Ngoài Facebook, cuộc thăm dò còn được Reuters/Ipsos thực hiện với các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Google, Amazon, Microsoft và Yahoo. Kết quả, chỉ 41% người Mỹ tin tưởng Facebook tuân thủ luật bảo vệ thông tin cá nhân, so với 66% tin cậy Amazon, 62% của Google, 60% cho Microsoft và 47% với Yahoo.
Theo NYTimes, con số trên cho thấy thách thức mà mạng xã hội lớn nhất thế giới đang phải đối mặt sau vụ bê bối thông tin cá nhân. Facebook đã xin lỗi vì để dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng bị rò rỉ. Đáng chú ý, nó được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong bầu cử.
Zuckerberg và Giám đốc điều hành Facebook, Sheryl Sandberg, cho biết việc củng cố niềm tin là ưu tiên hàng đầu của họ. "Chúng tôi biết đây là vấn đề của niềm tin và bây giờ là thời điểm quan trọng với công ty", Sandberg trả lời CNBC.
Một trong những lý do mà Facebook hay các công ty Internet khác thu thập thông tin cá nhân người dùng là sử dụng nó cho mục đích quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ. Facebook, với hơn hai tỷ người dùng hàng tháng, đã thu về 40,6 tỷ USD doanh thu năm ngoái từ quảng cáo.
Trong scandal mới nhất của Facebook, khởi phát từ năm 2013, một giảng viên Đại học đã trả tiền cho những người trả lời ứng dụng khảo sát tâm lý. Ứng dụng này yêu cầu tiếp cận các thông tin như vị trí và danh sách bạn bè của họ. Có 27.000 người đồng ý tham gia. Với mạng lưới kết nối bạn bè, kết quả là tổng cộng 50 triệu người bị thu thập thông tin.