Người phụ nữ bán hoa quê Hưng Yên dương tính SARS-CoV-2 sau 4 lần xét nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
Người phụ nữ bán hoa quê Hưng Yên dương tính SARS-CoV-2 sau 4 lần xét nghiệm
TPO - Sau 4 lần xét nghiệm, bà P.T.T (SN 1968, trú xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) dương tính SARS-CoV-2 sau 4 lần xét nghiệm.

Trao đổi với Tiền Phong sáng 28/5, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hưng Yên cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19.

Trường hợp này là bà P.T.T (SN 1968, trú tại thôn Duyên Linh, xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu), là F1 của BN3168.

Theo CDC Hưng Yên, ngày 27/4, BN3168 và BN4262 đến nhà bà P.T.T chơi và cùng nhau hát karaoke tại nhà.

Ngày 1/5, con trai (làm tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) và con gái ở xã kế bên về nhà chơi.

Chiều 3/5, bà P.T.T chở BN3168 từ quê lên phố Trương Định (TP Hà Nội) sau đó ở lại ăn cơm với BN3168.

Những ngày sau đó, bà đi lấy hoa ở chợ Quảng Bá (Nhật Tân, Hà Nội) sau đó về chợ Tân Mai (quận Hoàng Mai) bán.

​Chiều 7/5, sau khi biết BN3122 mắc COVID-19, bà P.T.T đi xe máy từ Hà Nội về quê rồi ra khai báo tại Trạm y tế xã Đông Ninh sau đó cách ly tại nhà. Tối cùng ngày, BN3168 dương tính SARS-CoV-2, bà P.T.T trở thành F1 và được đưa đi cách ly tập trung tại Khu Than Nâu (huyện Khoái Châu).

Tại khu cách ly, nữ bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần đều âm tính rồi được chuyển xuống Bệnh viện Nhiệt đới Hưng Yên điều trị. Tại đây,kết quả xét nghiệm xác định bà P.T.T dương tính SARS-CoV-2. ​Ngay lập tức TTYT Khoái Châu phối hợp với các trạm y tế xã truy vết các trường hợp F1,F2…

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo các việc cần làm tại KCN để chống dịch COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương phải phân công rõ trách nhiệm từng người để trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Các địa phương phải kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch với khu công nghiệp. Đồng thời, các tỉnh phải kiện toàn và duy trì tổ phòng chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp hoạt động tương tự như tổ COVID-19 cộng đồng.

“Công nhân trong các khu công nghiệp bắt buộc phải khai báo y tế bằng công nghệ thông tin và có phân loại dịch tễ, xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Vừa rồi một số đơn vị vẫn khai báo bằng giấy, khi có ca dương tính phải truy vết mất rất nhiều thời gian để tìm ra bản khai”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Với các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19, phải chủ động kiểm tra có phương án phòng, chống dịch cụ thể như phân luồng với ca làm việc; Kiện toàn thành lập tổ phòng, chống dịch trong từng bộ phận; Yêu cầu công nhân đi làm phải khai báo y tế. Những trường hợp cán bộ phục vụ phải được lấy mẫu thường xuyên theo khuyến cáo bảy ngày/lần.

“Chính quyền địa phương phải chỉ đạo ngành y tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khám sàng lọc, ít nhất khám cho 20% số công nhân lao động có nghi ngờ. Thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất, giờ ăn trưa và tan ca bảo đảm công tác chống dịch” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu, trong các doanh nghiệp khi làm việc phải đảm bảo thông thoáng, hạn chế tối đa bật điều hoà, trừ trường hợp bắt buộc, thay vào đó mở tất cả các cửa, bật quạt.

Trong các phân xưởng, giữa các công nhân phải đảm bảo khoảng cách, khi làm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên. Xe vận chuyển công nhân cũng không được chở quá 50% lượng người và không được bật điều hoà.

