Nhắc đến nhạc sĩ Cao Việt Bách, những người ái mộ đều dành cho ông sự kính trọng không nhỏ. Ông là chỉ huy trưởng dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng là người sáng tác lên ca khúc giữa thời khắc lịch sử của đất nước “Tiếng hát thành phố mang tên Người”. Bài ca vang lên đúng vào lúc cả nước hân hoan đón chào giờ phút thiêng liêng của ngày 30/4/1975, mốc lịch sử trọng đại của dân tộc, đánh dấu khoảnh khắc đất nước sạch bóng quân thù.
Được hỏi duyên cớ nào khiến ông sáng tác một ca khúc mang nhiều dấu ấn lịch sử, nhân văn với những ca từ làm nức lòng người dân cả nước. Ông kể: “Sau ngày 10/3/1975, như các đồng nghiệp khác, ngày nào tôi cũng háo hức chờ đợi tin thắng trận được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau chiến thắng Ban Mê Thuột, rồi Quảng Trị,Thừa Thiên Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng…, tôi sống trong tâm trạng của một người lính không cầm súng, nhưng với vũ khí là lời ca tiếng hát.
Theo thông tin đoàn quân thần tốc, những ý tưởng, nốt nhạc bắt đầu hình thành. Và ngày 24/4/1975, tôi “vào trận”. Trong một đêm Hà Nội chuyển gió, đợt rét cuối mùa chấm dứt nhường lại cho những ngày nắng ấm tới gần thôi thúc tôi mãnh liệt. Khi đặt bút viết nốt nhạc đầu tiên, tôi đã nghĩ đến Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam lúc sinh thời luôn chỉ có một nguyện vọng: Nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc. Ngoài ra, Bác còn có ước vọng lớn lao là được một lần vào thăm đồng bào ruột thịt trong ngày thống nhất đất nước. Cũng chính tại Sài Gòn năm 1911, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Giờ đây những ước mơ của Người đã trở thành hiện thực…”.
Vào một đêm cuối tháng 4/1975, cùng với các đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, ca khúc “Tiếng hát thành phố mang tên Người” được ca sĩ Kiều Hưng thể hiện đã vang lên khắp mọi miền đất nước vào đúng thời khắc lịch sử khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Sau ngày Sài Gòn được giải phóng, một số đoàn nghệ thuật miền Bắc vào biểu diễn hòa chung niềm vui thắng lợi cùng bà con miền Nam, trong đó có Đài Tiếng Nói Việt Nam. Đó là kỷ niệm thật khó quên trong đời nhạc sĩ Cao Việt Bách: Đêm biểu diễn, giữa hàng vạn khán giả miền Nam ruột thịt, trong không khí thiêng liêng của đất nước, lời ca đã cất lên: Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mơ mong Bác trở về/ Trong chiến dịch này, Bác đã cùng về với những đoàn quân…”. Cả các diễn viên trên sân khấu rực ánh đèn đến người xem cùng vỗ tay cất cao tiếng hát trong không gian tràn ngập niềm vui ngày hội. Ca từ giản dị, âm hưởng hào hùng của ngày đất nước toàn thắng giành độc lập hòa quyện cùng cờ và hoa khiến Cao Việt Bách và toàn thể anh chị em trong đoàn cảm động đến trào nước mắt.
Nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy dàn nhạc |
Thời gian sau đó, nhạc sĩ Cao Việt Bách được mời sang Cộng hòa Dân chủ Đức. Vẫn ca khúc ấy, ông phối khí và chỉ huy dàn nhạc cho nước bạn biểu diễn bằng thể loại nhạc không lời. Khi kết thúc đêm diễn, tiếng vỗ tay không ngớt, người nhạc sĩ lại như sống lại trong thời khắc, không khí của ngày 30/4 lịch sử năm nào. Những bó hoa tươi tung lên sân khấu, những cái ôm hôn thắm thiết từ các đồng nghiệp ngoại quốc và khán giả khiến ông cảm động nhớ mãi dấu ấn đặc biệt ấy trong quãng đời làm nghệ thuật.
“Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về ngày 30/4/1975 ấy dường như đã gắn sâu với ca khúc mà tôi sáng tác, khiến tôi càng nhớ đến công ơn to lớn của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam”, ánh mắt người nhạc sĩ lại lấp lánh niềm vui.
Nhạc sĩ Cao Việt Bách. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Ngoài lĩnh vực chỉ huy, Nhạc sĩ Cao Việt Bách còn sáng tác ở cả hai lĩnh vực: khí nhạc và thanh nhạc. Ở khí nhạc, ông đã viết cho dàn nhạc giao hưởng, múa, sân khấu và điện ảnh. Trong sáng tác, ông được nhiều người biết tới với hai ca khúc: “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” và “Cung đàn mùa xuân”.
Nhạc sĩ Cao Việt Bách sinh ngày 10/10/1940 tại thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là Tỉnh ủy viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động từ những năm 1930, bị thực dân Pháp bắt trong một đợt đi càn và bị xử tử hình. Nhạc sĩ hồi tưởng về một đêm mưa gió, có mấy người là cán bộ, đầu đội mũ lá, vai quàng vải nhựa về làng đưa ông cùng vài học trò tuổi 12- 13 trạc như ông lên chiến khu Việt Bắc. Đây chính là các con em cách mạng “hạt giống đỏ”. 13 tuổi, ông được gửi sang Trung Quốc du học ở Lư Sơn rồi đến Quế Lâm. Năm 1954, ông theo học trường thiếu nhi Việt Nam ở Matxcơva. Ngoài học văn hóa, ông còn có năng khiếu về âm nhạc. Hết phổ thông năm 1959, ông vào học khoa chỉ huy hợp xướng ở Nhạc viện Gnesin của Matxcơva. Ngoài ra ông còn học nghiên cứu lý luận sáng tác. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp loại ưu và trở về nước, ông tham gia chỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Năm 1969 ông chuyển sang chỉ huy dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.