> Mất hơn 2.000 tỷ đồng vì chất tạo nạc
> Dùng chất tạo nạc, người nuôi nói gì?
Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông, đơn vị chăn nuôi lợn, gia cầm lớn nhất miền Bắc (Sơn Tây, Hà Nội), cho biết: Thời gian vừa rồi, một lượng khá lớn lợn xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Lợn xuất đi chủ yếu loại 90 kg/con trở lên, trong đó, phần lớn là lợn từ hệ thống nuôi gia công của Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Chiến gần một tuần nay, lượng lợn xuất đi Trung Quốc giảm đáng kể, do chênh lệch giá không lớn.
Hiện giá lợn hơi tại khu vực Hà Nội trung bình 48, lợn “đẹp” mới có giá 50 nghìn đồng/kg, trong khi lợn giá bên Trung Quốc chỉ chênh 3-5 giá, trừ chi phí, gần như không có lãi, nên thương lái đã ít bắt.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), có hai thị trường mà Việt Nam có thể xuất tiểu ngạch là Trung Quốc và Campuchia. Tuy nhiên, hiện lợn xuất tiểu ngạch đi hai thị trường này giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, cho biết tuần trước, trung bình mỗi ngày có khoảng 350-400 tấn lợn xuất sang Trung Quốc. Hiện số lượng xuất giảm đáng kể.
Khả năng cung cấp thịt lợn cho tháng Tết khoảng 400 nghìn tấn. Việc thiếu thịt có thể xảy ra vào những tháng sau Tết - vị lãnh đạo này lo ngại.
Ông Trần Văn Chiến cho biết, giá lợn tăng lên tuy có mừng, "nhưng thử hỏi các trang trại không vay được vốn thì lấy gì mà vào đàn". HTX Cổ Đông hàng trăm xã viên mà không ai vay được vốn mới lãi suất ưu đãi 11% như chỉ đạo của Thủ tướng.
“Những quy định của ngân hàng đưa ra như có tài sản thế chấp, dự án phải khả thi… Người nuôi đang thua lỗ, tài sản đã thế chấp ngân hàng cả rồi làm gì mà vay được nữa”- ông Chiến nói.
Trong năm 2012, HTX Cổ Đông, số trang trại lợn bỏ chuồng khoảng hơn 20%, còn trang trại gà hơn 30%.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá các sản phẩm chăn nuôi lên là một tín hiệu mừng. Tuy nhiên, để cứu lại ngành chăn nuôi, giá lợn hơi cần tăng lên 60 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi mới có động lực vào đàn, người tiêu dùng cũng có thể chấp nhận được.