Lãnh đạo các doanh nghiệp phải điều chỉnh các ca làm việc, điều chỉnh giờ ăn trưa tránh tập trung một lúc quá nhiều người, có bộ phận thường xuyên tiêu trùng, khử khuẩn để có thể đưa từng phân xưởng hoạt động trở lại.

Với doanh nghiệp đã có ca bệnh phải làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly, và truy vết triệt để các ca nhiễm, giảm tối đa ca nhiễm lây ra cộng đồng. Phải điều tra nắm chắc dịch tễ tại nơi cư trú.

Bộ Y tế đề nghị địa phương phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch tại cả hai nơi khu công nghiệp và cộng đồng, tránh việc lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.

Các doanh nghiệp cũng cần lên phương án sàng lọc từng phân xưởng, từng nhóm công nhân, nếu từng bước an toàn dần dần đưa từng phân xưởng vào hoạt động để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Việt Nam tiếp nhận 40 máy đo thân nhiệt từ xa trị giá gần 1 triệu USD do Hàn Quốc tặng

Sáng 28/5, tại Bộ Y tế đã diễn ra lễ trao tặng 40 máy đo thân nhiệt từ xa của Chính phủ Hàn Quốc cho Chính Phủ Việt Nam để ứng phó với đại dịch COVID-19. GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viênTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế thay mặt Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ.

Buổi trao tặng có sự tham gia của Ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, và đại diện UNOPS tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt cho ngành y tế và trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Điều này thể hiện mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

“Ngày hôm nay, Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc hỗ trợ hệ thống máy đo thân nhiệt trị giá gần 1 triệu USD cho Việt Nam, là sự hỗ trợ cần thiết và quý báu để góp phần thúc đẩy cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, góp phần vào việc kiểm soát dịch bệnh. Các máy đo thân nhiệt từ xa này rất hữu ích, thiết thực cho những nơi đông người như cảng hàng không…”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đồng thời Bộ trưởng cũng mong muốn tới đây, Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc, các doanh nghiệp của Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ vật tư y tế, trang thiết bị xét nghiệm, đặc biệt là vắc xin cho công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn được tiếp cận vắc xin sớm nhất và rộng nhất để nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin ho người dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Do đó, nếu phía Hàn Quốc có nguồn cung ứng vắc xin thì tạo cơ chế để phối hợp cung ứng vắc xin nhanh chóng cho cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam được sử dụng”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Quảng Bình: Nới lỏng một số biện pháp hạn chế phòng dịch bệnh COVID – 19

Ngày 28/5, tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Những hoạt động tham quan, du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch, các di tích, danh thắng có khả năng tụ tập đông người… sẽ được đón khách nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID – 19 trên địa bàn.

Theo đó, các khu, điểm tham quan du lịch… có khả năng tụ tập đông người trên địa bàn tỉnh gồm: động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên đường, Suối nước Moọc, sông Chày– hang Tối, Vườn Thực vật… hay Bảo tàng tổng hợp tỉnh, các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sẽ được hoạt động trở lại nhưng bắt buộc phải chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của cơ quan y tế.

Riêng đối với những hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết có nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID – 19 như các rạp chiếu phim, tiệm game, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, sân gorf (chỉ cho phép hoạt động sân tập) vẫn sẽ tiếp tục dừng cho đến khi có thông báo mới.

Tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường (trừ các lớp ôn thi đối với học sinh cuối cấp) vẫn tiếp tục dừng chờ thông báo mới.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện các nội dung trên và tăng cường thông tin tuyên truyền để nhân dân, khách du lịch chia sẻ, tuân thủ; kiểm tra và xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Theo báo cáo của Sở Y tế, cho đến thời điểm này (28/5) toàn tỉnh Quảng Bình vẫn chưa phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đối với những trường hợp đi từ vùng dịch về đã được kiểm soát, và phân loại dịch tễ để từ đó có những phương án phòng dịch đảm bảo an toàn cho gia đình, và cộng đồng nơi họ sinh sống…
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.