Người Nhật tìm cảm hứng thay đổi ở Việt Nam

Người Nhật tìm cảm hứng thay đổi ở Việt Nam
TP - Ông Kiwamu Kayano - giám khảo người Nhật của cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ nhấn mạnh yếu tố quan trọng dẫn đến thành công trong mọi việc người Nhật làm - chính là “tính hữu ích”.

> Sửng sốt với ý tưởng trẻ thơ
> Ý tưởng lạ của trẻ thơ

“Chúng tôi khuyến khích đưa ý tưởng về các sản phẩm hữu ích cho con người. Các ý tưởng của trẻ em Việt Nam đều xuất phát từ mong muốn cải tạo những khó khăn trong cuộc sống. Những em như vậy sẽ là các công dân hữu ích trong tương lai”.

Tổ chức cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ cho trẻ em Việt Nam có thể chỉ là trò chơi của một hãng xe Nhật (dù đầu tư rất nhiều tiền), nhưng chuyện nghiêm túc là đây: Một cường quốc tưởng chừng bão hòa trên mọi lĩnh vực lại cần tìm nguồn cảm hứng ở một nước đang phát triển.

Nói như vậy không có nghĩa là những ý tưởng mơ mộng của trẻ em Việt Nam sẽ được mang đến Nhật và được công nghệ biến thành hiện thực ngay tức khắc. Ý tưởng trẻ thơ tổ chức ở Việt Nam đã 6 năm và còn diễn ra ở Nhật, Thái Lan. Hôm 27/7 tại Hà Nội, giám khảo Việt Nam và Nhật bắt tay vào chấm các mô hình dự thi vòng chung kết Ý tưởng trẻ thơ 2013. Có 60 mô hình được chấm.

Có thâm niên mấy năm làm giám khảo cuộc thi này, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Người Việt chưa biết trân trọng trẻ con, còn người Nhật thì khác. Họ lắng nghe tất cả gợi ý sáng chế từ khách hàng. Không phải ngẫu nhiên mà bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tạo sân chơi cho trẻ con - khách hàng tương lai”.

“Tôi không tin rằng những gợi ý đầy mơ mộng, cổ tích của trẻ em Việt Nam có thể trở thành hiện tượng, nhưng điều đó lại đánh thức trong người Nhật sự sáng tạo. Cũng như việc quả táo có thể rơi trúng đầu hàng nghìn người nhưng chỉ mình Newton rút ra chân lý. Vai trò của trẻ em trong cuộc thi này là ném quả táo”.

Một giám khảo khác là PGS.TS Lê Anh Tuấn – giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội – nói với phóng viên: “Nhật Bản đang ở mức bão hòa, không chỉ về kinh tế mà hầu như mọi nhu cầu đều được thỏa mãn. Dường như họ có tất cả, nên cần nguồn cảm hứng để làm nên sự thay đổi. Chính vì thế họ hướng đến các nước đang phát triển”.

“Ở các nước như Việt Nam, mọi thứ đang chênh vênh. Tôi cho rằng trong quá trình giúp đỡ các nước đang phát triển, nước Nhật cũng tìm ra con đường đi lên của mình” - PGS Tuấn nói.

Người Nhật cũng luôn nhấn mạnh vai trò của sách đối với thành công của đất nước này trong lịch sử. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun Hye cũng đến hội chợ sách quốc tế Seoul để cổ vũ văn hóa đọc. Người Nga thường đọc sách trong tàu điện ngầm.

Còn người Việt? Chẳng hạn, trong 60 ý tưởng vào vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ, chỉ có một ý tưởng chú trọng sách: Một học sinh nêu ý kiến về tủ sách công cộng đặt tại bến xe bus để người dân đọc khi chờ xe.

“Tôi không nghĩ người Việt ít đọc” - Trần Đăng Khoa nêu ý kiến. “Khái niệm sách cần thay đổi. Một người cắm cúi với chiếc điện thoại không có nghĩa họ không đọc sách”. Để minh chứng, Trần Đăng Khoa khoe chiếc iPhone chứa 135.000 đầu sách điện tử của ông. Nhà thơ kể, bây giờ hầu như ông lưu giữ rất ít sách giấy, nhưng chưa bao giờ mất thói quen đọc sách.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa so sánh nước Nhật với bản thân ông. Mọi người thường bảo, nhiều năm trôi qua nhưng mặt ông không hề già đi, nhà thơ bảo: “Thực ra đã già hết mức rồi, không thể già hơn được nữa”. Có lẽ khi đạt đến cái ngưỡng như vậy, một con người hay một quốc gia đều cần sự thay đổi, bước ngoặt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.