ở các vùng miền là tục lệ không thể thiếu của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Nghi lễ này thường được thực hiện vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 Tết hàng năm.
Từ sáng sớm mùng 3 Tết, nhiều gia đình bắt đầu đi chợ sớm, sắm lễ để cúng tiễn ông bà.
Con cháu cũng tề tựu về quây quần trong ba ngày Tết, thể hiện lòng hiếu kính.
Bà Nguyễn Thu Ba, ngụ đường Tự Quyết, quận Tân Phú (TPHCM) đang bày mâm cúng đất đai trước nhà. "Mùng 3 Tết, khi bà con, dòng họ, con cháu tụ về thì cũng là dịp mình dạy cho con cháu cách cúng, thể hiện lòng tưởng nhớ ông bà. Năm nay, nhà tôi cúng đơn giản nhưng cũng chuẩn bị các lễ cơ bản như con gà chéo cánh, thịt kho, món xào...", bà Thu Ba cho hay.
"Tụi nhỏ thấy mình tưởng nhớ ông bà, bày biện chỉn chu...thì cũng nhìn đó mà học theo. Tôi nghĩ đây là cách dạy con cháu tốt nhất thay vì chỉ dùng lời nói", bà Thu Ba chia sẻ.
Mâm ngũ quả ngày tết cũng được nhà bà Thu Ba thay mới. Mâm ngũ quả ngày tết phải chưng trái cây có màu đẹp tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), tên của trái cây cũng phải hay, gửi gắm mong ước như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
Trong ngày này, gia chủ thường bày một mâm cỗ nhỏ nhằm thể hiện sự kính trọng. Đây cũng là dịp để người trong nhà tụ họp, bày tỏ lòng hiếu kính đến các bậc Tổ tiên. Vì vậy dù có bận rộn đến mấy, con cháu cũng cố gắng sắp xếp, quây quần bên nhau vào ngày mùng 3 Tết để làm lễ đưa ông bà.
Theo truyền thống xưa, từ ngày 29-30 Tết, các gia đình Việt đã làm lễ cúng mời Tổ tiên về sum họp trong 3 ngày Tết. Trong những ngày Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ. Do vậy, đèn hương không bao giờ được tắt. Các đồ dâng cúng như hoa quả, mâm ngũ quả và bánh kẹo phải đợi đến “ngày hóa vàng” mới được hạ xuống.
Theo tục lệ thông thường, lễ vật cần chuẩn bị bao gồm ngũ quả, rượu trắng, trầu cau, đèn nến, bánh kẹo, nhang, hoa quả cùng với mâm cỗ chay hoặc lễ mặn và hai cây mía. Theo tục lệ xưa, hai cây mía này chính là đòn gánh vàng cho người ở cõi âm, đồng thời cũng có tác dụng xua đuổi quỷ dữ.
Mâm cúng đất đai cơ bản đặt trước cửa nhà.
Trong văn hóa người Việt, gà là một trong những vật nuôi thân thuộc với cuộc sống. Con vật này trở thành món ăn dâng cúng tổ tiên thần linh mỗi dịp lễ, Tết. Khi đặt gà cúng trên ban thờ, theo một số chuyên gia nghiên cứu, nên quay đầu gà hướng về bát hương với tư thế được gọi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu” tức là há miệng, chân quỳ và cánh duỗi ra tự nhiên. Nếu làm theo cách nhiều gia đình làm có nghĩa có đầu gà hướng ra ngoài thì đó là gà không chịu chầu. Thực tế là gà quay đầu ra ngoài sẽ đẹp hơn so với quay đầu về bát hương và phao câu chổng ra ngoài nhưng cách đặt gà cúng như vậy chỉ đẹp về hình thức, không đẹp về ý nghĩa tâm linh và sự thành kính.
Món xào không thể thiếu trên mâm lễ vật dâng cúng
"Theo tôi biết, món thịt kho hột vịt múc ra nhìn đẹp mắt trong mâm cơm ngày tết. Miếng thịt vuông vức. Hột vịt tròn. Như biểu tượng cho âm dương cân bằng, tinh tế. Trứng tròn còn là biểu tượng của sự sung túc, sinh sôi, mong một năm mới an khang, con cháu đông đàn... Nếu ai không thích ăn hột vịt có thể thay bằng trứng cút, nhỏ hơn, nhìn đỡ ngán hơn", ông Nguyễn Thành Tân, anh trai của bà Thu Ba chia sẻ.
Món canh thêm sắc màu cho mâm cỗ.
Năm nay, mâm cúng ông bà nhà bà Thu Ba khá đơn giản.
Bà Nguyễn Thị Mai, chị của bà Thu Ba đang khấn vái ông bà.
"Riêng với trang thờ Phật thì mình không bày đồ mặn", bà Thu Ba chia sẻ.
Mâm cỗ cúng ông bà vào ngày mùng 3 Tết là bữa ăn cuối cùng của các bậc gia tiên trong ngày Tết trước khi về với cõi vĩnh hằng, vì vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tấm lòng thành kính nhất từ gia chủ. Tùy vào điều kiện kinh tế khác nhau mà mỗi gia đình sẽ có cách bày mâm cỗ khác nhau. Tuy nhiên, mỗi mâm cỗ vẫn phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như bánh chưng xanh, nem rán, giò chả, gà luộc, xôi và các loại hoa quả tươi, đẹp mắt và ngọt lành.
Con cháu tập trung thắp nén hương cho ông bà.
Bánh chưng, dưa hành không thể thiếu trong mâm cỗ đưa ông bà ngày mùng 3 Tết. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, là nơi con người sinh ra và lớn lên. Đây là vật phẩm được chắt chiu từ những gì tinh túy nhất dâng lên ông bà, tổ tiên, ăn kèm với món dưa hành chua cay tròn vị càng thêm ngon mà không gây ngán. Với mâm cỗ miền Nam, bánh chưng thường được thay thế bằng bánh tét tròn, hương vị cũng ngon không kém.
Mâm cỗ hóa vàng thường được gia chủ cúng vào ngày mùng 3 Tết, thông thường lễ cúng vào buổi chiều, nghĩa là cuối ngày thứ 3 ông bà về nhà ăn Tết với con cháu. Tuy nhiên cũng tùy điều kiện mỗi gia đình, có khi lễ cúng đưa ông bà được tiến hành vào buổi trưa mùng 3 hoặc trong ngày mùng 4 Tết. Đây chính là bữa cỗ mặn cuối cùng có tính nghi lễ thờ cúng Tổ tiên.